Khắc phục những bất cập trong các quy định phòng, chống ma túy

30/09/2020 15:34

Tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 18, chiều 29/9, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tiếp tục họp, lấy ý kiến về Dự án Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Theo Tờ trình Dự án Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi), việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh và đa dạng của nền kinh tế, đời sống văn hóa-xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến, phòng, chống ma túy xuất hiện nhưng chưa có quy định điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn như: Chưa có quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; quy định về công tác cai nghiện còn một số bất cập; Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008 có một số nội dung chưa bảo đảm sự thống nhất đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Do đó, mục đích việc xây dựng Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008 góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy…

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, dự thảo Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi) gồm 8 chương, 69 điều, so với Luật phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008 tăng 13 điều, trong đó giữ nguyên 7 điều, sửa đổi, bổ sung 47 điều và 15 điều mới.

Trong quá trình xây dựng dự thảo, Ban soạn thảo dự thảo Luật đã bám sát 3 chính sách được Chính phủ thông qua. Trên cơ sở kế thừa các điều luật của Luật phòng, chống ma túy năm 2000 sửa đổi, bổ sung năm 2008, dự thảo đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và bổ sung nhiều nội dung mới so với Luật Phòng, chống ma túy hiện hành. Trong đó, bổ sung tiêu đề cho tất cả các điều luật, sửa đổi, bổ sung một số khái niệm, nội dung đã có; xây dựng chương mới “Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy” (Chương IV)….

Qua thảo luận, các đại biểu tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy với các lý do đã được thể hiện trong Tờ trình của Chính phủ; cho rằng các nội dung của dự án Luật về cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, không trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Các đại biểu cũng góp ý bổ sung một số nội dung đối với ban soạn thảo như: Trách nhiệm, quyền hạn của các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; xem xét nâng chế độ cũng như chính sách khen thưởng cho lực lượng phòng chống tội phạm ma túy; giảm bớt các thủ tục trong việc xử lý tội phạm về ma túy; khuyến khích xã hội hóa, đầu tư cho công tác cai nghiện; nghiên cứu, bổ sung quy định về chính sách đặc thù đối với các lực lượng trực tiếp thực hiện công tác cai nghiện ma túy…

* Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV (dự kiến khai mạc ngày 20/10/2020, bế mạc ngày 17/11/2020. Để chuẩn bị cho Kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao chuẩn bị một số báo cáo, tờ trình, dự án Luật. Trong đó Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì chuẩn bị Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Top