Đường về còn xa của người đàn ông hai lần đi tù vì ma túy

04/12/2020 16:42

Tham gia vào đường dây vận chuyển, mua bán thuốc phiện nên Hà Kim Đoài, sinh năm 1962, ở huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang phải trả giá bằng bản án tù chung thân. Vào trại thi hành án được 10 năm có lẻ thì Đoài lại tiếp tục tái phạm với tội danh mua bán ma túy. Chính vì thế lẽ ra với từng ấy năm cải tạo, Đoài gần như chạm tay vào cơ hội để được xem xét giảm xuống án có thời hạn. Nhưng với tội danh mới này thì ông ta lại tiếp tục cải tạo với bản án chung thân của mình.

Hai lần dính vào ma túy

Sau lần hầu tòa vào năm 2014 vì tham gia vào đường dây mua bán, tiêu thụ ma túy trong trại giam, Hà Kim Đoài tiếp tục được thi hành bản án chung thân ở trại giam Tân Lập, Bộ Công an. Chỗ làm việc của ông ta hiện nay là xưởng khâu bóng có hàng rào lưới B40 vây quanh. Chạm tuổi sáu mươi nên mái tóc người đàn ông khoác áo phạm nhân này trắng như cước.

Theo hồ sơ phạm nhân, đường dây mua bán, vận chuyển và tiêu thụ thuốc phiện từ huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La lên thị trấn Phó Bảng, huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang rồi đưa qua biên giới do hai đối tượng Lư Văn Can và Hà Thị Phương cùng trú ở xã Tân Thịnh, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, có vai trò chính trong đường dây.

Khi bị Công an tỉnh Tuyên Quang bắt ngày 3/8/2002, hai đối tượng này khai từ năm 2001 đến 2002 đã cùng một số đối tượng nhiều lần đến bản Mai Thuận, xã Cò Nòi và bản Phúng, xã Chiềng Ve, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, để mua thuốc phiện của Vừ Khua Sâu, Lý Sếch Của, Lý A Và, Vừ A Chi... sau đó vận chuyển số thuốc phiện này lên Hà Giang, bán cho các đối tượng ở thị trấn Phó Bảng, huyện Ðồng Văn, tỉnh Hà Giang. Hà Kim Đoài là một trong số những đối tượng đã tham gia vào việc mua bán, tiêu thụ ma túy của Lư Văn Can và Hà Thị Phương. Từ lời khai nhận của các đối tượng, CQĐT xác định đối tượng Can đã trực tiếp buôn bán 75 kg thuốc phiện; Hà Thị Phương buôn bán 65 kg thuốc phiện và Hà Kim Ðoài buôn bán 30 kg thuốc phiện...

Với hành vi này, Đoài bị TAND tỉnh Tuyên Quang kết án tù chung thân. Tháng 8/2002, Đoài về trại giam Tân Lập thi hành bản án.

Đầu năm 2013, Đoài bị cán bộ phân trại số 3, trại giam Tân Lập bắt quả tang khi có hành vi cất giấu 25 gói heroin trong chiếc xô nhựa trong lúc đi lao động về. Khai với nhà chức trách, Đoài cho biết, số ma túy này ông ta có được là do cắt xén từ số ma túy được phạm nhân cùng phân trại nhờ cất giấu hộ. Hai đối tượng nhờ Đoài cất giấu ma túy chính là phạm nhân Bùi Hồng Khanh và Nguyễn Văn Long, đều đang thi hành bản án tù chung thân trong trại giam Tân Lập.

Hành vi này của Đoài tuy chưa phải chịu mức án cao nhưng do ông ta vẫn đang thi hành bản án tù không thời hạn nên với bản án mới này, án chung thân lại được tính từ ngày bị bắt là 18/5/2013, coi như hơn 10 năm lao động cải tạo trước đó của Đoài đổ xuống sông xuống biển.

Ngoài giờ lao động, cải tạo các phạm nhân còn tham gia làm báo tường, trang trí khẩu hiệu cho những ngày lễ lớn. Ảnh minh họa

Đường về còn xa

Trước khi khoác áo phạm nhân, Đoài là một người lao động thuần nông với trình độ văn hóa chưa hết cấp hai. Sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em, bản thân là con lớn trong nhà nên ít nhiều Đoài cũng có sự thiệt thòi, nhất là chuyện học hành. Đoài bảo, ngày đó do gia đình nghèo khó, đông anh em nên bố mẹ chỉ xác định cho con học để biết chữ, đến tuổi có thể lao động được thì nghỉ đi làm để đỡ đần bố mẹ. Chính vì thế mà Đoài lấy vợ sớm và lên chức bố khi mới hai mươi tuổi.

Vợ chồng cùng làm ruộng và chăn nuôi nhỏ lẻ nên nguồn thu nhập chính của gia đình Đoài chủ yếu trông vào ruộng vườn. Thời gian rảnh rỗi, Đoài có đi làm thuê, chủ yếu là phụ hồ và chính những ngày đi theo công trình ấy đã khởi nguồn để ông ta quen biết với những kẻ mua bán ma túy. Đoài bảo, quen Can và Phượng trong một lần đi làm thuê và khi biết hai người này giàu lên vì buôn thuốc phiện, ông ta đã vui vẻ tham gia.

Hỏi Đoài về số tiền kiếm được từ việc mua bán 30 kg thuốc phiện, ông ta bảo mua bán kiểu trao tay, hơn nữa mặt hàng lại là thuốc phiện nên lợi nhuận không cao, chỉ đủ để ông ta chi tiêu cá nhân chứ không giúp được gì cho vợ con.

Vợ chồng sinh được 4 người con nhưng theo người đàn ông này thì vợ Đoài mới có công dưỡng dục, nuôi dạy chúng nên người. “Ngày tôi bị bắt đứa con út mới được 10 tuổi nhưng giờ nó đã là chàng trai ba mươi tuổi rồi”, Đoài tâm sự.

Theo lời người đàn ông khoác áo phạm nhân này tâm sự, thì mặc dù phải một mình gồng gánh nuôi đàn con nhỏ dại nhưng vợ Đoài vẫn không buông bỏ trách nhiệm của một người vợ đối với chồng cho dù đó là người chồng tội lỗi. Đều đặn hàng tháng, vợ ông ta lại thu xếp vào thăm chồng và chỉ có thời gian gần đây, do sức khỏe và cũng một phần vì con cái đã lớn nên bà đã để con cái thay mình đi thăm chồng. Đoài bảo, mỗi lần gặp các con, nhìn chúng trưởng thành lại cảm thấy xấu hổ nhưng lời động viên của con cháu như tiếp thêm cho ông ta động lực để mà phấn đấu. Đoài bảo, hai lần đi tù của ông ta đều do một chữ tham nên nhiều lúc không khỏi suy nghĩ.

“Nhiều lúc ngẫm nghĩ, tôi tự trách mình sao từng ấy tuổi rồi mà vẫn còn…”, Đoài bỏ dở câu nói. Ông ta cho biết, bản thân không hề dính nghiện và cũng chưa từng một lần sử dụng ma túy nên không biết thuốc phiện hay heroin có sức hấp dẫn hơn. Nhưng đồng tiền mà lợi nhuận đem lại đã khiến Đoài mờ mắt và chính vì thế mà ông ta phạm tội.

Người đàn ông luống tuổi này bảo rằng, giờ chỉ còn biết lấy việc chăm chỉ lao động để chuộc lại lỗi lầm và mong rằng vợ con sẽ song hành cùng ông ta trên chặng đường này để Đoài yên tâm cải tạo, biết đâu lại có cơ hội rút ngắn thời gian thi hành án.

Nghe ông ta tâm sự, chúng tôi cũng mong rằng hy vọng ấy sẽ đến với Đoài cho dù người đàn ông này đã nhận được bài học đắt giá sau 2 lần phạm tội.

Top