Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng, chống ma túy

11/09/2020 15:13

Từ nhiều năm qua, công tác phòng, chống ma tuý luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm chú trọng, ưu tiên đầu tư nhiều nguồn lực để tập trung thực hiện. Đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tệ nạn này ra khỏi đời sống xã hội.

Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị

Phòng chống, kiểm soát ma túy trong tình hình mới

Thời gian qua tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến hết sức phức tạp, là một trong những vấn đề an ninh phi truyền thống mang tính xuyên quốc gia, có nguy cơ trở thành hiểm họa, đe dọa đến sự phát triển bền vững của đất nước, làm tổn hại sức khỏe của một bộ phận nhân dân và làm phát sinh nhiều loại tội phạm, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.

Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều văn bản chỉ đạo đôn đốc các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh.

Ngày 30/11/1996, Bộ Chính trị (khoá VIII) đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý” (Chỉ thị 06-CT/TW).

Sau khi tiến hành tổng kết Chỉ thị 06-CT/TW, nhận định tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý vẫn diễn biến rất phức tạp, ngày 26/3/2008, Bộ Chính trị (khoá X) ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới” (Chỉ thị 21) nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện quyết liệt công tác này.

Trong đó xác định rõ trách nhiệm của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống ma tuý. Đặc biệt là việc đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác này; kiên quyết kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra tình hình ma túy phức tạp, kéo dài tại địa phương, đơn vị do mình quản lý.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về tội phạm ma túy, tác hại, sự nguy hiểm của ma túy và nhiệm vụ phòng chống, kiểm soát ma túy trong tình hình mới từng bước được nâng lên. Nhiều đường dây, tụ điểm về ma túy phức tạp được phát hiện, triệt phá và xử lý nghiêm minh. Công tác dự phòng nghiện, cai nghiện và phục hồi sau cai có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần kiềm chế gia tăng người nghiện. Hệ thống văn bản pháp luật về phòng, chống ma túy không ngừng được bổ sung, hoàn thiện. Hợp tác quốc tế về phòng chống ma túy được mở rộng và đi vào chiều sâu.

10 năm qua (2008-2018), lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 200.000 vụ với trên 300.000 đối tượng phạm tội về ma túy (tăng 48,39% số vụ và 42,9% số đối tượng so với giai đoạn 1998-2007); thu giữ 7,6 tấn heroin, 850kg thuốc phiện; trên 3 tấn ma túy tổng hợp cùng nhiều tài sản, vật chứng có giá trị khác. Nếu tính thêm số liệu năm 2019 với các vụ bắt giữ ma túy lớn vừa qua, thì số lượng ma túy tổng hợp thu được là gần 10 tấn.

Trong đó, lực lượng Công an bắt giữ, xử lý khoảng 90% số vụ việc; triệt phá, bắt giữ hàng trăm đường dây, tổ chức mua bán, vận chuyển ma túy lớn, xuyên quốc gia và liên quan quốc tế, góp phần ngăn chặn ma túy từ nước ngoài và Việt Nam.

Viện kiểm sát nhân dân phối hợp với Toà án nhân dân các cấp đưa ra truy tố, xét xử 152.197 vụ với 197.026 bị cáo (tăng 71,28% về số vụ và 63,24% về số đối tượng so với giai đoạn 1998-2008), trong đó 1,59% bị tuyên phạt tù chung thân hoặc tử hình thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

Công tác cai nghiện, quản lý người nghiện ma túy sau cai được quan tâm và mở rộng. Chính phủ đã triển khai đề án đổi mới công tác cai nghiện tại Việt Nam đến năm 2020; chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone đã được thực hiện trên toàn quốc, ghi nhận có kết quả trong phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS và cải thiện sức khỏe cho người nghiện.

Một số mô hình cai nghiện được triển khai thí điểm nhằm tìm ra các phương pháp cai nghiện và quản lý sau cai phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội ở các địa phương. Số người nghiện được tiếp cận và áp dụng với các hình thức cai nghiện đã tăng 150% so với 10 năm trước, trong giai đoạn 2008-2018, cả nước đã tổ chức cai nghiện, phục hồi cho 209.315 lượt người nghiện ma tuý (trong đó cai nghiện tập trung chiếm 76,2%; cai nghiện tại tại cộng đồng và gia đình chiếm 23,8%), số được dạy nghề là 54.854 lượt người, tạo việc làm cho 13.995 người sau cai.

Hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy tiếp tục được tăng cường và mở rộng cả hợp tác song phương và đa phương, nhất là hợp tác với các nước láng giềng, hợp tác trong khuôn khổ ASEAN; cơ chế hợp tác tiểu vùng sông Mê Công và các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu khác về phòng chống ma túy.

Trong đó, chúng ta đã chủ động có nhiều đóng góp, sáng kiến tại các diễn đàn đa phương, song phương, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy. Qua đó khẳng định lập trường nhất quán và sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong công tác phòng, chống ma túy trên thế giới và khu vực…

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song trong quá trình thực hiện Chỉ thị 21 vẫn còn tồn tại, hạn chế nhất định. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy chưa thường xuyên, quyết liệt. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có lúc, có việc chưa chặt chẽ, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các nguồn lực xã hội cho công tác phòng, chống ma túy. Công tác tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

Việc ngăn chặn ma túy thẩm lậu qua khu vực biên giới chưa đáp ứng yêu cầu, lượng ma túy thẩm lậu vào trong nước còn lớn, nếu không có các giải pháp quyết liệt Việt Nam sẽ trở thành địa bàn trung chuyển ma túy đi nước thứ 3. Trong nước, tội phạm ma tuý hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gắn liền với sử dụng vũ khí nóng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ, xu hướng mua bán, sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng; nhiều loại ma túy mới xuất hiện gây khó khăn cho công tác quản lý, đấu tranh. Công tác cai nghiện và quản lý sau cai chưa đáp ứng yêu cầu…

Nghiêm trọng hơn, trong hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 21 trên phạm vi toàn quốc, đã có trên 1.500 cán bộ, đảng viên vi phạm về ma túy bị xử lý kỷ luật; thậm chí nhiều trường hợp phải xử lý hình sự.

Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân

Đứng trước tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy không ngừng diễn biến phức tạp với hơn 235.000 người nghiện có hồ sơ quản lý; các đường dây tội phạm ma túy quốc tế không ngừng đẩy mạnh hoạt động, gây nguy cơ đưa nước ta trở thành địa bàn sản xuất, trung chuyển ma túy lớn... ngày 16/8/2019, Bộ Chính trị (khóa XII) đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW về “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý”.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch UBQG phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị đã kế thừa, bổ sung, phát triển quan điểm chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy từ các giai đoạn trước đây cho phù hợp với giai đoạn hiện nay. Chỉ thị xác định mục tiêu tổng quát của công tác phòng, chống ma túy trong thời gian tới là phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân nhằm từng bước kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy, xóa bỏ triệt để các tổ chức, đường dây, tụ điểm, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy trong nước; ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy chuyển lậu ở trong nước, không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trong công tác đấu tranh phòng chống ma túy, cần xác định rõ hơn vai trò của các lực lượng chuyên trách như Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển, Hải quan. Làm sao để Việt Nam không phải là điểm trung chuyển ma túy của các tổ chức tội phạm. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phải kiên quyết rà soát, không để vỏ bọc là các công ty cho bọn tội phạm sản xuất ma túy ở một số địa bàn xa xôi, bởi nếu trót lọt tội phạm có thể thu lời bất chính hàng trăm triệu đô.

Đồng thời, không để tái trồng cây có chất ma túy, kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, quản lý sau cai làm giảm số người nghiện ma túy mới, quản lý chặt chẽ người nghiện ngoài xã hội, không để phát sinh tình phức tạp, góp phần xây dựng môi trường xã hội an toàn lành mạnh. Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế hơn nữa đối với phòng, chống ma túy; phân công rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương, cán bộ trong công tác này nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa đối với công tác đấu tranh, phòng, chống ma túy trong thời gian tới.

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chỉ thị 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo trong Chỉ thị 36/CT-TW đã xác định công tác phòng chống và kiểm soát ma túy đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, sự quản lý thống nhất của chính quyền các cấp và sự tham gia của hệ thống chính trị và toàn dân trong đó lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt, chủ trì.

Phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ trọng tâm vừa cấp bách, vừa thường xuyên, lâu dài đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ, quyết liệt, quyết tâm rất cao, sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội. Trong đó, phải phát huy và đề cao trách nhiệm người đứng đầu, các đơn vị địa phương và tính tiền phong gương mẫu của toàn bộ đảng viên trong công tác phòng, chống ma túy.

Đồng chí Trần Quốc Vượng yêu cầu, lực lượng Công an cần tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chỉ đạo, điều phối công tác phòng, chống ma túy, phát huy trách nhiệm của các ngành, đoàn thể trong công tác này, thông qua các biện pháp nghiệp vụ, trực tiếp tổ chức đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy.

Nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm ma túy là xuyên suốt và do lực lượng Công an chủ trì, lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan phối hợp làm nhiệm vụ ngăn chặn ma túy thẩm lậu ở khu vực biên giới, nhưng nằm trong tổng thể chung về phòng, chống ma túy; tuyệt đối không được chia cắt trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy, nhất là tại khu vực biên giới.

Ngoài ra, ngành chức năng, địa phương quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực... Rà soát, khắc phục những bất cập trong cơ chế pháp lý về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy.

Top