Chuẩn hóa quy trình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán

15/10/2020 15:26

Ngày 15/10, tại Hà Nội, thực hiện chương trình hợp tác với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và xã hội) tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng chống mua bán người (Nghị định số 09/2013/NĐ-CP).

Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu của các Bộ, ngành, 20 tỉnh thành là điểm nóng về nạn mua bán người và Mạng lưới Phòng, chống mua bán người.

Báo cáo tại Hội thảo cho thấy, mua bán người được ước tính là một trong những hoạt động tội phạm sinh lợi nhất trên toàn cầu và tạo ra hàng tỷ USD hằng năm cho các tổ chức tội phạm tinh vi. Theo báo cáo của Bộ Công an, từ năm 2016 đến hết năm 2019, Việt Nam ghi nhận được khoảng 1.162 vụ mua bán người với 1.546 nghi phạm và 2.814 nạn nhân. So với các thời kỳ trước đây, số vụ, nghi phạm và nạn nhân đều giảm, tuy nhiên tình hình phạm tội vẫn diễn biến phức tạp với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi và manh động hơn trước.

Việc hồi hương là một quá trình khó khăn đối với nạn nhân bị mua bán, họ gặp phải các vấn đề về tâm lý, gia đình, sức khỏe, pháp lý và tài chính. Nhiều trường hợp nạn nhân được cứu hoặc tự trở về không còn tài sản cá nhân, kể cả giấy tờ tùy thân. Rất nhiều nạn nhân do sợ bị kỳ thị nên đã không hợp tác với các cơ quan chức năng, gây khó khăn trong việc xác định, xác minh, hỗ trợ dậy nghề và đào tạo. Hệ thống trợ giúp xã hội còn kém, một số ít nạn nhân bị mua bán trở về thuộc hộ nghèo được trợ cấp khó khăn ban đầu, trong khi nhiều nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp cận hỗ trợ do họ không thuộc hộ nghèo.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Nhật Thy

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho biết, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 09/2013/NĐ-CP là rất cần thiết bới nhiều nguyên do. Thứ nhất, hiện nay cơ sở hỗ trợ nạn nhân thành lập, tổ chức theo nguyên tắc tự nguyện, tự trang trải kinh phí; hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; chỉ được thực hiện các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân trong phạm vi Giấy phép thành lập; không cấp phép thành lập Cơ sở hỗ trợ nạn nhân cho tổ chức, cá nhân nước ngoài...Nghị định hiện hành chưa quy định cụ thể chính sách, dịch vụ hỗ trợ; cơ quan chịu trách nhiệm hỗ trợ ở từng giai đoạn chưa quy định cụ thể do đó dẫn đến việc thực hiện chồng chéo hoặc không thực hiện được. Nghị định cũng chưa có quy định về chi phí phiên dịch cho nạn nhân là người nước ngoài, nạn nhân người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận nạn nhân lấy lời khai hoặc trong hỗ trợ nạn nhân lưu trú tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội. Bên cạnh đó, Nghị định mới chỉ quy định nạn nhân bị mua bán được hỗ trợ về tâm lý và y tế trong thời gian cư trú tại cơ sở bảo trợ xã hội và cơ sở hỗ trợ nạn nhân mà chưa quy định việc kết nối, chuyển tuyến nạn nhân đến cơ sở cung cấp dịch vụ.

Theo Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, dự thảo Nghị định mới gồm 5 chương, 18 điều xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật; chuẩn hóa quy trình hỗ trợ nạn nhân; xác lập các mức hỗ trợ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm tương quan bình đẳng giữa các đối tượng trợ giúp xã hội; bảo đảm khả thi và công khai, minh bạch trong quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ, giấy tờ để phù hợp với đặc điểm của đối tượng, điều kiện đất nước; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán…

Ông Nguyễn Tường Long, Trưởng Ban Quản lý tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tỉnh Lào Cai cho biết, việc hỗ trợ nạn nhân gặp nhiều khó khăn do tâm lý các nạn nhân dễ thay đổi, hay dao động nên công tác tư vấn tâm lý phải làm thường xuyên liên tục. Đặc biệt là công tác hướng nghiệp dạy nghề mất nhiều thời gian. Các em chưa định hướng được tương lai, dễ nổi loạn, tự ái, đặc biệt đã xuất hiện những tình cảm khác giới nên dễ dao động bỏ việc học văn hóa, học nghề về nhà lấy chồng. Một số em có nhu cầu đi học văn hóa, học nghề nhưng gia đình từ chối không cho đi, giữ ở nhà làm việc hoặc cho đi lấy chồng. Nạn nhân là những người đặc biệt đòi hỏi cán bộ làm việc phải kiên nhẫn, nhẹ nhàng, giàu lòng nhân ái, yêu thương và đối xử chân thành với các em.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Nhật Thy

Kinh phí hỗ trợ khám chữa bệnh cho nạn nhân còn thấp (50.000 đồng/ nạn nhân) nên nhiều nạn nhân khi về Trung tâm bị bệnh nặng không được khám và điều trị kịp thời. Các học viên với các thành phần dân tộc khác nhau (như Mông, Dao, Tày, Kinh..) mang bản sắc riêng và phong tục tập quán khác nhau, bên cạnh đó trình độ nhận thức của các em không đồng đều gây khó khăn trong công tác quản lý.

Ông Nguyễn Tường Long đề nghị các cơ quan Trung ương và UBND Tỉnh tiếp tục có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư của các tổ chức phi Chính phủ và các tổ chức Quốc tế trong công tác phòng, chống mua bán người tại các tỉnh miền núi vùng biên giới, có phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số. Có chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho các nạn nhân khi bị mua bán trở về; bởi hầu hết các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, nhu cầu khám chữa bệnh luôn đặt hàng đầu.

Tại Hội thảo, các đại biểu xác định những thiếu sót và vướng mắc còn tồn tại trong dự thảo Nghị định về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, từ đó trao đổi các khuyến nghị ưu tiên nhằm mục đích cải thiện sau này; đưa ra các kiến nghị đề xuất hữu ích, hiệu quả đối với văn bản pháp luật quan trọng này để bảo đảm tính thống nhất của bản dự thảo Nghị định cuối cùng trước khi trình Bộ Tư pháp thẩm định.

 

Top