Chống trốn khỏi cơ sở cai nghiện: Minh bạch, tâm huyết, trách nhiệm

16/06/2020 18:03

Từng là địa phương có số lượng học viên trốn khỏi cơ sở, gây rối trật tự, thẩm lậu ma túy cao, với 81 vụ gồm 241 lượt học viên, nhưng từ tháng 11/2017 đến nay, với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo của tập thể viên chức và người lao động, tình hình an ninh trật tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long ổn định, các hoạt động đi vào nề nếp, đặc biệt là không còn học viên gây rối, bỏ trốn khỏi và không có thẩm lậu ma túy vào nội trường. * 

Tiền thân của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long là “Trung tâm Cai nghiện ma túy - Giáo dục nhân phẩm và dạy nghề”, được thành lập từ năm 1993. Đến năm 2002, trung tâm được đổi tên thành “Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội”; năm 2011 đổi tên thành “Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội”; năm 2016 được đổi tên và kiện toàn thành “Trung tâm Điều trị nghiện ma túy”. Từ tháng 6/2017 đến nay, được đổi tên thành “Cơ sở cai nghiện ma túy” trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long.

 Học viên Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long trong buổi lễ chào cờ

Cuối năm 2016, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long chỉ quản lý 49 học viên, trong đó, quyết định bắt buộc 3 học viên, cai nghiện tự nguyện 46 học viên.  Đến đầu năm 2017, tỉnh Vĩnh Long có Quyết định số 3133/QĐ-UBND về ban hành Quy chế phối hợp và Hướng dẫn liên ngành số 26/HDLN-CAT-SYT-STP-SLĐTBXH-TANDT, vì thế Cơ sở đã tiếp nhận và quản lý 637 lượt học viên, trong đó, quyết định bắt buộc 205 học viên, cai nghiện tự nguyện 79 học viên, đối tượng xã hội 279 học viên, quản lý sau cai nghiện 2 học viên, cắt cơn giải độc 15 ngày 72 học viên. Tình hình học viên tăng đột ngột, hạ tầng kỹ thuật xuống cấp không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt (quy mô chỉ 200 học viên), trong thời điểm xảy ra nhiều vụ gây rối tại các Cơ sở cai nghiện ma túy trên cả nước như: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cà Mau… thì Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long cũng là tỉnh có số lượng học viên bỏ trốn khỏi cơ sở, gây rối trật tự, thẩm lậu ma túy cao, với 81 vụ gồm 241 lượt học viên.

 Học viên tham gia lao động trị liệu

Tại các địa phương, khi học viên trốn khỏi cơ sở, ngoài việc nhiều tài sản bị phá hoại, gây thương tích cho một số cán bộ, chính quyền địa phương thì còn gây ra nhiều hậu quả khác, tạo ra các tiền lệ không tốt, dù tỷ lệ trốn trung bình hàng năm thấp trên tổng số học viên và hầu hết đều được đưa trở lại cơ sở cai nghiện trong thời gian ngắn. Hoạt động của cơ sở bị đảo lộn; học viên trốn bị gián đoạn quy trình điều trị, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả cai nghiện; hành vi này cũng gây ra phản ứng dây chuyền học viên bỏ trốn ở các cơ sở cai nghiện khác. Người dân ở gần cơ sở cai nghiện và nơi có học viên trốn bỏ trốn đi qua đều có có tâm lý hoang mang lo sợ, một số nhà dân và đơn vị sản xuất bị cướp bóc tài sản. Có học viên bỏ trốn khỏi nơi cư trú và sau này vi phạm pháp luật hình sự... Việc tăng cường cán bộ bảo vệ cũng làm hạn chế số lượng cán bộ chuyên môn khác như y tế, điều trị, tư vấn, giáo dục, dạy nghề… trong tổng số biến chế cán bộ cơ sở cai nghiện.

 Học viên tập thể thao để tăng cường sức khỏe tại phòng tập đa năng của cơ sở

Trước thực trạng ấy, cuối năm 2017, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã mạnh dạn thay đổi nhân sự lãnh đạo. Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh đã chủ động xây dựng, sửa đổi, bổ sung và ban hành hàng loạt các quy chế như: Quy chế hoạt động của đơn vị, Quy chế quản lý học viên, Quy chế thăm gặp học viên, Quy chế khen thưởng - kỷ luật học viên, Quy chế thi đua hiệu quả; thành lập Tổ tự quản học viên. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phối hợp với Công an về đảm bảo an ninh trật tự và trang bị, quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ cho cơ sở; kế hoạch phối hợp với Tòa án nhân dân huyện về xem xét miễn, giảm thời gian chấp hành quyết định còn lại cho học viên. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, cùng với sự hỗ trợ lực lượng các đơn vị trong địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám đốc, và với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo của tập thể viên chức và người lao động, từ tháng 11/2017 đến nay, tình hình an ninh trật tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long ổn định, các hoạt động đi vào nề nếp, đặc biệt là không còn học viên gây rối, bỏ trốn khỏi cơ sở và không có thẩm lậu ma túy vào nội trại.

Ông Trần Ngọc Chi, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long cho biết, với đội ngũ công chức, viên chức và người lao động (có trình độ thạc sĩ 2 người, đại học các ngành 22 người, trung cấp 10 người), 1 bác sĩ; 1 kỹ thuật viên xét nghiệm, 1 dược sĩ và 4 y sĩ đa khoa đã đảm bảo cho công tác tư vấn, giáo dục, điều trị nghiện tại cơ sở đạt hiệu quả cao, số người nghiện vào cơ sở và được điều trị thành công ngày càng tăng.

Tính đến ngày 30/5/2020, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long đang quản lý 195 học viên. Trong đó, bắt buộc theo quyết định của Tòa án là 139 học viên, cai nghiện tự nguyện 42 học viên, đối tượng xã hội 14 học viên, cắt cơn giải độc 15 ngày là 1 học viên. Công tác tư vấn, giáo dục và truyền thông tại cơ sở luôn được chú trọng nâng cao, luôn đổi mới về nội dung, hình thức phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh để các học viên dễ tiếp thu và nhận thức được những tác hại, nguy cơ từ ma túy .

Vào các ngày lễ, tết, ngày phòng chống ma túy (26/6); ngày phòng chống HIV/AIDS (1/12) hằng năm, cơ sở phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh biểu diễn văn nghệ; phối hợp Tỉnh đoàn, Huyện đoàn, chuyên gia tâm lý tổ chức sinh hoạt giao lưu, nói chuyện chuyên đề với học viên; vận động đơn vị tài trợ trao học bổng cho con của các học viên có hoàn cảnh khó khăn đang cai nghiện tại cơ sở. Đồng thời tăng cường công tác dạy nghề và tổ chức lao động trị liệu cho học viên; từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, đảm bảo học viên vừa học, vừa thực hành, vừa có thêm thu nhập nên học viên có ý thức và chấp hành tốt nội quy, quy chế. Từ năm 2018 đến nay, cơ sở tổ chức dạy các nghề cho học viên gồm nghề cắt tóc nam, may công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hàn điện, sinh vật cảnh... Ngoài ra, cơ sở còn hướng nghề và gia công thêm các nghề như mộc, xây dựng, đan ghế bằng dây nhựa, làm đế giày dép... Nhìn chung học viên rất phấn khởi, tích cực tham gia, tạo thu nhập cho bản thân trong suốt quá trình ở tại cơ sở, tránh thời gian nhàn rỗi nhiều, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự nội trường.

Kinh nghiệm phòng chống học viên trốn khỏi cơ sở

Chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống việc học viên cai nghiện bỏ trốn, ông Trần Ngọc Chi cho biết, đầu tiên phải đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt, nhất là không vượt quy mô tiếp nhận để tránh quá tải. Đội ngũ viên chức và người lao động phải tâm huyết, trách nhiệm, gương mẫu, kiên quyết không để tiêu cực.

 Giao lưu văn nghệ với học viên cai nghiện

Đồng thời, minh bạch các chế độ hỗ trợ với học viên như tiền ăn. sinh hoạt, lao động sản xuất cũng như phối hợp cung cấp các dịch vụ ngoài chế độ của Nhà nước cho học viên hợp lý, đầy đủ, kịp thời (nhu yếu phẩm khác).

Quan trọng nhất là quán triệt quan điểm: Đối với học viên với học viên "Cơ sở là nhà, chúng ta là anh em!"; đối với viên chức và học viên: "Nếu bạn chưa hài lòng, hãy nói với chúng tôi. Nếu bạn hài lòng, hãy nói với mọi người” với mục đích là phòng chống lập băng, nhóm, đại ca, đại bàng trong nội bộ học viên.

Minh bạch trong xét miễn, giảm thời gian chấp hành cai nghiện (có quy chế phối hợp với Tòa án và quy chế khen thưởng).

“Người sử dụng ma túy là "người", nhân viên cơ sở cai nghiện cũng là "người " nên phải ứng xử có văn hóa giữa "người với người" theo quy định của pháp luật và quy chế của cơ sở (quyền và nghĩa vụ của người quản lý và bị quản lý phải phân biệt rõ ràng)”, ông Trần Ngọc Chi chia sẻ.

Đối với người nghiện ma túy phải sử dụng tổng hợp nhiều biện pháp nhưng cần chú ý đến mặt tình cảm và những nhu cầu cơ bản của họ. Bên cạch đó, nhân viên phải có kỹ năng cơ bản của nghề công tác xã hội... góp phần ổn định tâm lý giúp học viên hợp tác và chấp hành tốt nội quy, quy chế cơ sở.

Hiện Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long còn kết hợp tâm lý trong điều trị nghiện cho học viên, ngoài việc điều trị theo phác đồ ATK của Bộ Y tế và liên kết với Công ty Truyền thông & Đào tạo Cuộc Sống Mới tập huấn kỹ năng sống cho học viên nhằm giúp họ tự tin, thích nghi hoàn cảnh, vượt qua cám dỗ, cải thiện mối quan hệ trong gia đình, biết chia sẻ, yêu thương chính mình và người thân góp phần xa lánh tệ nạn xã hội.

Bên cạnh đó, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long còn phối hợp và vận động Công ty Xuất nhập khẩuTổng hợp & Dịch vụ FATACO Bến Tre tài trợ và ký gửi 130 liều thuốc Đông y hiệu Bông Sen nhằm hỗ trợ trong việc cắt cơn giải độc cho người nghiện có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời cung cấp và phục vụ tốt nhất cho người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh.

Hàng tháng là những cuộc đối thoại giữa học viên với ban quản lý cơ sở, lồng ghép những buổi tiệc sinh nhật có sinh hoạt văn nghệ nhằm tạo không khí vui vẻ, thân tình đối với học viên.

* Bài cuối: Phối hợp nắm chắc diễn biến tư tưởng học viên cai nghiện tránh tình trạng gây rối, bỏ trốn

Top