Tư vấn – Khâu quan trọng giúp bệnh nhân tuân thủ điều trị ARV

11/10/2020 11:48

Tuân thủ tốt việc dùng thuốc ARV sẽ giúp đạt và duy trì tải lượng virus không phát hiện. Điều này sẽ không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục (K=K). Tuy nhiên, muốn giúp bệnh nhân tuân thủ tốt thì khâu tư vấn rất quan trọng… BS Lê Thị Hồng Nhung- Phòng khám ngoại trú, Trung tâm y tế Thuận An, tỉnh Bình Dương chia sẻ.

Tuân thủ điều trị tốt giúp phòng lây truyền HIV

Ngày nay, đối với người nhiễm HIV, việc tuân thủ dùng thuốc ARV không chỉ giúp cho họ có cơ hội được sống lâu dài, khỏe mạnh mà còn có tác dụng giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Tìm hiểu thông tin K=K tại phòng khám ngoại trú, Trung tâm y tế Thuận An, tỉnh Bình Dương

Qua ba nghiên cứu trên hàng nghìn cặp bạn tình trái dấu với hàng nghìn lần quan hệ tình dục mà không sử dụng bao cao su hay dùng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho thấy, người nhiễm HIV khi được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) đạt đến mức ức chế virus, nghĩa là tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml máu, hay còn gọi là dưới ngưỡng phát hiện, sẽ ngăn ngừa được HIV qua đường tình dục. Tức không có bạn tình âm tính nào bị lây HIV từ bạn tình dương tính khi họ có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện. Phát hiện này còn được gọi là “Không phát hiện = Không lây truyền” hay K=K.

Để đạt được tải lượng HIV được ức chế liên tục và đáng tin cậy đòi hỏi người bệnh phải được sử dụng loại thuốc phù hợp và tuân thủ điều trị tốt. Việc đo tải lượng HIV cần được theo dõi định kỳ để đảm bảo lợi ích sức khỏe người bệnh và sức khỏe cộng đồng. Việc tuân thủ điều trị nghiêm ngặt, hoặc dùng thuốc ARV theo đơn đã kê của thầy thuốc có ý nghĩa rất quan trọng để duy trì ức chế tải lượng virus.

Hiện nay thuốc ARV đang được sử dụng rất phổ biến, do vậy nếu được điều trị sớm bằng ARV và tuân thủ điều trị, kết hợp chăm sóc và tự chăm sóc tốt, người nhiễm HIV có thể có thời gian sống khỏe mạnh tương đương tuổi thọ của người không nhiễm HIV. Do có thể sống khỏe mạnh dài lâu, người nhiễm HIV vẫn có thể lao động bình thường, vẫn có khả năng đóng góp cho gia đình và cho xã hội. Trên thực tế, nhiều người nhiễm HIV/AIDS đã vượt qua bệnh tật, sống lạc quan, làm việc tốt, trở thành những tấm gương tốt trong xã hội như bao người không nhiễm HIV/AIDS khác.

Tư vấn là khâu rất quan trọng

Tư vấn cho người nhiễm HIV là công việc đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên và bền bỉ

BS Lê Thị Hồng Nhung, phòng khám ngoại trú, Trung tâm y tế Thuận An, tỉnh Bình Dương cho biết, để bệnh nhân nghe và tuân thủ tốt thì khâu tư vấn rất quan trọng: Tư vấn sao để người bệnh ổn định tinh thần (vì lúc đầu khi phát hiện nhiễm HIV đa số rất hoang mang, bi quan… không có niền tin vào cuộc sống và có những suy nghĩ và hành vi tiêu cực), rồi tư vấn kiến thức về bệnh, về các dịch vụ, về vai trò, lợi ích của việc điều trị ARV, lợi ích của tuân thủ điều trị, và lợi ích của K=K (Không phát hiện= Không lây truyền)... Thông qua tư vấn, tinh thần của người bệnh tốt dần lên, chấp nhận, lạc quan hơn, rồi lắng nghe, tin tưởng và tuân thủ điều trị… Tuy nhiên, tư vấn cho người nhiễm HIV là cả một quá trình liên tục cần sự kiên trì, bền bỉ.

Lê văn G, một bệnh nhân đang điều trị ARV tại phòng khám cho biết: Lúc đầu khi phát hiện mình bị nhiễm HIV em rất mù mờ về bệnh, nên sợ lắm và chán nản vô cùng. Nhờ có tư vấn của bác sĩ giúp em nhanh chóng ổn định tinh thần, hiểu về bệnh mình mắc phải và biết được việc dùng thuốc ARV sẽ giúp cho em có cuộc sống bình thường, khỏe mạnh… nên em đã rất chăm chỉ uống thuốc, tái khám và lĩnh thuốc đúng hẹn. Hàng ngày cứ 10 giờ tối làm em lấy thuốc ra uống một cách đều đặn. Uống xong là đi ngủ nên thấy rất ổn.

Nhờ tuân thủ điều trị tốt nên sức khỏe của G. cải thiện rõ rệt. Từ chỗ sút cân, gày gò (47 kg trước điều trị), sau 4 tháng dùng thuốc G. đã tăng 4 kg, ngủ tốt hơn, và lạc quan lên nhiều. G. cho biết, hiện nay sức khỏe của em hoàn toàn bình thường, em vẫn đi làm với thu nhập ổn định 6-7 tr/tháng, đủ để trang trải cuộc sống.

Bác sỹ Nguyễn Duy Phong, phụ trách khoa HIV, Lao, Methadone tại Trung tâm y tế TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng cho hay, nhờ tuân thủ điều trị tốt nên nhiều bà mẹ nhiễm HIV sinh con ra âm tính, khỏe mạnh. BS Phong khẳng định, việc tuân thủ điều trị đạt K=K đã mang lại niềm hạnh phúc cho rất nhiều cặp vợ chồng nhiễm HIV (có một trong hai, hoặc cả hai người nhiễm HIV), và hạnh phúc đó là những điều rất giản dị: Được sinh con, nuôi con như người bình thường.
Top