Góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong công tác phòng, chống ma túy

29/07/2020 09:55

Mặc dù là một cán bộ trẻ trong đơn vị nhưng anh đã cùng các đồng chí, đồng đội nỗ lực đưa công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy (PCMT) giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới đạt hiệu quả, qua đó góp phần nâng cao vị thế của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.

 Thượng úy Lê Hồng Phong (bên ngoài cùng tay phải) là 1 trong 14 cá nhân được Bộ Công an tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị

Anh là Thượng úy Lê Hồng Phong, cán bộ Văn phòng Thường trực Chương trình quốc gia PCMT và Hợp tác quốc tế, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Bộ Công an.

Sau nhiều lần lỡ hẹn, tôi gặp anh trong một ngày giữa hè Hà Nội, tiếng ve kêu ra rả vang trời. Từng là đồng nghiệp công tác vài năm với nhau, tôi và anh dành thời gian tâm sự khá lâu về gia đình, công việc. Đúng với dáng vẻ của cán bộ làm công tác đối ngoại luôn chỉn chu, quần áo là lượt cộng với dáng vẻ cao to, đẹp trai, cách nói chuyện hấp dẫn càng tạo cho anh một phong thái rất cuốn hút.

Sinh ra và lớn lên tại quê hương Văn Lâm, Hưng Yên - một vùng quê nghèo có truyền thống hiếu học. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, chàng trai trẻ Lê Hồng Phong đã khát khao khoác trên mình bộ quân phục ngành Công an nhân dân. Ước mơ của anh sớm trở thành hiện thực khi anh thi đỗ vào Học viện An ninh nhân dân. Được đào tạo bài bản trong một ngôi trường có truyền thống nhất của Bộ Công an, anh thanh niên trẻ Lê Hồng Phong luôn có gắng nỗ lực, tìm tòi và học hỏi từ thầy cô cũng như bạn bè để nâng cao trình độ. Với đặc thù ngành học Công an, anh đã luôn nỗ lực để đạt thành tích học tập tốt nhất.

Năm 2013 khi tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân, Thượng úy Lê Hồng Phong được phân công công tác tại Văn phòng Thường trực phòng, chống tội phạm và ma túy, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an và được phân về phòng Hợp tác quốc tế.

Chia sẻ về thời gian đầu mới nhận nhiệm vụ tại đơn vị Thượng úy Lê Hồng Phong cho biết: “Được công tác tại Phòng Hợp tác quốc tế, được sát cánh cùng các đồng chí, đồng đội rất giỏi về chuyên môn và môi trường thân thiện gần gũi luôn giúp đỡ, tạo điều kiện để các cán bộ trẻ có cơ hội được khẳng định mình. Chính trong thời gian đó tôi đã học hỏi, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong công tác để tôi có thể tự tin như ngày hôm nay”.

Tháng 9/2018, theo đề án cơ cấu tổ chức mới của Bộ Công an, Thượng úy Lê Hồng Phong được phân công công tác tại Văn phòng Thường trực Chương trình quốc gia PCMT và Hợp tác quốc tế, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy.

Mặc dù là cán bộ trẻ tuổi trong đơn vị nhưng Thượng úy Lê Hồng Phong đã được lãnh đạo tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng trong công tác hợp tác quốc tế về PCMT như: Là đầu mối quốc gia trong hợp tác triển khai các hoạt động hợp tác các Hiệp định, Bản ghi nhớ với Cơ quan PCMT và tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC) tại Viên Áo, Văn phòng UNODC khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Văn phòng UNODC Hà Nội; đầu mối hợp tác với khuôn khổ hợp tác Những người đứng đầu cơ quan PCMT khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; đầu mối quốc gia trong hợp tác và triển khai các hoạt động với Ủy ban kiểm soát ma túy quốc tế (INCB); đầu mối quốc gia triển khai hoạt động trong khuôn khổ Trung tâm thông tin hợp tác PCMT (ASEAN - NARCO); đầu mối quốc gia triển khai hoạt động trong khuôn khổ Tổ công tác ASEAN về PCMT qua đường biển và hàng không; đầu mối trao đổi đường dây nóng với các nước trong khuôn khổ này. Đầu mối quốc gia trong hợp tác với cơ quan PCMT Hoa Kỳ (DEA), cơ quan PCMT Philippines (PDEA)...

 Thượng úy Lê Hồng Phong

Nhìn cán bộ đối ngoại ai cũng nghĩ rằng họ có công việc nhàn hạ, được gần gũi các lãnh đạo cấp cao, được đi đến nhiều nơi và nhiều nước trên thế giới nhưng đó chỉ là bề nổi bên ngoài. Cán bộ làm công tác đối ngoại nói chung và đối ngoại về công tác PCMT nói riêng là công việc rất vất vả, họ vừa là những người trực tiếp liên hệ với phía các nước đối tác để chuẩn bị các nội dung triển khai hợp tác đồng thời là những người trực tiếp chuẩn bị tất cả các mặt công tác về nội dung, lễ tân, hậu cần để lãnh đạo các cấp có điều kiện tốt nhất đàm phán với các nước đối tác, đẩy mạnh mối quan hệ của Việt Nam với các đối tác trong PCMT, đem lại những lợi ích thiết thực trong công tác PCMT và lâu dài hơn trên mặt trận chính trị, ngoại giao. Để xây dựng những chương trình nghị sự hội nghị họ phải chuẩn bị nội dung, lên kế hoạch chi tiết, tỉ mỉ, kĩ lưỡng để hội nghị có thể diễn ra thành công tốt đẹp.

Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy (TPMT) xuyên quốc gia năm 2019 là một trong những hội nghị như thế. Đây là Hội nghị được Việt Nam chủ trì đăng cai tổ chức. Với vai trò là đầu mối chuyên trách triển khai Hội nghị này, Thượng úy Lê Hồng Phong chia sẻ: Hội nghị là một mô hình về cơ chế hợp tác bất thường, được nhóm họp nhằm kịp thời ứng phó trước diễn biến mới, khó lường của tình hình ma túy trong khu vực; kịp thời trao đổi thông tin về tình hình TPMT hoặc thông tin liên quan đến các vụ án ma túy xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài mà Việt Nam và các nước đang tiến hành đấu tranh chung hoặc điều tra mở rộng. Chính vì vậy, công tác chuẩn bị đã được gấp rút triển khai, với sự cố gắng nỗ lực, đầy trách nhiệm từ lãnh đạo đến cán bộ, chiến sỹ Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy để Hội nghị diễn ra thành công và đạt được những kết quả quan trọng trong hợp tác đấu tranh chống TPMT.

Trong 5 ngày diễn ra Hội nghị có 01 phiên họp toàn thể, 01 Hội nghị Bộ trưởng 3 nước, 2 hội nghị song phương, 01 hội thảo tổ công tác ASEAN, 3 cuộc gặp xã giao bên lề cấp Bộ, 4 phiên họp nhóm. Chính vì vậy, việc chuẩn bị nội dung, trao đổi thông tin với các Bộ ngành, địa phương, các nước được mời tham dự Hội nghị cũng được phân công chi tiết, cụ thể cho từng cán bộ. Sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong việc triển khai sáng kiến, tổ chức hội nghị đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Hội nghị đón tiếp hơn 200 đại biểu, trong đó gần 100 khách nước ngoài. Bên cạnh khâu chuẩn bị chu đáo nội dung các buổi hội nghị, trao đổi, nhóm họp thì khâu đón tiếp, sắp xếp nơi ăn, chỗ ở cho các đoàn khách cũng được lên kế hoạch chi tiết để Hội nghị không chỉ đạt được kết quả cao nhất, mà còn để lại những ấn tượng tốt đẹp về sự an toàn, thân thiện và chuyên nghiệp trong lòng bạn bè quốc tế với phương châm “chủ động, tích cực, trách nhiệm”.

Khối lượng công việc lớn, thời gian làm việc liên tục, kéo dài, với không ít mệt mỏi, căng thẳng nhưng ý thức được tầm quan trọng của hội nghị, thể hiện vai trò và trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong đấu tranh với tội phạm ma túy. Mỗi cán bộ chiến sĩ đều cố gắng làm việc gấp đôi, gấp ba so với ngày thường mỗi ngày họ phải làm từ 14 đến 16 giờ kể cả ngày thứ bảy và chủ nhật.

Thượng úy Lê Hồng Phong chia sẻ thêm: "Xác định đây là hội nghị bất thường, chưa có trong tiền lệ, và tổ chức gấp rút, khối lượng văn bản, tài liệu rất nhiều, đặc biệt là tuyên bố chung cần nhiều thời gian đàm phán nhiều. Thứ hai là cán bộ làm công tác hợp tác không có nhiều, trong gần hai tháng chúng tôi đã phải thực hiện một khối lượng lớn công việc nhưng chúng tôi xác định đây nhiệm vụ chính trị quan trọng của Việt Nam nói chung Bộ Công an nói riêng trong công tác đối ngoại về PCMT nên chúng tôi cố gắng quyết tâm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao".

Thông qua Hội nghị, Việt Nam tiếp tục thể hiện quan điểm không khoan nhượng với ma túy. Kêu gọi cộng đồng quốc tế chung sức, chung lòng, đưa ra những biện pháp hữu hiệu trong quan hệ song phương, đa phương để đấu tranh hiệu quả với TPMT xuyên quốc gia. Trải qua quá trình đàm phán căng thẳng, cuối cùng, Hội nghị đã đạt được sự đồng thuận của 10 nước và đối tác, thông qua được Tuyên bố chung do nước chủ nhà Việt Nam chủ trì xây dựng. Đây là một tiếng vàng lớn trong khu vực, thể hiện trách nhiệm, tiếng nói ngày càng cao của Việt Nam trong công tác PCMT.

Ngoài việc thực hiện các hoạt động lễ tân của các Đoàn ra, Đoàn vào ở địa bàn hoặc lĩnh vực được giao phụ trách, đầu mối; đề xuất tham gia ý kiến vào các văn bản, Hiệp định hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam với các nước; tham gia biên dịch, phiên dịch; phối hợp với các đồng chí thuộc Văn phòng Thường trực cũng như các phòng khác của Cục thực hiện và tham gia nhiều hoạt động khác liên quan đến công tác chuyên môn.

Đặc biệt, với vai trò là đầu mối dường dây nóng với DEA, PDEA. Từ năm 2019 đến nay, đồng chí Lê Hồng Phong đã trao đổi hàng chục thông tin có giá trị với các nước này, góp phần có hiệu quả trong công tác điều tra, bắt giữ tội phạm quốc tế. Điển hình ngày 23/3/2019, đồng chí Lê Hồng Phong là đầu mối nắm bắt thông tin và chia sẻ với PDEA về lô hàng giấu trong container từ Cảng Cát Lái tới Manila. Ngay sau đó, PDEA đã thu giữ 276 kg ma túy tổng hợp. Đây là chiến công đặc biệt lớn, PDEA đã có thư cảm ơn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, đồng thời Văn phòng Tổng thống Philippines đã tặng thưởng Kỉ niệm chương cho đồng chí Thượng úy Lê Hồng Phong vì sự đóng góp đặc biệt ý nghĩa này.

Với những nỗ lực, đóng góp của bản thân cho công tác phòng chống TPMT nói chung, hợp tác quốc tế trong công tác PCMT nói riêng Thượng úy Lê Hồng Phong đã được các cấp lãnh đạo cũng như các cơ quan PCMT các nước đối tác tặng nhiều tặng nhiều Bằng khen, giấy khen. Chỉ tính từ năm 2016-2019, Thượng úy Phong đã có ba năm đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở.

Đặc biệt, trong năm 2019 anh  là 1 trong 14 cá nhân được Bộ Công an tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 05 ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; Chỉ thị số 04 ngày 19/5/2018 của Bộ Công an về đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào "CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy" trong tình hình mới và Cuộc vận động "Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ". Thượng úy Lê Hồng Phong xứng đáng là tấm gương tiêu biểu để thế hệ trẻ trong lực lượng CAND học tập, noi theo.

Top