Nhiều mô hình hỗ trợ người cai nghiện ma túy tại Đà Nẵng

18/09/2020 17:03

Việc tăng cường xây dựng và nhân rộng các đề án, chương trình cai nghiện, hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện, người sử dụng ma túy trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã giúp nhiều người vượt qua cám dỗ, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng bền vững.

Theo số liệu thống kê của Công an TP. Đà Nẵng, đến hết năm 2019, trên địa bàn thành phố có gần 3.500 người nghiện, người sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý, hầu hết trong độ tuổi từ 18 đến 30 (gần 80%). Số người nghiện mới, tái nghiện chiếm tỷ lệ cao trong tổng số người nghiện (nghiện mới hơn 60%, tái nghiện gần 40%).

Học viên học nghề tại cơ sở cai nghiện ma túy. Ảnh Nhật Thy

Nhận thức được vấn đề, những năm qua, công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong tổ chức quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn thành phố luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt.

Một trong số những mô hình đem lại hiệu quả khá tích cực, được duy trì trong nhiều năm qua là mô hình hỗ trợ, giúp đỡ thanh thiếu niên từng sử dụng trái phép chất ma túy không nghiện ma túy. Cụ thể, kể từ năm 2015, thành phố triển khai thực hiện công tác cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thanh thiếu niên mới sử dụng trái phép chất ma túy lần đầu, bằng việc phân công hội viên Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Đoàn Thanh niên trực tiếp theo dõi, kèm cặp, giúp đỡ, đồng thời hỗ trợ mỗi em bình quân 10 triệu đồng tuỳ theo nhu cầu. Kết quả,  trong 73 em được hỗ trợ, giúp đỡ năm 2016 có 69 em tiến bộ, 60 em có việc làm; 81 em năm 2017 có 77 em tiến bộ, 64 em có việc làm; trong 119 em cảm hóa, giáo dục năm 2018 có 84 em tiến bộ, có việc làm 71 em; năm 2019 có 96 em đang được cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ và có nhiều chuyển biến tích cực.

Ngoài các trường hợp thành phố giao cho các hội, đoàn thể, trong 2 năm 2016-2017, UBND các quận, huyện đã mở rộng thêm 255 em, với kinh phí thực hiện 245 triệu đồng. Kết quả có 151 em tiến bộ (chiếm hơn 58%), có việc làm 131 em (chiếm hơn 51%); năm 2018 mở rộng thêm 104 em, có 60 em tiến bộ; năm 2019 mở rộng thêm 65 em và đang tiếp tục cảm hóa, giáo dục và giúp đỡ các em.

TP. Đà Nẵng cũng triển khai mô hình "Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy" tại 6 phường trọng điểm. Mô hình này tập hợp tất cả thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn vào sinh hoạt trong câu lạc bộ, với nhiều chương trình sinh hoạt giao lưu, tham quan, tập huấn kỹ năng sống, hoạt động từ thiện mang tính giáo dục cao. Sau hơn 3 năm triển khai mô hình đã thu hút 224 hội viên tham gia. Các em được giúp đỡ bằng nhiều hình thức, trong đó có 22 em được hỗ trợ học nghề, học văn hóa, 4 em được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, 49 em được hỗ trợ khó khăn đột xuất, 164 em được giới thiệu việc làm và 10 em được động viên trở lại lớp học. Đến nay, qua xếp loại định kỳ đã có 176 em tiến bộ.

Bên cạnh các mô hình hỗ trợ, giúp đỡ người sử dụng ma túy, tại Đà Nẵng, công tác quản lý và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện cũng rất được quan tâm. Sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện tập trung tại cơ sở xã hội Bầu Bàng, các học viên sẽ được địa phương phối hợp với gia đình đón về cộng đồng; được chính quyền, đoàn thể quan tâm, chăm lo giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất.

Trong 5 năm (2014-2019), thành phố đã hỗ trợ học nghề cho 31 trường hợp; hỗ trợ tạo việc làm 92 trường hợp; hỗ trợ kinh phí tìm việc làm 103 trường hợp; hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm 59 trường hợp, với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng; trợ cấp xã hội thường xuyên cho 1 trường hợp và hỗ trợ khó khăn đột xuất cho 956 trường hợp, với số tiền hơn 531 triệu đồng. Ngoài ra, thành phố cũng đã hỗ trợ động viên cho 250 trường hợp cai nghiện ma túy thành công sau 5 năm không tái nghiện với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/người...

 

Top