Chính sách phòng, chống ma túy của Nga và kinh nghiệm cho Việt Nam

15/04/2020 13:58

Dưới thời Xô Viết, ma túy hầu như vắng bóng. Sau năm 1991 đến nay, Liên Xô giải tán, Liên bang Nga - đất nước kế thừa di sản của chế độ Xô Viết hòa mình vào phần còn lại của châu Âu và thế giới. Bên cạnh, nền kinh tế - xã hội phát triển, tiềm lực quốc phòng được củng cố, làn sóng hội nhập đã khiến tội phạm, tệ nạn ma túy từ bên ngoài xâm nhập vào nước Nga.

Với các biện pháp được đưa ra, các nhà chức trách Nga hy vọng sẽ làm giảm số lượng người buôn bán ma túy, giảm số người nghiện ma túy cũng như số người tử vong do sử dụng các chất gây nghiện bất hợp pháp. Ảnh minh họa

Hiểm họa này xuất phát cả từ nguyên nhân chủ quan, khách quan. Hệ thống kiểm soát ma túy quốc tế yếu đi do việc tự do hóa, hợp pháp hóa ở một số nước. Lợi dụng sự lơ là mất cảnh giác của lực lượng chức năng, các đường dây tội phạm quốc tế đã tổ chức mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, chất hướng thần, thuốc gây nghiện được quy định trong 3 Công ước của Liên Hợp Quốc về phòng, chống ma túy (PCMT). Thị trường ma túy bất hợp pháp không ngừng gia tăng, thường xuyên xuất hiện những chất ma túy mới.

Các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia đã chọn nước Nga là điểm trung chuyển ma túy từ  “công xưởng sản xuất” ở Afghanistan đến các nước châu Âu tiêu thụ. Nguồn tiền có được từ ma túy được rửa sạch thông qua các công cụ tài chính mới, đồng thời một phần lợi nhuận thu được dùng để hỗ trợ cho các tổ chức khủng bố thánh chiến ở Afghanistan, Trung Đông.

Các đối tượng lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin lôi kéo người dân, nhất là thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy. Lợi dụng việc điều trị thay thế để sử dụng rồi lạm dụng thuốc giảm đau có chứa chất gây nghiện. Bên cạnh đó, hoạt động phòng ngừa giảm hại, phục hồi y tế, tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy ở nước Nga còn chưa được quan tâm đúng mức, chưa phát huy hiệu quả.

Chiến lược mới

Mới đây, Bộ Nội vụ Liên bang Nga đã công bố dự thảo chiến lược phòng chống ma túy được thực hiện từ nay đến năm 2030.

Trong dự thảo Chiến lược PCMT đến năm 2030 của Liên bang Nga sẽ tập trung thực hiện tổng thể các mục tiêu, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn vấn nạn mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép chất ma túy. Mục tiêu của dự thảo này là nhằm đảm bảo an ninh quốc gia trong việc kiểm soát buôn bán ma túy, bảo vệ cá nhân, cộng đồng và Nhà nước khỏi mối đe dọa của ma túy từ bên trong lẫn bên ngoài.

Chiến lược mới ở nước Nga sẽ tăng cường hoàn thiện các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động PCMT của các cơ quan nhà nước từ Liên bang đến các thực thể thành viên. Tăng cường hiệu quả kiểm soát ma túy trong lãnh thổ và qua biên giới. Hoàn thiện hệ thống đấu tranh chống tội phạm ma túy đi đôi với biện pháp chống rửa tiền, thu hồi nguồn tài sản có được do phạm tội, phá hủy cơ sở sản xuất, vận chuyển, phân phối trái phép ma túy.

Hình thành hệ thống toàn diện về PCMT, chú trọng cải thiện, nâng cao hiệu quả điều trị nghiện ma túy theo phác đồ thống nhất, cấm các hình thức điều trị bất hợp pháp. Tăng cường khả năng chẩn đoán, phòng ngừa, điều trị các bệnh truyền nhiễm cho người nghiện. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan nhà nước cấp liên bang và địa phương cũng như đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống và kiểm soát ma túy. Cải thiện hệ thống giám sát tình hình, đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, thí điểm các chính sách mới.

Các biện pháp được chính quyền Nga thực hiện nhằm tăng hiệu quả thực thi pháp luật bao gồm cải tiến biện pháp đấu tranh, ngăn chặn tội phạm ma túy, cũng như tội phạm sử dụng công nghệ cao. Thu giữ, sung nộp ngân sách nguồn tiền, tài sản bất hợp pháp có được từ ma túy, kiểm soát, phong tỏa tài khoản ngân hàng của đối tượng trước khi bị xét xử. Cải thiện hệ thống xác định giao dịch tài chính cung cấp cho tội phạm ma túy, điều chỉnh luật hình sự đối với tội danh rửa tiền. Chống quảng bá ma túy, tiền chất ma túy trên internet, xây dựng chiến lược truyền thông PCMT trong cả nước. Ngăn chặn hợp pháp hóa ma túy vào việc giải trí và lạm dụng thuốc giảm đau gây nghiện.

Cải thiện hệ thống kiểm soát người sử dụng ma túy để báo cáo các cơ sở y tế chuyên ngành. Phát hiện sớm những trường hợp sử dụng ma túy trong nhà trường để có biện pháp ngăn chặn kịp thời đi đôi với giáo dục đạo đức, kỹ năng phòng ngừa nguy cơ bị lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy cho thanh thiếu niên. Hình thành hệ thống thông tin chung cho dịch vụ điều trị nghiện ma túy và hệ thống giám sát nhà nước về tình hình sử dụng ma túy. Đẩy mạnh phối hợp giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức đoàn thể xã hội trong PCMT cũng như mở rộng hợp tác song phương, đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế trong việc truy quét, ngăn chặn từ xa nguồn ma túy xâm nhập vào Nga

Chiến lược mới sẽ sớm được thông qua trong năm nay và có hiệu lực thực thi từ năm 2021. Với các biện pháp được đưa ra, các nhà chức trách Nga hy vọng sẽ làm giảm số lượng đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, giảm số người nghiện ma túy cũng như giảm số ca tử vong do sử dụng ma túy bất hợp pháp.

Tập trung trên 3 mặt trận: Trường học, mạng xã hội và y tế

Trong 10 năm qua, lực lượng hành pháp ở xứ sở bạch dương đã phát hiện, bắt giữ hơn 2 triệu vụ phạm tội liên quan đến mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Số lượng ma túy thu giữ vượt quá 400 tấn. Theo Bộ Nội vụ Liên bang Nga, kinh phí dành cho các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh hàng năm vào khoảng 1 tỷ Rúp (tương đương gần 16 triệu USD).

Ước tính hiện ở Nga có 1,9 triệu người sử dụng ma túy và có khoảng 4.400 người chết mỗi năm vì ma túy. Con số này hiện tại có giảm nhưng không đáng kể. Do đó, chiến lược PCMT ở Nga trong 10 năm tới sẽ tập trung trên 3 mặt trận: Trường học, mạng xã hội và y tế.

Việc triển khai Chiến lược PCMT đến năm 2030 của Nga được kỳ vọng sẽ làm giảm được tình hình mua bán, sử dụng trái phép ma túy ở trong nước đặc biệt là ngăn chặn nguồn ma túy từ Afghanistan xâm nhập và ngăn chặn việc sản xuất ma túy tổng hợp ở trong nước.

Tuy nhiên, với việc Nga đẩy mạnh đấu tranh ngăn chặn, các đối tượng sẽ thay đổi tuyến vận chuyển ma túy đến nơi tiêu thụ bằng cách đi qua nước khác. Với vị trí địa lý thuận lợi, là giao điểm của nhiều tuyến đường biển, đường hàng không quốc tế, Việt Nam có thể là một trong những lựa chọn mới của các tổ chức tội phạm quốc tế để trung chuyển ma túy đến nước thứ ba tiêu thụ. Đây là thách thức đối với an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của nước ta.

Để thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cũng như ngăn chặn nguồn ma túy từ bên ngoài xâm nhập vào trong nước, Bộ Công an và các bộ, ngành trung ương cần tham khảo kinh nghiệm PCMT của Nga để đề xuất Chính phủ ban hành chủ trương, kế hoạch tổng thể trong nước.

Thực hiện hiệu quả các hiệp định song phương về PCMT, hiệp định dẫn độ tội phạm với Liên bang Nga và các nước liên quan theo hướng trao đổi các biện pháp phối hợp đấu tranh bắt giữ, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho lực lượng hành pháp, tiếp nhận viện trợ trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác đấu tranh, bắt giữ đối tượng có lệnh truy nã. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn hợp tác song phương, đa phương như ASOD, MOU, CND, INCB, UNODC… Hoàn thiện cơ sở pháp lý về công tác PCMT, đặc biệt là Luật PCMT năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2018 để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Top