Những em gái phải hành nghề mại dâm vì "không có đường lui" giữa dịch COVID-19

14/11/2020 10:25

COVID-19 đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn người ở Ethiopia, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái nghèo khổ. Nhiều người trong số họ bị đẩy vào con đường "buôn hương, bán phấn".

Ảnh minh họa từ The Indian Express

Năm 11 tuổi Selam trốn khỏi làng để tránh kết hôn với một người đàn ông lớn tuổi ở miền bắc Ethiopia. Khi ấy cô bé cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm và vui mừng về tương lai phía trước, nhưng đâu biết rằng hy vọng đó không kéo dài được bao lâu.

Selam đã phải bán dâm trong 3 năm ở thành phố Gondar, miền bắc Ethiopia, nơi ước tính có hàng trăm cô gái là nạn nhân của bóc lột tình dục và con số này đang dần tăng lên do ảnh hưởng từ COVID-19. Bởi vì đã bỏ học năm 11 tuổi và không đủ khả năng để trở về nhà, cô bé cảm thấy "không có đường lui" khi dính vào nghề mại dâm, một hoạt động được phép và phổ biến ở Ethiopia.

Qua các cuộc phỏng vấn với hàng chục người bán dâm, trong đó có 5 người chưa đủ tuổi, các nhân viên xã hội, nhà hoạt động và quan chức ở vùng Amhara thấy rõ nỗ lực ngăn chặn nạn bóc lột tình dục trẻ em đang bị giảm sút và gián đoạn do tác động của COVID-19.

Những nỗ lực tiếp cận và các cuộc truy quét của cảnh sát nhằm tìm trẻ em bị mắc kẹt trong khu hành nghề mại dâm ở một số khu vực của Amhara phải dừng lại vào tháng 4, khi các nhà chức trách tập trung vào việc giải quyết tình trạng khẩn cấp liên quan đến COVID-19.

Các quan chức địa phương cũng kêu gọi thêm quỹ từ chính phủ liên bang khi tình trạng bóc lột tình dục trẻ em gia tăng sau đó.

Mất việc, nghèo đói do COVID-19

Các nhà nghiên cứu và các nhà vận động lo ngại rằng việc đóng cửa trường học, mất việc làm và suy giảm kinh tế do COVID-19 gây ra có thể khiến nhiều trẻ em trên toàn quốc chuyển từ vùng quê lên thành phố, nơi có nhiều nguy cơ khiến trẻ em bị bóc lột lao động hoặc tình dục hơn.

Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Thế giới vào tháng 6 trên 3.250 hộ gia đình ở Ethiopia cho thấy 13% người dân đã mất việc làm kể từ COVID-19 và ít nhất một nửa số người cho biết thu nhập của họ bị giảm hoặc không còn nữa.

Theo Netsanet Kindu, trưởng nhóm lao động và xã hội của chính quyền thị trấn ở Metama, cho biết nhiều phụ nữ và trẻ em gái bán dâm đã tìm kiếm sự giúp đỡ trong những tháng gần đây nhưng ngân sách của văn phòng cô có hạn để hỗ trợ những đối tượng như thế này, từ những người hành nghề mại dâm đến trẻ em đường phố và kêu gọi chính phủ liên bang tài trợ thêm.

Kibri thuộc Bộ phụ nữ và trẻ em cho biết sự hỗ trợ của chính phủ liên bang về việc "củng cố hệ thống" thay vì cung cấp nhiều tiền hơn cho chính quyền địa phương và trích dẫn kế hoạch 10 năm được đề xuất để bảo vệ trẻ em khỏi bị bóc lột.

Cách kiếm sống duy nhất giữa "lòng" đại dịch

Các nhà vận động cho biết một số cô gái ở nông thôn bị gia đình thúc ép lên thành phố, nơi hoạt động mại dâm thường là nguồn thu nhập khả thi nhất để có việc làm. Những người khác cho biết đây là cách kiếm tiền trả cho những kẻ buôn lậu để đưa họ đến Ả Rập Xê Út hoặc châu Âu nhằm tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn.

Getachew Fentahun, người đứng đầu một phòng khám ở Gondar cung cấp các dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục cho các cộng đồng nghèo biết: "Đó là phương tiện duy nhất để họ tồn tại".

Getachew cho biết nhiều cô gái từng làm bồi bàn hoặc giúp việc đã bị sa thải sau khi COVID-19 bùng phát và đã chuyển sang bán dâm thay vì trở về quê với hai bàn tay trắng.

Theo Liên Hợp Quốc, đại dịch đã đẩy nhiều gia đình trên toàn cầu vào cảnh nghèo đói và trẻ em ở các cộng đồng nghèo khó có nguy cơ đối mặt với lao động trẻ em và tảo hôn cao hơn. Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo rằng COVID-19 có thể đẩy tới 150 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực vào cuối năm 2021, ảnh hưởng đến hơn 3 năm tiến bộ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Tại Gondar và Metema, một thị trấn giáp biên giới với Sudan, các nhà hoạt động và chính quyền lo ngại hoạt động mại dâm dưới tuổi vị thành niên đang thiếu kiểm soát và khó ngăn chặn vì nhiều cô gái nói dối về tuổi của mình, ngại tìm kiếm sự giúp đỡ và thiếu tin tưởng vào giới chức trách.

Almaz Lakew, một chỉ huy cảnh sát ở Gondar, cho biết các cô gái tham gia hoạt động mại dâm có xu hướng trốn tránh hoặc trốn chạy chính quyền để tránh bị đưa về nhà với gia đình. Ngoài ra, người đứng đầu một bộ phận về phụ nữ và trẻ em chia sẻ "Đây là một thách thức rất lớn đối với nỗ lực giúp đỡ họ của chúng tôi".

Hầu hết những người bán dâm đều mặc váy ngắn, đứng đợi bên ngoài quán bar hoặc đứng ở các góc phố với hy vọng tìm được những khách hàng trả ít nhất 100 birr (khoảng 61.400 đồng) cho việc bán dâm. Phụ nữ và trẻ em gái không tìm được khách hàng thường ngủ lang ngoài đường.

Một số người bán dâm, bao gồm cả trẻ em gái vị thành niên cho biết họ cảm thấy bị cộng đồng và các nhà chức trách bỏ rơi.

Mekdes, 19 tuổi nói "Mọi người coi chúng tôi như rác rưởi. Một số hiểu rằng chúng tôi phải đối mặt với những thách thức trong cuộc sống và buộc phải làm công việc này. Nhiều người khác lại nghĩ rằng chúng tôi là những người vô tích sự".

Bán dâm đổi lấy cơ hội ra nước ngoài

Tsion, 16 tuổi coi buôn bán tình dục là cách duy nhất để thực hiện ước mơ ra nước ngoài của mình. Cô nhớ lại cảnh tượng nhìn thấy những xác chết trên đường đến Libya, nói "Quyết định bán dâm cho thấy tôi đã từ bỏ cuộc sống. Tôi Không có tương lai tươi sáng ở Ethiopia."

Mặc dù ở Ethiopia mại dâm được cho phép, nhưng quan hệ tình dục với người dưới 18 tuổi là phạm tội có thể bị phạt tù tới 15 năm. Mức án có thể nặng hơn nếu người đó dưới 13 tuổi.

Nhưng Aschalew Abraham, điều phối viên tại văn phòng Tổng chưởng lý Gondar, cho biết những trường hợp như vậy hiếm khi được đưa ra công lý vì các cô gái rất sợ cảnh sát cũng như sợ mất thu nhập. Trong một số tình huống, họ còn bỏ cáo buộc để đổi lại tiền từ khách hàng.

Ở Metema, bán dâm chủ yếu được trao đổi với các tài xế xe tải, công nhân nông trại và nam giới Sudan qua biên giới để uống rượu và tiệc tùng.

Theo Netsanet Kindu, có hơn 1.000 phụ nữ làm nghề mại dâm ở Metema, và khoảng 15% trong số đó chưa đủ tuổi. Một số người hành nghề mại dâm cho biết công việc này là giải pháp ngắn hạn nhằm kiếm đủ tiền trả cho những kẻ buôn lậu đưa họ ra nước ngoài.

Hàng năm, ước tính có hàng chục nghìn người Ethiopia di cư qua châu Phi, đến vùng Vịnh và châu Âu để tìm kiếm công việc được trả lương cao hơn. Tuy nhiên, nhiều người cuối cùng trở thành nạn nhân của buôn bán tình dục hoặc lao động cưỡng bức. Ngoài ra, họ cũng có thể là người giúp việc hoặc bị mắc kẹt trên các công trường xây dựng.

Getahun Melese, người đứng đầu văn phòng công tố quận Metema, cho biết các cô gái và phụ nữ bán dâm để ra nước ngoài thường phải đối mặt với lạm dụng tình dục, hành hung và đe dọa trong, nhưng hiếm khi thông báo cho chính quyền hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ.

Getahun nói "Họ coi những người thực thi pháp luật là kẻ thù và những người môi giới là những người bạn đang giúp đỡ họ. Họ nghĩ rằng cảnh sát và tư pháp sẽ ngăn cản họ đạt được mục tiêu. Tất cả những gì họ muốn là rời khỏi đất nước này".

Nỗ lực từ chính phủ

Các quan chức trong khu vực cho biết họ đã cố gắng ngăn chặn nạn mại dâm ở trẻ vị thành niên trước khi đại dịch xảy ra bằng cách thông báo các chủ quán bar và nhà hàng không được thuê trẻ em làm việc bất hợp pháp.

Các nhân viên xã hội ở Metema và Gondar cho biết họ đã cố gắng giới thiệu các cô gái làm nghề mại dâm đến nghe tư vấn về kế hoạch hóa gia đình và xét nghiệm HIV ở các tổ chức phi chính phủ. Nhưng sự sợ hãi, xấu hổ và thiếu nhận thức đã khiến nhiều cô gái không tiếp cận được các dịch vụ này.

Kibri Hailu Abay, giám đốc quyền trẻ em tại Bộ Phụ nữ, Trẻ em và Thanh niên cho biết chính phủ đang giúp chính quyền khu vực tìm kiếm nguồn tài trợ từ cộng đồng địa phương, khu vực tư nhân và xã hội dân sự để hỗ trợ trẻ em cơ nhỡ.

Ông nói "Có rất nhiều chương trình đầy hứa hẹn để giải quyết các vấn đề bảo vệ trẻ em, và vạch ra kế hoạch 10 năm bao gồm việc thuê nhân viên xã hội, thiết lập đường dây nóng để báo cáo lạm dụng và lập sổ báo cáo tội phạm tình dục quốc gia".

Top