Thúc đẩy các hoạt động của hợp đồng xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS

05/08/2020 18:21

Để thúc đẩy tiến độ các hoạt động liên quan đến hợp đồng xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS, TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho rằng, cần đưa ra cụ thể hơn các dịch vụ cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS mà các tổ chức xã hội sẽ tiến hành; đồng thời tập trung nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội/tổ chức cộng đồng trong thời gian tới.

 Xét nghiệm HIV tự nguyện cho cộng đồng. Ảnh: Thùy Chi

Trong thời gian qua, các hoạt động về hợp đồng xã hội đã được triển khai hoàn thành như: Nghiên cứu tổng quan cơ chế, chính sách thực hiện Hợp đồng xã hội đối với dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam; báo cáo về chi phí và hiệu quả của mô hình cung cấp dịch vụ HIV/AIDS dựa vào cộng và do nhóm CBO/CSO cung cấp; thống kê các tổ chức xã hội đang cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS.

Các cơ quan, đơn vị liên quan đã phối hợp đánh giá năng lực các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS; dự thảo gói dịch vụ trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khuyến nghị nên thực hiện thông qua hợp đồng xã hội; vận động chính sách - Tạo môi trường thuận lợi cho sự tham gia của các tổ chức xã hội thông qua vận động một số điều khoản trong Dự thảo Luật HIV sửa đổi.

Theo các chuyên gia, việc đánh giá năng lực thực hiện các Hợp đồng xã hội phòng chống HIV/AIDS của tổ chức xã hội/cộng đồng là một bước cần thiết cho tiến trình xây dựng chính sách. Các lĩnh vực đánh giá gồm: Phát triển tổ chức; năng lực kỹ thuật về cung cấp dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm HIV; năng lực kỹ thuật về cung cấp dịch vụ dự phòng HIV; vận động chính sách, mở rộng mạng lưới và năng lực giám sát, đánh giá.

Hợp đồng xã hội sẽ tập trung vào nhóm dịch vụ dự phòng, nhóm dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV và điều trị, chăm sóc HIV/AIDS. Những ưu tiên lựa chọn trong hợp đồng gồm: Các dịch vụ mà tổ chức xã hội có thế mạnh, các dịch vụ có thể đo lường được kết quả, đánh giá, kiểm định kết quả rõ ràng, các dịch vụ thiết yếu của từng địa phương để đạt tác động cao nhất với dịch HIV…

Việc xây dựng gói dịch vụ nhằm hỗ trợ các đơn vị được giao ngân sách phòng, chống HIV/AIDS lựa chọn các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS để thử nghiệm hoặc triển khai hợp đồng xã hội có hiệu quả. Đồng thời, giúp cho việc xây dựng và ban hành hướng dẫn triển khai hợp đồng xã hội thống nhất trên toàn quốc với nguyên tắc chung là tất cả các dịch vụ mà các tổ chức xã hội có khả năng cung cấp và đáp ứng được các quy định hiện hành.

Trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục xây dựng đơn giá và quy chuẩn các gói dịch vụ trong hợp đồng xã hội; tiếp tục và hoàn thiện mô hình hợp đồng xã hội tại Nghệ An; xây dựng hướng dẫn thực hiện thí điểm dịch vụ Hợp đồng xã hội tại các tỉnh; hỗ trợ các tỉnh triển khai mô hình; tổ chức các hoạt động đánh giá, tổng kết, chia sẻ kinh nghiệm triển khai hợp đồng xã hội.

Hỗ trợ Ban Tuyên giáo Trung ương Đánh giá 15 năm thực hiện Chỉ thị 54 của Ban Bí thư về tăng cường PC AIDS trong tình hình mới (Phần sự tham gia của các tổ chức xã hội); hỗ trợ Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: Các hoạt động vận động/Hỗ trợ Hội nghị và tham luận (về sự tham gia của các tổ chức xã hội và hợp đồng xã hội), truyền thông cho các đại biểu dân cử/xây dựng sổ tay cẩm nang; hỗ trợ các địa phương xây dựng đề án đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2021-2030 và phổ biến Chiến lược quốc gia kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
Top