Đà Nẵng: Chuyển gửi dịch vụ xét nghiệm HIV cho hơn 1.700 khách hàng

26/08/2020 17:25

Để đẩy lùi dịch bệnh HIV/AIDS trong cộng đồng, Đà Nẵng đẩy mạnh các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV nhằm tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

 Tuyên truyền phòng, chống HIV tại Đà Nẵng. Ảnh TTKSBT Đà Nẵng

Cụ thể, Đà Nẵng triển khai tại 7 quận, huyện với những ưu tiên và nội dung can thiệp mang tính đặc thù của từng địa phương, trong đó, tập trung cho địa bàn 04 quận: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và Liên Chiểu là những địa bàn tập trung nhiều đối tượng có hành vi nguy cơ cao.

Hoạt động thông tin, giáo dục truyền thông thay đổi hành vi được thực hiện dưới các hình thức: Truyền thông trực tiếp và truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, in ấn và cấp phát các tài liệu truyền thông có nội dung về can thiệp giảm tác hại.

Trong giai đoạn 2016-2020, chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã thực hiện trên phạm vi toàn thành phố, ký hợp đồng truyền thông phát sóng trên Đài truyền hình Đà Nẵng chuyên mục “Sức khỏe cho mọi nhà” tuần 2 lần; trên các trang thông tin điện tử, trang mạng của đơn vị.

Thực hiện sản xuất và phân phối 229.975 tài liệu truyền thông các loại với các thể loại như tranh gấp, tờ rơi, sách nhỏ, áp phích để phân phát cho quận, huyện, xã, phường và nhóm tiếp cận cộng đồng thực hiện tuyên truyền tại cộng đồng và các nhóm đặc thù. Trong đó, tuyên truyền về can thiệp giảm hại chiếm khoảng 50% số lần truyền thông chung về HIV/AIDS và 30% truyền thông trên truyền hình. Phối hợp với các đơn vị kinh doanh, sản xuất, trường Đại học, Cao đẳng và sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức được 236 cuộc truyền thông trực tiếp cho 26.200 lượt người.

Một số mô hình truyền thông có hiệu quả đã triển khai và được sự hưởng ứng nhiệt tình của các đối tượng, tầng lớp nhân dân như: Đội văn nghệ xung kích tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa, mỗi năm có từ 11-14 buổi diễn tại các khu dân cư, các trường Đại học, Cao đẳng, trường dạy nghề, Cơ sở xã hội Bầu Bàng, đã thu hút được hàng ngàn người xem; bên cạnh đó còn phát bao cao su miễn phí góp phần nâng cao nhận thức của các đối tượng về việc sử dụng bao cao su.

Mô hình tiếp cận cộng đồng được thực hiện thông qua mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng và đồng đẳng viên các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao. Đến cuối năm 2019, đã triển khai mạng lưới gồm 25 đồng đẳng viên các nhóm: Người mại dâm, tiếp viên trong các dịch vụ vui chơi giải trí và nhóm đồng tính nam, thực hiện tiếp cận, truyền thông thay đổi hành vi được 23.813 lượt khách và giới thiệu chuyển gửi dịch vụ xét nghiệm HIV được 1.715 khách hàng.

Mô hình tư vấn xét nghiệm HIV lưu động được triển khai đáp ứng cho các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao không tới các phòng xét nghiệm tự nguyện. Mỗi năm có từ 12-15 cuộc xét nghiệm lưu động tùy thuộc vào nhu cầu xét nghiệm của địa phương và nhóm tiếp cận cộng đồng. Tại thành phố, chỉ tiêu phòng xét nghiệm HIV tự nguyện trung bình cho 300 khách hàng trong 1 tháng được tiếp cận và sử dụng dịch vụ, trong đó hơn 70% là khách hàng thuộc nhóm có hành vi nguy cơ cao như phụ nữ bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới và bạn tình của họ.

Khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục được triển khai trong khuôn khổ dự án phòng lây nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam từ những năm trước và hiện nay vẫn tiếp tục thông qua các hoạt động như: Thiết lập mạng lưới các phòng khám bệnh nhằm giới thiệu, chuyển gửi phụ nữ bán dâm, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới và các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao khác tiếp cận sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu; tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân viên các cơ sở cung cấp dịch vụ khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục tuyến thành phố, tuyến quận, huyện và các cơ sở y tế tư nhân về tư vấn, khám và điều trị cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao; thực hiện tư vấn, khám phát hiện và giới thiệu điều trị cho người bán dâm và tiếp viên trong các dịch vụ giải trí định kỳ 6 tháng một lần.

Trong thời gian tới, thành phố Đà Nẵng tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông và nâng cao ý thức tự giác, chủ động dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư; làm tốt công tác kiểm soát tệ nạn ma tuý, mại dâm. Đồng thời, đa dạng hóa các dịch vụ và nâng cao chất lượng chương trình theo hướng cung cấp các gói can thiệp cho người nghiện chích ma tuý, phụ nữ bán dâm, phổ cập các dịch vụ y tế xã hội, giúp người nhiễm HIV tiếp cận các dịch vụ phòng, chống AIDS và hưởng lợi từ các dịch vụ này; tập trung xóa bỏ rào cản về kỳ thị, xa lánh, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, tạo việc làm giúp họ có điều kiện ổn định đời sống và tái hòa nhập cộng đồng.
Top