Hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho người sống chung với HIV

15/05/2020 14:08

Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe thể chất, thì người nhiễm HIV cũng cần đặc biệt chú trọng đến sức khỏe tâm thần. Người nhiễm HIV/AIDS có thể quản lý sức khỏe tâm thần của mình bằng cách tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác và thay đổi lối sống. Chăm sóc sức khỏe tâm thần sẽ giúp cho người nhiễm dễ dàng theo dõi kế hoạch điều trị và tối đa hóa chất lượng cuộc sống.

 Trò chuyện với bác sĩ điều trị của bạn để nhận được sự hỗ trợ cần thiết cho các vấn đề sức khỏe tâm phần mà bạn gặp phải. Ảnh: Tống Nam

Người nhiễm HIV dễ bị lo lắng, mất định hướng

Những người nhiễm HIV có nhiều khả năng ở trong tình trạng sức khỏe tâm thần hơn những người khác. Trầm cảm là một trong những căn bệnh khá phổ biến nhất thể hiện tình trạng sức khỏe tâm thần liên quan đến HIV. Bạn cũng có thể gặp các biểu hiện khác như lo lắng, mất định hướng.

Một số dấu hiệu trầm cảm bao gồm: Mất định hướng tương lai, giảm hứng thú với những thứ bạn từng thích, tách mình ra khỏi thế giới bên ngoài bao gồm bạn bè và gia đình của bạn, thay đổi giấc ngủ hoặc sự thèm ăn của bạn, cảm thấy ốm và không có gì giúp bạn cảm thấy tốt hơn, không có khả năng tập trung hoặc đưa ra quyết định, cảm giác tội lỗi hoặc cho thấy bản thân thấp kém, mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng, suy nghĩ về việc gây hại cho bản thân hoặc người khác.

HIV có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc tình cảm của người bệnh vì nhiều lý do. Điều này có thể là do những thay đổi xảy ra trong cơ thể người nhiễm do virus. Các yếu tố bên ngoài như sự kỳ thị, thiếu các mối quan hệ và sự trợ giúp cũng có thể góp phần vào các vấn đề sức khỏe tâm thần. Ví dụ: Bạn có thể thấy khó khăn để tuân thủ điều trị hoăc gặp khó khăn trong việc xác định hoặc bảo đảm nguồn lực cho kế hoạch điều trị của bạn, bị sự kỳ thị xã hội hoặc phân biệt đối xử cũng có thể tác động đến khả năng tuân thủ điều trị tốt.

Điều quan trọng nhất là phải nhận biết các dấu hiệu cần hỗ trợ cho sức khỏe tâm thần của bạn. Có nhiều lựa chọn để điều trị và giảm các triệu chứng sức khỏe tâm thần. Cũng có những điều bạn có thể làm để giảm hoặc loại bỏ các triệu chứng. Dưới đây là một số cách để chăm sóc sức khỏe tâm thần của bạn, điều này cũng sẽ giúp việc điều trị và tuân thủ điều trị của bạn được tốt nhất.

Khi bạn sống chung với HIV thì việc định kì tới gặp bác sĩ để nhận chỉ định hoặc thăm khám là khá thường xuyên, thường là mỗi tháng với bệnh nhân mới điều trị, hoặc 3 tháng với bệnh nhân điều trị lâu dài. Hãy chắc chắn trung thực và cởi mở về những thay đổi về sức khỏe tâm thần của bạn cho bác sĩ để nhận được trợ giúp cần thiết.

Phòng khám ngoại trú hoặc bệnh viện nơi bạn điều trị có thể xác định hỗ trợ mà bạn cần và đưa ra khuyến nghị dựa trên cuộc trò chuyện, chia sẻ của bạn. Một số cách nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn có thể hỗ trợ bạn với sức khỏe tâm thần của bạn bao gồm: Chẩn đoán tình trạng sức khỏe tâm thần, kê toa một loại thuốc để điều trị tình trạng sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm, xác định xem thuốc ARV của bạn có làm thay đổi sức khỏe tâm thần của bạn hay không và điều chỉnh kế hoạch điều trị nếu có thể , hoặc giới thiệu một chuyên gia sức khỏe tâm thần để nói chuyện với bạn.

Tìm kiếm tư vấn hoặc trị liệu hành vi nhận thức

Các bệnh viện hoặc phòng khám ngoại trú nơi người nhiễm điều trị có thể khuyên người nhiễm nên gặp một chuyên gia sức khỏe tâm thần hoặc người nhiễm có thể tự mình tìm kiếm sự giúp đỡ này. Bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý hoặc chuyên gia trị liệu tâm lý là người có thể giúp bạn vượt qua cảm xúc bất ổn lúc này.

Một loại trị liệu tâm lý có thể hữu ích là liệu pháp hành vi nhận thức. Loại trị liệu này giúp bạn nhận ra những suy nghĩ tiêu cực. Nó dạy bạn làm thế nào để thay đổi chúng thông qua hành vi của bạn.

Bên cạnh đó, người nhiễm nên tiếp cận với một thành viên gia đình hoặc bạn bè mà người bệnh cảm thấy thoải mái khi nói về cảm xúc của mình, việc này có thể giúp người nhiễm đối phó với các triệu chứng về sức khỏe tâm thần.

Lúc đầu cảm thấy lo lắng về việc mở và chia sẻ là điều bình thường. Nhưng bạn bè và thành viên gia đình thường hiểu hơn bất cứ ai và có thể cho người bệnh sự đồng cảm và hỗ trợ.

Ngoài ra, việc tham gia các đội nhóm đồng đẳng/tổ chức hỗ trợ cộng đồng có thể giúp người nhiễm HIV gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ. Tham gia nhóm cộng đồng dành cho những người nhiễm HIV hoặc cho những người có tình trạng sức khỏe tâm thần có thể cải thiện sức khỏe của người nhiễm. Các nhóm này thường gặp nhau thường xuyên và có sẵn trực tiếp và trực tuyến. Người nhiễm HIV có thể thảo luận về cảm xúc và thách thức mà mình gặp phải và lắng nghe những người khác nhiễm HIV chia sẻ để tìm kiếm phương án phù hợp nhất với mình.

Các nhóm hỗ trợ, cũng như các nhóm vận động, có thể giúp bạn xác định các cách để đối phó với sự kỳ thị hoặc phân biệt đối xử có thể liên quan đến việc sống chung với HIV. Các nhóm vận động cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa nhận thức về sự kỳ thị xã hội và giảm bớt nó thông qua giáo dục.

Lối sống lành mạnh giúp cải thiện sức khỏe tâm thần

Tập thể dục thường xuyên giúp người nhiễm HIV giải phóng endorphin, xử lý cảm xúc; ăn thực phẩm lành mạnh, bổ dưỡng; ngủ sâu và đủ giấc bằng cách thiết lập thói quen ban đêm lành mạnh như đi ngủ sớm, không sử dụng điện thoai/thiết bị điện tử trước khi đi ngủ và ngủ trong một không gian tối, thoải mái; tham gia vào các sở thích mà bạn thích bằng cách đăng ký lớp học, thiết lập không gian cho hoạt động trong nhà của bạn hoặc kết nối với những người khác thích hoạt động đó; cắt giảm hoặc loại bỏ rượu và ma túy.

Thiền chánh niệm là cách tuyệt vời để tăng sự tập trung, giảm căng thẳng, và kích thích sự sáng tạo. Một đánh giá có hệ thống năm 2014 cho thấy chánh niệm làm giảm sự đau khổ về cảm xúc ở những người nhiễm HIV.

Bạn có thể thực tập thiền chánh niệm bằng cách sống trong hiện tại và tận hưởng môi trường xung quanh bạn, chấp nhận bản thân bạn cho dù bạn là ai, hoặc ngồi im lặng trong vài phút trong khi chú ý đến hơi thở của bạn. Bạn cũng có thể tìm các lớp học về chánh niệm hoặc các hình thức thiền khác để giúp bạn thư giãn.

Các bài tập như yoga, thái cực quyền và đi bộ trong tự nhiên cũng có thể giúp bạn vận động và làm việc thông qua suy nghĩ và cảm xúc của bạn.

Điều quan trọng là có thể xác định những tác động của sức khỏe tâm thần đến đời sống của bạn, sau đó tìm kiếm sự giúp đỡ.  Hỗ trợ đúng cách có thể giúp bạn đối phó với những thách thức bạn gặp phải khi sống với tình trạng này. Nói chuyện với các chuyên gia và bạn bè hoặc gia đình, thay đổi lối sống hàng ngày của bạn và thực hành các phương pháp thư giãn đều có thể giúp bạn cải thiện sức khỏe tâm thần.
Top