Nan giải điều trị “ngáo đá”

30/11/2020 08:38

Tình trạng sử dụng ma túy diễn biến phức tạp, số người nghiện ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng. Đáng lo ngại hơn cả, có tới 70% người nghiện ma túy tổng hợp thường có biểu hiện về tâm thần, loạn thần, mất kiểm soát dẫn đến nhiều vụ án mạng nhiêm trọng. Nhưng điều trị loạn thần (còn gọi là “ngáo đá”) do sử dụng các chất ma túy tổng hợp một cách hiệu quả đang là bài toán khá nan giải...

Một tiết mục văn hóa văn nghệ tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2.

Nhiều khó khăn trong điều trị loạn thần

TP Hồ Chí Minh hiện có bốn cơ sở cai nghiện, gồm một cơ sở xã hội, hai cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng và một cơ sở cai nghiện bắt buộc. Lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) TP Hồ Chí Minh hiện đang quản lý 5.600 người cai nghiện ma túy. Đa số người cai nghiện sử dụng nhiều loại ma túy khác nhau, mắc nhiều bệnh truyền nhiễm như lao, HIV/AIDS. Đặc biệt một số người sử dụng các chất ma túy tổng hợp và các chất hướng thần và bị rối loạn tâm thần, gây ảo giác, hoang tưởng, nhiều trường hợp bệnh nhân luôn nói những câu nói vô nghĩa hoặc không trả lời được những câu thông thường…,

Từ năm 2017 đến nay, hằng năm Cơ sở xã hội Nhị Xuân, trực thuộc Lực lượng TNXP TP Hồ Chí Minh, tiếp nhận để điều trị cắt cơn, giải độc, chăm sóc sức khỏe cho 6.000 người cai nghiện ma túy (diện Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30-12-2013 của Chính phủ), 1.500 người cai nghiện ma túy diện tự nguyện, 200 người cai nghiện diện gia đình, cộng đồng. Hiện đơn vị đang quản lý thường xuyên khoảng 2.000 người cai nghiện ma túy. Trong đó, tỷ lệ học viên sử dụng ma túy tổng hợp là chủ yếu và ngày càng tăng, con số này tỷ lệ thuận với học viên có dấu hiệu biểu hiện rối loạn tâm thần. Khoảng 70% số ca tiếp nhận có Công an địa phương hỗ trợ gia đình đưa lên Nhị Xuân cai nghiện, chứ họ không tự nguyện đi cai nghiện.

Đáng nói, hiện nay Cơ sở xã hội Nhị Xuân đang phải áp dụng chương trình quản lý, giáo dục chung cho tất cả những người cai nghiện theo thời gian vào cai nghiện (học chuyên đề, học nghề, mạn đàm giá trị sống, tập yoga, Aerobic, thể hình và các hoạt động giáo dục phong trào khác). Đây là một bất cập trong quản lý, bởi người loạn thần không thể tham gia các hoạt động liên quan đến đòi hỏi sự tập trung, suy nghĩ, nhận thức.

Những học viên có biểu hiện loạn thần thường lo lắng, bất an, buồn bã, cáu gắt, giận dữ đến hung dữ... tâm thần bị rối loạn như: trí nhớ kém, lời nói khó hiểu, mê sảng, dễ bị kích động hành vi, vùng vẫy, la hét, tự hủy hoại thân thể. Có tới 90% số vụ việc học viên gây rối, đánh nhau, vi phạm nội quy đều có liên quan đến những học viên có tiền sử loạn thần hoặc đang điều trị loạn thần. Thậm chí có một số trường hợp học viên lên xin gọi điện thoại về cho gia đình, cán bộ không giải quyết do không bảo đảm theo quy định, học viên nổi nóng đập điện thoại, chửi bới cán bộ quản lý.

Nhưng việc tách riêng diện người nghiện bị loạn thần ra để quản lý lại chưa thể thực hiện vì chưa có chương trình quản lý, giáo dục chuyên biệt áp dụng cho người có dấu hiệu loạn thần. Cơ sở này cũng không có đủ trang thiết bị y tế bảo đảm để theo dõi những trường hợp loạn thần. Cụ thể mỗi tuần tiếp nhận khoảng 38 lượt học viên nhập mới diện tự nguyện, trong khi đó sức phục vụ tại Phòng Y tế chỉ khoảng 60 học viên, bắt buộc phải chuyển học viên về Đội sinh hoạt sớm hơn thời gian theo quy định (học viên nhập mới được điều trị cắt cơn, giải độc theo quy định từ 7 đến 15 ngày, nhưng thực tế do thiếu phòng ở nên học viên không được điều trị tại Phòng Y tế đúng như thời gian quy định).

Cơ sở cũng chưa có khu quản lý riêng cho các đối tượng bị rối loạn tâm thần nặng cần theo dõi để tránh ảnh hưởng đến đến hoạt động của các khu, đội, sinh hoạt của người cai nghiện khác…

Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 (thuộc lực lượng TNXP TP Hồ Chí Minh) có trụ sở tại xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, là cơ sở điều trị đa chức năng điều trị nghiện ma túy tự nguyện và bắt buộc hiện đang quản lý hơn 1.200 học viên cai nghiện bắt buộc và hơn 50 học viên cai nghiện tự nguyện.

Số lượng học viên sử dụng ma túy tổng hợp là 1.073 học viên chiếm tỷ lệ 89,4% trên tổng số học viên cơ sở đang quản lý, trong đó có hơn 10 học viên có biểu hiện rối loạn tâm thần nặng và một số học viên khác có biểu hiện rối loạn tâm thần nhẹ gây khó khăn nhất định cho đơn vị trong công tác quản lý học viên. Quá trình khai thác thông tin từ học viên mất nhiều thời gian, thông tin tiếp nhận từ học viên độ chính xác không cao. Khi được hỗ trợ học viên không hợp tác và tiến bộ chậm…

Tiếp nhận học viên cai nghiện tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân

Chưa có phác đồ điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp

Đề cập đến những khó khăn trong công tác cai nghiện, đại diện Cơ sở xã hội Nhị Xuân cho biết, hiện người sử dụng chất ma túy dạng Amphetamin ngày càng chiếm tỷ lệ cao khoảng 80% số người nghiện sử dụng phối hợp nhiều loại ma túy cùng lúc (cần sa, heroin, Amphetamin ...) nên tỷ lệ rối loạn tâm thần cũng tăng. Công tác tư vấn tiếp nhận đầu vào của cơ sở này gặp rất nhiều khó khăn, đa số người cai nghiện có thái độ không hợp tác, không chịu tiếp xúc trao đổi thông tin cá nhân, có nhiều trường hợp còn chống đối, đập phá đồ đạc, tự hủy hoại thân thể, thậm chí hành hung người thân và cán bộ tiếp nhận…

Theo các cơ sở cai nghiện, điều bất cập lớn trong việc điều trị người loạn thần hiện nay là chưa có quy trình quản lý, giáo dục rèn luyện, tư vấn bệnh lý tâm thần chuyên biệt áp dụng dành riêng cho từng người nghiện ma túy rối loạn tâm thần. Điều này buộc các cơ sở đang áp dụng chương trình giáo dục chung cho tất cả các học viên theo thời gian vào cai nghiện.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Hồ Chí Minh, bên cạnh việc phải đối mặt với tình hình phức tạp của tệ nạn ma túy, tình hình mua bán, vận chuyển và sử dụng các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần gia tăng, nhiều loại ma túy mới xuất hiện, tiềm ẩn nhiều nguy cơ...  thì hiện nay, công tác điều trị người nghiện còn nhiều hạn chế, chưa nghiên cứu bổ sung, đổi mới phương pháp điều trị nghiện để đạt được hiệu quả, đặc biệt là chưa có phác đồ điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp, trong khi người nghiện ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng.

Từ những thực trạng trên, nhiều cơ sở cai nghiện đã đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh bố trí đơn vị chuyên quản lý đối với học viên (diện cai nghiện bắt buộc) rối loạn tâm thần nặng. Đồng thời, các cơ sở cũng đề xuất tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ y bác sĩ, nhân viên tư vấn về điều trị cai nghiện cho học viên rối loạn tâm thần…

Gần đây, nhằm giảm áp lực tại cơ sở xã hội, UBND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu Chủ tịch UBND quận, huyện khẩn trương chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH, Phòng Tư pháp, Công an quận, huyện cùng UBND phường, xã, thị trấn và các đơn vị liên quan rà soát, đẩy nhanh tiến độ, hoàn tất hồ sơ người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định, đặc biệt là những người có thời gian lưu trú trên 2 tháng tại cơ sở xã hội, để đề nghị tòa án xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Riêng Công an TP Hồ Chí Minh được yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ xác minh hồ sơ, trích lục tiền án, tiền sự và hướng dẫn tháo gỡ kịp thời những hồ sơ đang gặp vướng mắc trong xác minh. Ngành Tòa án cần đẩy nhanh tiến độ quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc…

Top