Đăk Mế - Điểm nóng ma túy ở vùng biên giới Kon Tum

17/08/2020 08:30

Hậu quả của việc mua bán, vận chuyển “cái chết trắng” là gia đình tan nát, an ninh trật tự thôn làng đảo lộn, tệ nạn xã hội nảy sinh.

Thời gian gần đây, trên khu vực biên giới thuộc địa bàn huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, tình hình mua bán, vận chuyển ma túy ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Đáng lo ngại là tội phạm ma túy lợi dụng người dân tộc thiểu số để vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào địa bàn.

Vì hám lợi, cộng với thiếu hiểu biết pháp luật, lại bị kẻ xấu lợi dụng, khống chế nên nhiều người đã trở thành một mắt xích trong đường dây ma túy. Và hậu quả của việc mua bán, vận chuyển “cái chết trắng” là gia đình tan nát, an ninh trật tự thôn làng đảo lộn, tệ nạn xã hội nảy sinh.

 Đối tượng Thao Vôn và Y Côi bị bắt ngày 24/6/2020 với 1,3kg ma túy đá

Liên tục trong hai ngày 24 và 25/6 vừa qua, lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng Kon Tum phối hợp với đơn vị nghiệp vụ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Công an, Hải quan phá 2 vụ án ma túy trên khu vực biên giới giáp nước bạn Lào và Campuchia, bắt 3 đối tượng, thu giữ 7,3kg ma túy tổng hợp.

Đáng chú ý là cả 3 đối tượng trong hai vụ mua bán, vận chuyển ma túy gồm Thao Von, Y Côi (cùng 23 tuổi) vận chuyển 1,3kg ma túy đá và Hà Văn Ân (35 tuổi), vận chuyển 6kg ma túy tổng hợp đều cư trú tại làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi. Trong đó Thao Von, Y Côi là người dân tộc thiểu số B’râu.

Ông Tống Văn Đồng, Chủ tịch UBND xã Pờ Y cho biết, xã có trên 20km đường biên giới giáp hai nước bạn. Những năm gần đây, tình hình mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy trên địa bàn diễn biến phức tạp, trong đó làng Đăk Mế là một điểm nóng.

"Bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở đây có điều kiện đời sống khó khăn. Là xã biên giới có tuyến biên giới rất dài, có nhiều đường mòn, lối mở. Giữa bà con có mối thân tộc đối với cụm bản phía nước bạn. Do có mối quan hệ qua lại dẫn đến tình trạng bị lợi dụng, lôi kéo, mua chuộc trở thành những con mồi mua bán, vận chuyển ma túy. Lợi nhuận từ ma túy quá nhiều, do vậy bà con lao sâu theo con đường ma túy”- ông Tống Văn Đồng cho biết.

Với 165 hộ dân, 480 nhân khẩu, người dân tộc thiểu số B’râu cư trú gọn ở làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Đây là một trong những dân tộc ít người nhất cả nước. Suốt trong những năm qua, dân tộc B’râu được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương quan tâm đầu tư nhiều nguồn lực để ổn định định canh, định cư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa và cả chất lượng cũng như số lượng dân số. Thế nhưng bóng đen ma túy đang làm vấy bẩn tương lai tươi sáng của người B’râu.

Thôn trưởng Thao Lợi buồn rầu khi nhắc tên những đứa con của làng sa chân vào ma túy hiện đang dính vòng lao lý, như: Thao Tô, Thao Lợi B, Thao Póc, Thao Say, Thao Von, Y Côi…

"Bà con theo kẻ xấu rủ rê. Việc này rất buồn. Các hộ buôn bán ma túy thì hiện tại bây giờ gia đình cũng rất khổ bởi vì con cháu không có bố, không có mẹ. Vợ mà không có chồng cũng khó mà nuôi con cái. Rất buồn”- Thôn trưởng Thao Lợi cho biết.

Có chồng là Thao Say (38 tuổi) tham gia với Thao Póc (42 tuổi) người cùng làng Đăk Mế mua 3kg ma túy đá bên Lào vận chuyển về Việt Nam nhằm bán kiếm lời, bị lực lượng Biên phòng phát hiện bắt giữ ngày 26/3 vừa qua, cuộc sống của chị Y Dưi cùng hai con nhỏ giờ lâm vào cảnh đói khổ.

Mặc cảm vì có chồng buôn bán ma túy bị bắt đi tù, 3 mẹ con Y Dưi không dám đến chơi nhà ai trong làng. Hàng ngày, để có tiền nuôi hai con, Y Dưi phải đi làm thuê kiếm tiền và chỉ được khoảng 100.000 đồng mỗi ngày. Đã thế lại còn khoản vay ngân hàng 50 triệu đồng diện hộ nghèo làm nhà trước khi chồng bị bắt chưa biết đến bao giờ mới trả được.

Trung tá Lê Thành Huế, Trưởng Công an xã Pờ Y cho biết, trong hai năm vừa qua, ở làng Đăk Mế, lực lượng Biên phòng, Công an đã phá 6 vụ mua bán, vận chuyển ma túy với 9 đối tượng bị bắt giữ, trong đó có 8 đối tượng là người B’râu. Ngoài ra, ở làng này cũng có 4 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý và 5 người khác nghi nghiện.

Tình hình mua bán, vận chuyển ma túy trong cộng đồng người B’râu đang ngày càng trở lên phức tạp, khi làng có thêm trên 100 hộ dân với hơn 500 khẩu từ nơi khác đến định cư, tạm trú ở làng. Trong đó có những đối tượng đã từng dính líu đến ma túy. Riêng với cộng đồng người B’râu, bà con sẵn có mối quan hệ thân tộc bên nước bạn Lào, thông thuộc đường đi lối lại, dễ sa chân vào ma túy khi cuộc sống gặp khó khăn hoặc bị kẻ xấu lợi dụng mua chuộc, khống chế.

Trung tá Vũ Văn Thái, Phó trưởng Công an huyện Ngọc Hồi cho biết, việc tội phạm ma túy lôi kéo, mua chuộc, khống chế người B’râu ở làng Đăk Mế tham gia mua bán, vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam là một vấn đề vô cùng nhức nhối.   

“Làng Đăk Mế có dân tộc B’râu được Nhà nước rất quan tâm phát triển. Thời gian trước đây, chúng ta vận động họ từ trong rừng ra đây, nhận thức về pháp luật thực sự còn hạn chế. Ở đây kinh tế rất khó khăn; lợi nhuận của vận chuyển ma túy lại rất cao. Vấn đề này rất nhức nhối, đánh vào tâm lý của những người dân địa phương còn khó khăn”- Trung tá Vũ Văn Thái cho biết.

Công an xã Pờ Y đến từng hộ dân ở làng Đăk Mế tuyên truyền, vận động người dân không mua bán, vận chuyển và sử dụng ma túy

Thông tin từ Công an huyện Ngọc Hồi cho thấy, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng Công an và Biên phòng đã phá 21 vụ mua bán, vận chuyển ma túy trên địa bàn huyện bắt giữ 35 đối tượng. Trong đó có 4 vụ ở xã Pờ Y thì riêng làng Đăk Mế chiếm tới 3 vụ.

Trước thực trạng việc tham gia mua bán, vận chuyển ma túy ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp ở làng Đăk Mế, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc quyết liệt, song để nhổ được hết gốc rễ ma túy, trả lại cuộc sống bình yên cho người B’râu, một trong những dân tộc ít người nhất cả nước thì còn phải tốn công sức, đổ nhiều mồ hôi và có khi là cả máu.

Top