Tuyên Quang: Dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con từ tỉnh đến cơ sở

23/06/2020 14:20

Chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con ở Tuyên Quang được triển khai rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở. Địa phương đã thực hiện điều trị ARV sớm để giảm tối thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh cho con khi người mẹ nhiễm HIV, nhờ vậy, những bà mẹ nhiễm HIV đã sinh con hoàn toàn khỏe mạnh.

 Tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Ảnh: TTPC HIV/AIDS Tuyên Quang

Ông Tô Hoàng Sâm, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết, lây truyền HIV từ mẹ sang con xảy ra ở cả 3 thời kỳ: 10% trong thời kỳ mang thai (do máu mẹ qua màng nhau thai bị tổn thương sang máu con), 15 - 20% trong thời kỳ chuyển dạ đẻ (tiếp xúc với máu, dịch cơ thể của người mẹ chứa HIV) và 10% trong thời kỳ cho con bú (sữa mẹ có chứa HIV, núm vú tổn thương có thể chảy máu...).

Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ do các bà mẹ nhiễm HIV sinh ra đều bị nhiễm HIV. Việc xét nghiệm sớm HIV đối với phụ nữ mang thai rất quan trọng, nếu được phát hiện sớm và có phác đồ điều trị sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ trẻ em bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang.

Tỷ lệ nhiễm từ mẹ sang con nếu không được điều trị dự phòng là khoảng 25-40%; còn nếu người mẹ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng bằng thuốc chống HIV ngay từ tuần thứ 28 thì khả năng lây nhiễm từ mẹ sang con giảm xuống chỉ còn từ 2-5%.

Nhằm ngăn chặn lây truyền HIV từ mẹ sang con, từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức nhiều hoạt động. Đặc biệt trong tháng cao điểm, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã triển khai tới các huyện, thành phố kế hoạch thực hiện tháng hành động, tạo cơ hội cho phụ nữ mang thai tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xét nghiệm HIV cho 1.219 phụ nữ mang thai, phát hiện 1 trường hợp dương tính với HIV và được uống thuốc ARV dự phòng từ khi mang thai để trẻ sinh ra không bị nhiễm.

Để bảo đảm trẻ sinh ra không bị nhiễm HIV từ mẹ truyền sang, thai phụ phải được điều trị ARV càng sớm càng tốt. Nếu trước khi mang thai, người mẹ không biết tình trạng nhiễm HIV của mình thì người mẹ nên tầm soát HIV trước khi có kế hoạch mang thai. Hoặc khi đã mang thai trong 3 tháng đầu thai kỳ nên đi tầm soát HIV. Ngoài ra, nếu phụ nữ nhiễm HIV đang điều trị ARV thì trước khi có thai cần phải hỏi ý kiến và được bác sỹ tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc ARV.

Trong quá trình mang thai, thai phụ phải tuân thủ đúng chỉ định của bác sỹ bằng cách tái khám đúng hẹn, uống thuốc đúng liều, đúng giờ. Cùng với đó, làm các xét nghiệm theo đúng định kỳ, không được tự ý bỏ thuốc, ngưng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sỹ điều trị. Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có 4 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV nhưng tất cả trẻ đều âm tính với HIV.

Top