Quyết tấm kết hôn khi ‘người tình’ tiết lộ nhiễm HIV

16/10/2020 12:12

Mặc dù chị N.T.C, 28 tuổi trú tại Bình Phước tiết lộ thông tin bản thân nhiễm HIV và kiên quyết từ chối lời cầu hôn của người tình, nhưng anh P. T. N, 35 tuổi vẫn quyết tâm kết hôn và nguyện bên chị, chia sẻ cuộc đời với chị đến hết quãng đời còn lại.

 Chị N.T.C làm thủ tục khám và nhận thuốc điều trị tại Phòng khám ngoại trú, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương. Ảnh: Thùy Chi

Cách đây hơn 5 năm, chị C tình cờ gặp anh N do một người bạn giới thiệu. Gặp người con gái dịu dàng, xinh đẹp, nết na cùng quê, anh N đã có thiện cảm ngay từ buổi đầu gặp gỡ. Tuy nhiên, do biết bản thân nhiễm HIV từ năm 2013, chị C đã rất tự ti, chủ động tránh anh N, nhưng anh N vẫn quyết tâm theo đuổi chị.

Hằng tháng, do lo sợ bị phân biệt đối xử, kỳ thị, chị C phải vượt đường xá xa xôi đến Phòng khám ngoại trú, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương để nhận thuốc điều trị HIV. Những lần này anh N đều nhiệt tình đưa đón, chăm sóc, động viên chị C.

Anh N luôn có mặt, ân cần, chia sẻ, giúp đỡ chị C bất cứ lúc nào chị C cảm thấy buồn lòng và gặp khó khăn, dần dần tấm lòng của anh N đã làm tâm hồn chị C xao động. Chị C đã đồng ý yêu anh N, nhưng chị đã chỉ nghĩ rằng mình cứ yêu vậy thôi, chứ sẽ không bao giờ dám kết hôn, vì chị sợ lây nhiễm HIV cho anh N.

Yêu nhau một thời gian, anh N ngỏ lời cầu hôn chị C, vì muốn gắn bó, chia sẻ cuộc đời còn lại với chị C. Mặc dù đã từ chối nhiều lần nhưng anh N vẫn quyết tâm thực hiện điều anh mong ước, anh tìm đủ mọi cách để thuyết phục chị C. Thậm chí, có lần anh N đã nói rằng anh cũng muốn nhiễm HIV để chị không cảm thấy tự ti, để chị không có lý do từ chối anh và như vậy anh sẽ được sống trọn đời với chị.

Ban đầu, chị C vẫn một mực từ chối, tuy nhiên, sau khi được các bác sĩ, y tá tư vấn nếu thực hiện các phương pháp phòng tránh lây truyền HIV đúng cách thì chị C sẽ không làm lây nhiễm virus cho anh N được, và thực hiện tốt chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì chị C vẫn có thể sinh con và làm mẹ như những phụ nữ bình thường khác. Nghe lời khuyên của các y, bác sĩ, chị C đã đồng ý lời cầu hôn của anh N.

Sau 4 năm kết hôn, kết quả từ tình yêu của anh chị là 2 đứa con khỏe mạnh, đáng yêu. Bé đầu tiên của anh chị đã được tròn 3 tuổi, bé thứ 2 mới được 3 tháng. Anh N không muốn vợ đi làm vất vả nên đã cố gắng lăn lộn kiếm tiền để nuôi vợ và 2 con. Chị C hằng ngày ở nhà nội trợ chăm sóc 2 con và chờ chồng đi làm về. Cuộc sống giản dị, nhưng chị C chia sẻ đó chính là cuộc sống mà chị mơ ước bao lâu nay.

Tin vui lớn nữa đối với chị C là xét nghiệm CD4 của chị thời gian gần đây dưới ngưỡng phát hiện. Bác sĩ tư vấn, do chị C tuân thủ tốt chương trình điều trị HIV nên virus đạt dưới ngưỡng .Điều này có nghĩa là chị C không có nguy cơ lây nhiễm HIV cho chồng dù quan hệ tình dục không an toàn (không sử dụng bao cao su). Nhưng vì lo cho chồng và do thói quen, nên chị C cho biết anh chị vẫn thường sử dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ.

Tương tự với trường hợp của chị C, anh L.T.H, 29 tuổi, được một cô đồng nghiệp xinh xắn tên N.T.M 23 tuổi, đem lòng yêu mến, thầm thương trộm nhớ bao lâu nay. Ở công ty, anh H là người ít nói nhưng rất trách nhiệm với công việc, nên anh H được rất nhiều cô gái trong công ty để ý. Có nhiều lúc chị M đã chủ động “bật đèn xanh” cho anh H nhưng chị thấy anh H lúc nào cũng lạnh lùng, xa lánh mình.

Một lần nhân dịp liên hoan công ty, chị M đã chủ động tỏ tình với anh H. Tưởng rằng sẽ được đáp lại tình yêu đó, nhưng anh H đã tiết lộ cho chị M rằng anh nhiễm virus HIV và đang phải điều trị 3 năm nay. Anh H cho hay, đó cũng là lý do mà anh không muốn tiến tới quan hệ yêu đương với bất kỳ cô gái nào trong vòng 3 năm nay.

Khi biết tình trạng bệnh của anh H, chị M càng thấy yêu và thương anh hơn. Chị M chủ động đến bên anh H và mong anh đón nhận tình cảm của mình. Quãng thời gian yêu nhau, cả hai chỉ dừng lại ở ôm hôn, âu yếm, không đi quá giới hạn, anh H vẫn chủ động giữ gìn cho chị M.

Để có thể hòa quyện với người mình yêu cả tâm hồn và thể xác, chị M đã tìm hiểu kiến thức, nghiên cứu nhiều về virus HIV và các cách phòng tránh lây nhiễm. Đặc biệt khi biết được chương trình K=K (không phát hiện = không lây truyền) và điều trị dự phòng PrEP – biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV hiệu quả cho bạn tình của người nhiễm HIV, chị M đã thuyết phục anh H đăng ký kết hôn.

Không phải ai cũng may mắn như trường hợp của chị C và anh H. Có những trường hợp, người nhiễm HIV không tiết lộ cho người bạn đời hay vợ/chồng sắp cưới nên dẫn đến việc người vợ/chồng cũng lây nhiễm virus từ mình. Hoặc có trường hợp nhiễm bệnh nhưng bản thân không biết tình trạng bệnh nên đã vô tình làm lây nhiễm virus cho người bạn tình của mình.

Chia sẻ thêm về thực tế này, một số chuyên gia tâm lý cho biết, họ từng gặp những ca, người bạn đời giấu vợ/chồng, giấu đối phương, bạn tình về việc mình nhiễm HIV kéo theo rất nhiều bi kịch.

Có đôi cưới nhau gần 7 năm, người vợ mới vô tình phát hiện chồng nhiễm HIV. Chị ly hôn và hoảng sợ đến độ không dám đưa con và mình đi xét nghiệm. Hay cũng không ít trường hợp bị lây nhiễm từ chính bạn đời, người yêu, rồi từ mẹ sang con.

Để góp phần bảo vệ quyền được an toàn của mỗi cá nhân và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ người nhiễm HIV qua quan hệ tình dục, mới đây cho ý kiến về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đề xuất người nhiễm HIV phải thông báo kết quả xét nghiệm cho “bạn tình”.

Dự thảo Luật Luật Phòng, chống nhiễm virus được xây dựng dựa trên hai chính sách là tăng cường tiếp cận thông tin người nhiễm HIV và bảo đảm quyền được tiếp cập dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của mọi đối tượng. Theo đó, một trong những điểm mới là bổ sung nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải thông báo tình trạng nhiễm HIV của mình cho người có quan hệ tình dục với họ để phòng ngừa lây nhiễm HIV cho người đó.

Theo ông Long, còn những tồn tại, bất cập trong các quy định của Luật phòng, chống HIV/AIDS phải khắc phục kịp thời. Cụ thể, luật hiện hành quy định chỉ những người trực tiếp chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV được thông báo kết quả xét nghiệm HIV và chưa có quy định cụ thể ai được quyền tiếp cận thông tin người nhiễm HIV. Điều này khiến nhiều người nhiễm HIV đã biết tình trạng HIV nhưng vẫn làm lây nhiễm HIV cho người khác.

Do không tiếp cận được thông tin người nhiễm nên không thể xác định được đối tượng, khu vực lây nhiễm HIV cao để có biện pháp chống HIV/AIDS phù hợp, gây khó khăn trong việc thực hiện các quy định, chính sách bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh...

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tán thành quy định người nhiễm HIV phải có nghĩa vụ thông tin cho bạn tình việc mình nhiễm HIV. Ông Tùng đề nghị cần quy định rõ phương thức, thời hạn, cách thức thông báo để có căn cứ xác định một người đã thực hiện nghĩa vụ này chứ không nên quy định chung chung.

Theo ông Tùng, điều này cũng liên quan tới việc xác định yếu tố cấu thành tội lây truyền HIV cho người khác quy định trong bộ luật Hình sự 2015.

Liên quan đến đối tượng tiếp cận thông tin người nhiễm HIV, ông Tùng đề nghị bổ sung quy định cụ thể về trình tự thủ tục tiếp cận thông tin cũng như mục đích sử dụng và trách nhiệm khi để lộ lọt thông tin.
Top