CCM Việt Nam giám sát tiến độ Dự án phòng, chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét

22/11/2020 15:50

Trong 3 ngày (từ ngày 20/11 đến ngày 22/11), Đoàn công tác của Ban điều phối Quốc gia Quỹ Toàn cầu (CCM Việt Nam) đi thực hiện công tác giám sát tiến độ triển khai, Dự án phòng, chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét tại Cần Thơ, Kiên Giang.

Đoàn công tác đến kiểm tra, giám sát tại Cơ sở điều trị Methadone ở Cần Thơ. Ảnh: Thùy Chi

Đoàn công tác có PGS. TS Phạm Lê Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch CCM Việt Nam; ông Đoàn Hữu Bẩy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo Văn xã, Văn phòng Chính phủ - Ủy viên Thư ký Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, thành viên CCM Việt Nam; ông Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, thành viên; bà Nguyễn Thúy Vân đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cùng với đại diện Chương trình phòng, chống Lao Quốc gia và đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế).

Đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS, Dự án phòng, chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét hỗ trợ Cần Thơ và Kiên Giang đạt 3 mục tiêu, bao gồm: Duy trì, cải thiện các gói dịch vụ thiết yếu can thiệp dự phòng tập trung vào các nhóm đối tượng đích và bạn tình của người nhiễm HIV trong cộng đồng; mở rộng chuẩn đoán sớm thông qua các hình thức xét nghiệm HIV tại cơ sở xét nghiệm, xét nghiệm HIV tại cộng đồng cho các nhóm quần thể đích và bạn tình của người nhiễm HIV; mở rộng, cải thiện, chất lượng điều trị thuốc kháng virus (ARV) để tối đa hóa lợi ích về điều trị, dự phòng, giảm lây truyền HIV và giảm tử vong do AIDS.

Bên cạnh đó, dự án cũng hỗ trợ một số hoạt động liên quan đến chương trình PrEP, hỗ trợ vật tư tiêu hao dùng cho xét nghiệm Asante, hỗ trợ các phòng xét nghiệm HIV tuyến thực hành xét nghiệm khẳng định HIV trước khi được cấp phép…

Trong công tác phòng, chống sốt rét, dự án hỗ trợ các hoạt động nhằm bảo đảm 5 mục tiêu, bao gồm: Bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ chuẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và hiệu quả tại các cơ sở y tế nhà nước; bảo đảm diện bao phủ các biện pháp phòng, chống sốt rét thích hợp và hiệu quả cho dân có nguy cơ mắc sốt rét; tăng cường hệ thống giám sát dịch tễ và bảo đảm đủ khả năng phòng, chống dịch và sốt rét; nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi phòng, chống sốt rét của cộng đồng; quản lý và điều phối hiệu quả chương trình phòng chống và loại trừ sốt rét quốc.

Đối với công tác phòng, chống lao, dự án hỗ trợ các hoạt động như sàng lọc chủ động lao cho trẻ em tiếp xúc với người bệnh lao, phụ cấp cho phòng xét nghiệm, cung ứng vật tư tiêu hao để làm xét nghiệm Xpert, sàng lọc LTA cho người tiếp xúc NTP triển khai, vận chuyển mẫu đờm để xét nghiệm chuẩn đoán và theo dõi, cải tạo cơ sở hạ tầng và năng lực phòng xét nghiệm, mua thuốc hỗ trợ điều trị lao kháng thuốc, mở rộng phối hợp lao/HIV – hòa nhập phần mềm quản lý số liệu của Chương trình lao và Chương trình HIV…

Theo số liệu thống kê, tại Cần Thơ, tính đến 31/10, tổng số người nhiễm HIV được phát hiện là 6.806, trong đó tử vong 2.529 người, số nhiễm HIV còn sống là 4.277 người. Đáng lưu ý, số người nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng tính tăng mạnh, đáng báo động. Hiện địa phương có khoảng 6.900 nam quan hệ tình dục đồng giới, thuộc nhóm người nguy cơ cao nhiễm HIV…

Đoàn công tác làm việc tại Sở Y tế tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Thùy Chi

Tại Kiên Giang, nhóm HIV cao vẫn là người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và nam quan hệ tình dục đồng giới mới nổi hiện nay. Tỉ lệ lây nhiễm qua quan hệ tình dục cao nhất chiếm 72, 6%, qua đường máu chiếm 5,4%; mẹ sang con 4,5%.

Đánh giá tiến độ triển khai dự án tại Cần Thơ và Kiên Giang, PGS. TS Phạm Lê Tuấn cho biết, hai địa phương cơ bản đã bám sát vào các mục tiêu triển khai. Các cán bộ rất tích cực triển khai các hoạt động, nắm chắc thông tin chuyên môn. Tại Cần Thơ, địa phương đã đẩy mạnh các hoạt động có sự tham gia của các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO), công tác phối hợp phòng, chống lao tốt, đặc biệt đã thực hiện tốt công tác truy vết lao.

Bà Nguyễn Thúy Vân đánh giá, hai địa phương đã rất tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống, trong đó có hoạt động của Dự án Quỹ Toàn cầu. Cần Thơ đã thúc đẩy được sự tham gia của cộng đồng và là 1 trong 32 tỉnh thực hiện tốt chương trình điều trị PrEP.

Để dự án đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, PGS. TS Phạm Lê Tuấn yêu cầu Cần Thơ và Kiên Giang cần chú trọng các hoạt động như đẩy mạnh các hoạt động có sự tham gia của CBO, điều trị đồng nhiễm lao/HIV, tăng cường hơn nữa công tác truy vết lao...Chủ động kiến nghị, đề xuất các giải pháp hoạt động hiệu quả song song với việc đẩy mạnh các hoạt động là tăng tỉ lệ giải ngân để công tác phòng, chống HIV, lao và sốt rét đạt hiệu quả cao hơn nữa.

Ông Nguyễn Văn Tiên cho rằng, để công tác truy vết lao đạt kết quả tốt, hai địa phương cần xây dựng đề án, lập kế hoạch cụ thể. Đề án có thể dựa trên thành công của việc truy vết những bệnh nhân mắc COVID-19, đây là việc Việt Nam đã thực hiện rất tốt.

Ông Đoàn Hữu Bẩy lưu ý, Cần Thơ và Kiên Giang cần chú trọng công tác dự phòng, bảo đảm 100% người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế, đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, bởi cả hai địa phương đều có số nam quan hệ tình dục đồng giới cao. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chương trình điều trị PrEP cho những người nguy cơ cao nhiễm HIV. Đồng thời, nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; tăng cường các hoạt động liên quan đến các mục tiêu 90-90-90 để góp phần giúp Việt Nam sớm đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

 

Thùy Chi

Top