Tỷ lệ đồng tính nam nhiễm HIV/AIDS ở mức đáng báo động

06/11/2020 16:40

Ngày 5/11, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long – Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS giảm mạnh ở nhóm người sử dụng ma túy, phụ nữ bán dâm, nhưng lại tăng nhanh trong cộng đồng người đồng tính nam.

 

 Đồng đẳng viên tư vấn xét nghiệm HIV cho nhóm MSM. Ảnh: Thùy Chi

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, đây là thực trạng rất đáng lo ngại. “Khoảng 10 năm trước đây, theo khảo sát của chúng tôi tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS ở nhóm này chỉ là 3% đến 4%. Tuy nhiên, đến nay con số này đã tăng lên 10% đến 15%. Thậm chí, ở một số địa phương còn đạt ngưỡng 15% đến 17%”, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long chia sẻ.

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, có nhiều lý do khiến tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS ở nhóm đồng tính nam tăng nhanh. Thứ nhất là hành vi quan hệ tình dục đồng giới nam hiện nay đã tăng lên nhiều so với trước đây.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long lý giải: “Hiện nay, các kênh liên lạc trong xã hội rất đa dạng. Do đó những người đồng tính có thể dễ dàng kết nối với nhau. Bên cạnh đó, xã hội cũng đang dần chấp nhận vấn đề đồng tính”.

Thứ hai là giới trẻ hiện nay chưa hiểu biết đầy đủ các thông tin về phòng chống HIV/AIDS, nên khó có thể bảo vệ mình trước dịch bệnh này.

N.V.H (24 tuổi, Hà Nội), một bạn trẻ thuộc cộng đồng đồng tính nam tham gia Hội thảo, chia sẻ: “Mặc dù bạn tình của tôi không nhiễm HIV nhưng khá nhiều người đồng tính nam mà tôi quen biết lại mắc căn bệnh thế kỷ này. Thực tế trước đây tôi vẫn không nghĩ rằng, mình thuộc nhóm có nguy cơ cao. Trong quan hệ tình dục chỉ biết sử dụng bao cao su, chứ không có biện pháp dự phòng nào khác”.

PGS. TS Nguyễn Hoàng Long cho rằng, cần phải thực hiện các giải pháp để ngăn chặn lây nhiễm HIV trong nhóm này. Trong đó, có giải pháp can thiệp trong quan hệ tình dục đồng tính để phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS như sử dụng thuốc PrEP là trực tiếp và hiệu quả hơn cả.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long cho hay: “Các nghiên cứu cho thấy rằng, tỷ lệ bảo vệ khi dùng PrEP lên tới 95% đến 98%. Chúng tôi đã thử nghiệm sử dụng PrEP cho 10.000 người thuộc nhóm đồng tính nam và cho kết quả rất tốt. Cụ thể, với tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trung bình 7%/năm, sau 1 năm có thể có thêm 700 người đồng tính nam nhiễm HIV/AIDS mới. Tuy nhiên, trong nhóm thử nghiệm chỉ ghi nhận 8 trường hợp mắc mới trong năm vừa rồi”.

Dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) là liệu pháp dự phòng mang tính đột phá, có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV tới hơn 92% nếu được sử dụng hằng ngày, như một phần của chiến lược dự phòng tổng thể. PrEP được giới thiệu lần đầu tiên tại Việt Nam vào đầu năm 2017 trong khuôn khổ chương trình Prepped for PrEP - một chương trình thí điểm do Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam (VAAC) và dự án USAID PATH Healthy Markets phối hợp triển khai. Dịch vụ PrEP nhận được sự quan tâm của nhóm đích với số lượng đăng ký sử dụng ngày càng tăng và tỷ lệ người tiếp tục sử dụng PrEP cao.

Hiện PrEP đã được mở rộng thêm ra 15 tỉnh, thành phố, đưa dịch vụ này sẵn có tại 26 tỉnh, thành phố ở Việt Nam với sự hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ, Quỹ Toàn cầu và Chính phủ Việt Nam. Kể từ khi khởi động chương trình PrEP năm 2017, đã có hơn 12.000 người đăng ký sử dụng PrEP, trong đó chỉ riêng dự án USAID/PATH Healthy Markets đã có 6.678 người sử dụng PrEP trong năm 2020, tăng 3.946 người so với năm 2019.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, việc kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn đang là một rào cản lớn khiến những người thuộc nhóm có nguy cơ cao như người đồng tính nam không muốn lộ diện, từ đó không được tiếp cận và sử dụng PrEP.

Xác định được đây là thực trạng đáng lo ngại, “trong chiến lược quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS mới  được phê duyệt, chúng ta đặt ra mục tiêu chấm dứt dịch AIDS ở Việt Nam vào năm 2030. Để kết thúc đại dịch này, cộng đồng MSM là nhóm cần được đặc biệt quan tâm trong thời gian sắp tới', PGS.TS Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.

Top