Những bóng hồng sau "cánh cổng" cơ sở cai nghiện

19/05/2020 09:11

Phía sau cánh cổng Cơ sở điều trị nghiện ma túy Đồng Nai (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) có nhiều cô gái trẻ đang nỗ lực vượt qua nghiện ngập làm lại cuộc đời. Đồng hành cùng họ là những cán bộ nữ luôn chia sẻ, động viên giúp họ nhận ra những giá trị tốt đẹp của bản thân, tìm lại sự lạc quan và niềm tin trong cuộc sống.

Chị Đỗ Thị Thu Hường (cán bộ Cơ sở điều trị nghiện ma túy Đồng Nai) gặp gỡ, động viên các nữ học viên

Tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy Đồng Nai, mỗi học viên nữ có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng chỉ vì một biến cố cuộc đời, một chút bồng bột, ham vui với bạn bè mà không ít cô gái trẻ đã tự mình đánh mất tuổi thanh xuân vì nghiện ma túy.

Hành trình lấy lại niềm tin...

Con đường dẫn vào Cơ sở điều trị nghiện ma túy Đồng Nai vắng và sâu hun hút. Hai bên đường, nhiều rẫy bắp khô héo, đứng “chịu trận” trong cái nắng nóng như đổ lửa của những ngày giữa tháng 4. Thế nhưng, khi bước qua cánh cổng sắt vào Cơ sở điều trị nghiện ma túy Đồng Nai, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước một không gian sinh thái đầy màu sắc, dịu mát của cỏ cây, hoa lá. Đây là ngôi nhà chung của hơn 600 mảnh đời, trong đó có 16 cô gái độ tuổi thanh xuân đang nỗ lực từng ngày để từ bỏ ma túy, tìm lại quãng đời đã đánh mất...

16 học viên nữ ở đây phần lớn thuộc thế hệ 8x và 9x. Người nhỏ tuổi nhất trong khu học viên nữ là em N.P.L. (19 tuổi, ngụ ở xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất). Gương mặt của L. trông vẫn còn nét rất trẻ con nhưng ít ai biết em đã làm mẹ. L. tâm sự, năm 16 tuổi, em biết yêu và làm mẹ năm 17 tuổi. Người yêu của L. là một thanh niên nghiện ngập đã rủ rê L. đến với ma túy. Khi L. vướng vào “hàng trắng” rồi sinh con, người yêu thì “quất ngựa truy phong”, cha mẹ trách móc khiến L. buồn chán bỏ con nhỏ cho cha mẹ chăm sóc và lao vào các cuộc chơi ma túy.

Một lần cùng bạn bè tụ tập chơi “hàng đá”, L. đã được đưa vào Cơ sở điều trị nghiện ma túy Đồng Nai. “Được điều trị cắt cơn và cai nghiện, hiện em không còn bị giày vò vật vã vì thiếu thuốc. Nhìn lại những tháng ngày qua, em thấy mình cần phải thay đổi để làm lại cuộc đời, lo cho con và không làm ba mẹ lo lắng, buồn phiền vì mình nữa” - L. chia sẻ.

Đến khu các học viên lao động, chúng tôi chú ý đến một đôi tay nhỏ nhắn thoăn thoắt cạo vỏ hạt điều rất thành thạo của cô gái tên D.T.Th. (24 tuổi), có chất giọng Bắc ngọt ngào và làn da trắng mịn. Quê Th. ở Lạng Sơn, mồ côi cha mẹ từ năm lên 4 tuổi. Năm 2008, Th. cùng anh trai vào Đồng Nai làm việc. Th. phụ bán hàng ở một shop thời trang với thu nhập 5 triệu đồng/tháng.

Song, sau biến cố anh trai của Th. mất đột ngột, chuyện tình cảm cũng trục trặc nên tinh thần của Th. gần như suy sụp. Để quên đi những nỗi buồn, Th. đã dùng “hàng đá” và sống trong nghiện ngập suốt 4 năm. Trong một lần bị công an phát hiện khi đang sử dụng ma túy cùng bạn bè, Th. đã được đưa đi cai nghiện tập trung. Những tháng ngày điều trị cai nghiện, Th. như choàng tỉnh khỏi cơn mê và luôn tự hỏi tại sao mình lại ra nông nỗi này.

Th. bày tỏ: “Chỉ vì không bước qua được nỗi buồn, không làm chủ được bản thân mà em đã “ném” đi tất cả sức khỏe, danh dự và tương lai của mình vào ma túy. Nhờ sự giúp đỡ, dạy bảo, chăm sóc của thầy cô, các cô chú cán bộ, sự sẻ chia tình cảm của các bạn cùng phòng đã giúp em lạc quan hơn. Chỉ còn 5 tháng nữa là “ra trường”, em sẽ cố gắng đoạn tuyện với ma túy, tìm việc làm để có một cuộc sống tốt hơn”.

16 cô gái trẻ ở Cơ sở điều trị nghiện ma túy Đồng Nai có những hoàn cảnh, số phận khác nhau đưa đẩy họ đến với ma túy. Tuy nhiên, hiện tại họ đều có một điểm chung là đã nhận ra sai lầm, quyết tâm làm lại cuộc đời. Mọi khúc mắc trong cuộc sống đều có thể giải quyết được. Đừng bao giờ lấy ma túy để quên đi những rắc rối cuộc đời vì điều này càng làm cho cuộc đời “rắc rối” hơn. Vì vậy, đừng thử ma túy, dù chỉ một lần" - Th. chia sẻ.

Ông Hồ Trí Lịch, Giám đốc Cơ sở điều trị nghiện ma túy Đồng Nai cho biết, để biết học viên của mình đi đâu, về đâu, làm gì sau khi cai nghiện thành công, đề án Theo dấu học viên của Sở LĐTBXH đã được triển khai, nhằm tạo ra một mạng lưới với sự chung tay của các cấp, các ngành, tiếp tục quản lý, hỗ trợ các học viên sau khi ra trường. Hiện cán bộ của cơ sở đang tiến hành điều tra, nắm bắt thông tin thực tế của mỗi học viên để có phương án hỗ trợ kịp thời.

“Bà đỡ” của những số phận

Phía sau cánh cổng của Cơ sở điều trị nghiện ma túy Đồng Nai, còn những “bóng hồng” khác, đó là những nữ cán bộ quản lý, chăm sóc y tế - những người thầm lặng, đồng hành trong hành trình lấy lại niềm tin của những nữ học viên từng bị gọi là... con nghiện.

Mỗi chiều, chị D.T.Th. (trái) đều rất vui khi tham gia đọc bản tin phát thanh nội bộ

Cũng như bao người phụ nữ khác có con nhỏ, nơi làm việc xa hơn 20 km, chị Đỗ Thị Thu Hường, Khu trưởng khu học viên nữ vẫn hằng ngày bên cạnh chia sẻ, động viên những học viên nữ cai nghiện ma túy làm lại cuộc đời.

Chị Hường tâm sự: “Mới vào cơ sở, nhiều em quen sống tự do, phóng túng nên khi bị đưa vào khuôn khổ, thường tỏ thái độ phản kháng, thậm chí có những hành động tiêu cực như: nhịn ăn, la hét, tự hủy hoại thân thể... Để cảm hóa những học viên này, tôi cùng 2 nữ cán bộ quản lý khác đã phải thường xuyên gần gũi, chia sẻ, tâm sự để động viên các em, nhất là những em không có gia đình thăm nom”.

Đã 14 năm làm công tác giáo dục, tư vấn cho nữ học viên sau cai nghiện, chị Nguyễn Thị Kiều Oanh chia sẻ: “Mới vào cơ sở, nhiều học viên còn thói quen ngổ ngáo khi dùng những ngôn từ tục tĩu, thậm chí đánh nhau, dùng những hành vi phản ứng tiêu cực với cán bộ, giáo viên trên lớp. Nhưng chúng tôi luôn xem các em như em gái mình để hướng dẫn, dạy dỗ, đặc biệt là hướng các em đến một lối sống lành mạnh, ứng xử có văn hóa”.

Theo các cán bộ nữ ở Cơ sở điều trị nghiện ma túy Đồng Nai, bằng những lời lẽ chân thành, thân thiện, bằng biện pháp nghiệp vụ và trái tim nhân hậu - như mưa dầm thấm đất - những học viên lì lợm, ngang bướng nhất cũng đã “tâm phục khẩu phục”, đổi thay và tốt lên từng ngày. Tuy nhiên, do các nữ học viên nghiện ngập, ít quan tâm đến sức khỏe nên việc chăm sóc y tế cho họ cũng vất vả không kém.

Đã nhiều năm phụ trách công tác y tế tại cơ sở cai nghiện này, điều dưỡng Trần Thị Thu Giang tâm sự, học viên nói chung và học viên nữ nói riêng do có thời gian nghiện ma túy, sống bất cần đời nên thường mang nhiều bệnh tật phải điều trị. Thậm chí có khi những học viên nhiễm HIV phản ứng tiêu cực khiến cán bộ y tế đứng trước nguy cơ phơi nhiễm rất cao. Dù vậy, các cán bộ ở đây vẫn cố gắng làm tròn trách nhiệm. “Mình cứ chân thành, rồi các em sẽ hiểu!” - chị Giang nói.

Hiểu và chia sẻ với những khó khăn của đồng nghiệp, ông Lê Văn Thanh Sơn, cán bộ quản lý chung của cơ sở cho hay: “Công việc quản lý học viên nghiện ma túy rất nhiều áp lực, nhất là đối với cán bộ nữ. Bởi ngoài làm việc trong giờ hành chính, các chị vừa phải trực đêm 3-4 ngày/tuần, phải hoàn thành tốt công tác chuyên môn, lại vừa phải làm tròn trách nhiệm người phụ nữ trong gia đình nên khá vất vả, chỉ có những người có tâm huyết mới bám trụ được với nghề”.

Khó khăn, vất vả nhưng bằng trách nhiệm và tình thương, những cán bộ làm công tác quản lý ở Cơ sở điều trị nghiện ma túy Đồng Nai đã giúp các học viên nữ vượt qua khó khăn, yên tâm điều trị cắt cơn nghiện. Đây chính là động lực để giúp các học viên nữ bước ra khỏi quá khứ làm lại cuộc đời.

Top