Cao Bằng: Nâng cao chất lượng, hiệu quả cai nghiện ma túy

23/07/2020 15:27

Tại tỉnh Cao Bằng, công tác điều trị cai nghiện tại các cơ sở tập trung được đánh giá cao hơn cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng. Hình thức cai nghiện này tạo điều kiện cho người nghiện thoát khỏi môi trường, sự lôi kéo của những người đang sử dụng ma túy. Người nghiện được cai theo đúng phác đồ điều trị. Mặt khác, người nghiện còn có điều kiện để lao động trị liệu và học nghề, tăng khả năng tìm kiếm việc làm khi hòa nhập cộng đồng.

Một hoạt động giao lưu tuyên truyền cho học viên Cơ sở cai nghiện

Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Cao Bằng hiện đang tiếp nhận, chăm sóc và điều trị cho 151 học viên, trong đó có 138 học viên bắt buộc và 13 học viên tự nguyện. Sau khi tiếp nhận, học viên sẽ được kiểm tra sức khỏe, lập hồ sơ bệnh án để tiến hành các bước điều trị phù hợp. Các diễn biến trong quá trình điều trị, thông tin về việc sử dụng thuốc đều được ghi rõ ràng trong bệnh án. Trong thời gian cắt cơn giải độc, các y bác sĩ thường xuyên thăm khám và theo dõi diễn biến tình hình sức khỏe 24/24 giờ. Đồng thời, được đội ngũ quản lý tư vấn, hỗ trợ tâm lý, giáo dục cho học viên các phép tắc cơ bản của cuộc sống, các chuẩn mực đạo đức truyền thống, các kỹ năng sống, giúp học viên thay đổi hành vi, hướng học viên tới các hoạt động tích cực, tạo cho học viên có thêm niềm tin, nghị lực và quyết tâm từ bỏ ma túy. Việc nắm bắt tâm lý học viên sẽ giúp học viên tuân thủ nền nếp tại cơ sở để quá trình cắt cơn, cai nghiện được thuận lợi.

Bà Phạm Thị Lan, Trưởng phòng Công tác cộng cồng, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Cao Bằng chia sẻ: “Trong suốt thời gian ở đây, không phải học viên nào cũng giống học viên nào. Mỗi học viên có tính cách, cũng như suy nghĩ và thái độ trong phối hợp để cai nghiện khác nhau. Có học viên khi cắt cơn được tư vấn giáo dục và ý thức được mình cần phải từ bỏ ma túy thì sẽ phối hợp trong quá trình cai nghiện tốt. Nhưng cũng có những học viên dù có giáo dục đến đâu, dù có nhắc nhở, dùng nhiều biện pháp vẫn không phối hợp và tỏ thái độ chống đối, không chấp hành quy chế. Có thể nói, để giúp một người từ cắt cơn đến hòa nhập cộng đồng là cả một quá trình dài, không phải ngày một ngày hai”.

Cùng với việc chữa trị và tư vấn, công tác tuyên truyền cho các học viên được cơ sở chú trọng, đẩy mạnh. Từ đầu năm đến nay, cơ sở tổ chức lên lớp truyền thông được 31 buổi, 24 buổi sinh hoạt cuối tuần với các kiến thức cơ bản về ma túy và tác hại của ma túy, HIV/AIDS và cách phòng tránh; Luật Phòng chống ma túy; các bệnh nhiễm trùng cơ hội, các bệnh mãn tính dễ mắc và lây nhiễm khi cơ thể suy nhược, nhất là do sử dụng ma túy. Trong các dịp lễ, tết của ngành, của đất nước, cơ sở tổ chức tọa đàm, tạo sân chơi giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để các học viên cùng tham gia. Cùng với việc điều trị cắt cơn ở đây, các học viên cũng được tham gia các hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe để nâng cao thể trạng, nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái.

Hiện nay, cơ sở đã và đang duy trì 1 lớp học viên tham gia lao động trị liệu làm mi mắt giả, số học viên tham gia thường xuyên là 50 học viên; 1 tổ học viên lao động trị liệu trực sinh với 20 - 25 học viên; 1 tổ đội chăn nuôi, phục vụ nhà bếp. Ngoài ra, cơ sở còn chủ động phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Hòa An lập danh sách 3 lớp cho học viên tham gia học nghề với các ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi, sửa chữa đầu nổ.

Tuy nhiên, hiện nay, cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đã xuống cấp, chật hẹp, không đảm bảo đáp ứng nhu cầu quản lý, sinh hoạt của người cai nghiện tại cơ sở. Việc tổ chức lao động trị liệu, dạy nghề, tạo việc làm cho học viên trong đơn vị còn hạn chế. Tuy nhiên, tập thể cán bộ, người lao động tại cơ sở vẫn cố gắng khắc phục khó khăn để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Top