Quảng Bình: Phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2%

26/06/2020 17:33

Với mục tiêu “giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% trong năm 2020”, hướng đến loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con, cùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước, tỉnh Quảng Bình đã và đang triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Như được sinh ra lần hai

Chị Nguyễn Thị Dương (chúng tôi tạm đổi tên) - một bệnh nhân AIDS ở TP. Đồng Hới đã nói với chúng tôi như thế khi biết rằng con trai của chị không bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Chị kể: Lúc nhận kết quả xét nghiệm HIV dương tính do bị lây nhiễm từ chồng, chị đã mang thai được gần 3 tháng. Hốt hoảng, bàng hoàng… là cảm giác của chị lúc đó. Nhiều lúc, chị tưởng chừng như mình đã gục ngã trước sự thật quá đau đớn... nhưng chính đứa con trong bụng đã thôi thúc chị phải sống, phải đứng lên.

 Cán bộ y tế Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình tư vấn sức khỏe, hướng dẫn cách sử dụng thuốc ARV cho người nhiễm HIV

Chị tìm đến Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS (nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình) để được các bác sỹ tư vấn sức khỏe. Và ở đó, chị bắt đầu hy vọng khi nghe cán bộ y tế nói rằng, chị có thể sinh con khỏe mạnh nếu thực hiện đầy đủ các bước dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Những tháng ngày mang thai là chuỗi ngày chị sống trong hồi hộp, có lúc xen lẫn sự lo âu. Song bên cạnh chị luôn có những người thân và cán bộ y tế tận tình hỗ trợ về mọi mặt.

Ngày chị chuyển dạ sinh con, các cán bộ y tế làm công tác phòng, chống HIV cũng ở bên chị, tạo điều kiện thuận lợi để chị được làm mẹ an toàn bằng phương pháp phẫu thuật. Niềm vui được nhân lên gấp bội khi con chị không bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Đứa trẻ là niềm động viên, an ủi giúp chị vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.

Cũng giống như chị Dương, chị Nguyễn Thị Hân (xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch) cũng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc từ hoang mang, chán nản đến tuyệt vọng khi biết tin nhiễm HIV từ chồng vào thời điểm chuẩn bị sinh con. Dù phát hiện muộn nhưng được tiếp cận dịch vụ y tế kịp thời, chị may mắn đã sinh con khỏe mạnh, không bị nhiễm HIV từ mẹ.

Chị Hân tâm sự: Nhờ thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của bác sỹ điều trị, cả hai vợ chồng chị đều có sức khỏe ổn định để lao động nuôi các con ăn học. Với chị, các bác sỹ của Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình là người thân, là điểm tựa tinh thần. Việc sinh con khỏe mạnh cho chị thêm niềm tin để chiến thắng hoàn cảnh của bản thân, vững tin bước tiếp dù phía trước còn không ít gian nan.

Vì thế hệ tương lai

Bác sỹ Nguyễn Anh Đông, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình cho biết: Lây truyền từ mẹ sang con là một trong ba đường lây truyền của HIV. Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ do các bà mẹ nhiễm HIV sinh ra đều bị nhiễm HIV. Việc xét nghiệm HIV sớm đối với phụ nữ mang thai (PNMT) rất quan trọng. Nếu được phát hiện sớm và có phác đồ điều trị kịp thời sẽ làm giảm khả năng lây nhiễm từ mẹ sang con xuống còn từ 1-5%.

Thực hiện chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động các đối tượng PNMT tham gia xét nghiệm HIV tự nguyện. Khi phát hiện có trường hợp PNMT nhiễm HIV, trung tâm sẽ tiến hành điều trị sớm nhằm tạo điều kiện cho họ được sinh con khỏe mạnh.

Đặc biệt, hưởng ứng tháng cao điểm thực hiện chiến dịch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2020 (tháng 6-2020) với chủ đề “Điều trị thuốc ARV sớm cho mẹ - sức khỏe cho con”, tỉnh ta triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là PNMT về lợi ích của xét nghiệm HIV và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm. Đồng thời, tăng cường cung cấp các dịch vụ như xét nghiệm HIV cho PNMT, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV bao gồm phụ nữ nhiễm HIV mang thai và nâng cao chất lượng các dịch vụ.

Bác sỹ Trần Thị Mỹ Doan, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình cho hay: "Thực tế công việc tại đơn vị, chúng tôi nhận thấy, một số PNMT được phát hiện nhiễm HIV khi đã ở giai đoạn muộn (thai kỳ ở tháng thứ 7, 8 hoặc giai đoạn chuyển dạ). Một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên là do không ít phụ nữ biết mình nhiễm HIV nhưng vì lo sợ cộng đồng xa lánh nên đã giấu bệnh. Do đó nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con sẽ cao hơn các trường hợp được can thiệp điều trị sớm. Hiện tại, tất cả các trường hợp PNMT nhiễm HIV tham gia điều trị sớm tại trung tâm đều sinh con an toàn, không bị lây nhiễm HIV từ mẹ."

Để sinh con khỏe mạnh, các bác sỹ khuyến cáo các PNMT nhiễm HIV nên tiếp cận các dịch vụ y tế để được điều trị càng sớm càng tốt. Tốt nhất là trước khi mang thai, các bà mẹ nên tầm soát HIV hoặc khi đã mang thai thì nên đi tầm soát HIV trong 3 tháng đầu thai kỳ. Trong quá trình mang thai, thai phụ nhiễm HIV phải tuân thủ đúng sự chỉ định của bác sỹ bằng cách tái khám đúng hẹn, uống thuốc theo chỉ định của bác sỹ, không được tự ý bỏ thuốc, ngưng thuốc.

Việc điều trị sớm bằng thuốc ARV cho thai phụ nhiễm HIV có ý nghĩa rất lớn đối với bản thân, gia đình thai phụ, trẻ được sinh ra và đối với cả cộng đồng. Vì vậy, PNMT nên tiếp cận sớm với các dịch vụ để sinh con khỏe mạnh, nhằm hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con ra khỏi cộng đồng. 

Top