Triển khai công tác xã hội trợ giúp người cai nghiện ma túy

30/03/2020 10:00

Cơ sở Cai nghiện ma túy số 6 (xã Tân Minh, Sóc Sơn, TP Hà Nội) có quy mô công suất cai nghiện phục hồi cho khoảng 1.000 người. Hiện nay, Cơ sở đang quản lý gần 600 học viên. Trong những năm qua, cán bộ, nhân viên Cơ sở không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động hướng tới nhu cầu người cai nghiện bằng tác phong phục vụ, dịch vụ tốt nhất trong đó có triển khai công tác xã hội vào hoạt động trợ giúp người đến cai nghiện.

Với chức năng chữa bệnh, cai nghiện, giáo dục phục hồi hành vi nhân cách; dạy nghề, lao động sản xuất; tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện; quản lý, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện ổn định tâm lý, sức khỏe; phòng, chống tái nghiện và điều trị thay thế bằng Methadone, lãnh đạo Cơ sở luôn xác định, công tác xã hội đối với người cai nghiện ma túy là nhiệm vụ quan trọng nhằm trợ giúp người cai nghiện thông qua các mô hình can thiệp từ cá nhân đến nhóm để họ nâng cao nghị lực, quyết tâm, tự tin quyết định các vấn đề của bản thân trong các giai đoạn của quy trình phục hồi và là tiền đề tái hòa nhập cộng đồng bền vững.

Trước đây, không ít người quan niệm, người nghiện ma túy là người bỏ đi, là tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, làm đảo lộn cuộc sống bình yên của gia đình, xã hội; họ thiếu ý chí vươn lên thoát khỏi ma túy làm lại cuộc đời và cần cách ly họ với cộng đồng xã hội. Còn bản thân người nghiện ma túy lại tin rằng “nghiện ma túy là nghiện mãi mãi, có cai nghiện nhiều lần cuối cùng vẫn nghiện - không bỏ được”. Những quan điểm đó đã làm cho những người nghiện không có động lực vươn lên trong cuộc sống mà ngày càng lún sâu, tuyệt vọng trong bế tắc, bất lực.

Cán bộ công tác xã hội tư vấn cho học viên

Hiện nay, chúng ta đã thay đổi căn bản nhận thức về người nghiện ma túy, coi nghiện ma tuý là một căn bệnh mãn tính của não bộ, và nnghiệnma túy hoàn toàn có thể chữa được. Điều trị nghiện ma túy là một quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi nhằm giảm tác hại của người nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép. Gia đình có trách nhiệm chính trong việc động viên, giáo dục, giám sát chặt chẽ thành viên trong gia đình không tham gia sử dụng ma túy hoặc nghiện lại ma túy.

Khi thay đổi suy nghĩ “con nghiện, thằng nghiện” thành người nghiện, người bệnh, là bệnh nhân thì chúng ta đã thay đổi hoàn toàn cách ứng xử với người nghiện. Từ đó, thay đổi cách nghĩ, cách tiếp cận, cách làm để trợ giúp người nghiện, dù họ như thế nào chăng nữa họ vẫn là con người và cần đối xử bằng tình cảm con người.

Khi tiếp cận người nghiện đến cai nghiện, cán bộ làm công tác tiếp nhận, khám sức khỏe (đã được đào tạo chuyên môn công tác xã hội) đầu vào ở Cơ sở cần vui vẻ, thân thiện, tạo niềm tin để dễ dàng tiếp cận, làm việc với người cai nghiện và thân nhân người cai nghiện đi cùng, đồng thời sử dụng các kỹ năng cơ bản trong công tác xã hội: lắng nghe, quan sát, phản hồi, đặt câu hỏi, giải đáp… nhằm khai thác và thu thập các thông tin nhân thân, mối quan hệ xã hội của người nghiện ma túy. Những thông tin cần thu thập như: tuổi tác, hoàn cảnh gia đình, nghề nghiệp, nguyên nhân nghiện, thời gian nghiện, các chất ma túy đã sử dụng, đang sử dụng và liều lượng sử dụng và đặc biệt nhận thức của họ về sử dụng ma túy, cai nghiện ma túy…

Căn cứ vào những thông tin thu được từ người đến cai nghiện, bác sỹ, nhân viên y tế hội chẩn đưa ra phác đồ điều trị cắt cơn, phục hồi sức khỏe. Giai đoạn này kéo dài 20 ngày, trong đó, gồm 2 phần chính là cắt cơn, giải độc và phục hồi sức khỏe thể chất tinh thần.

Sau 20 ngày cắt cơn, phục hồi sức khỏe, học viên được kiểm tra sức khỏe để về các đội quản lý tiếp tục quá trình học tập, rèn luyện, lao động trị liệu theo thời gian quy định từ 5 tháng đến 23 tháng. Khi về đội, họ được cán bộ tư vấn, phổ biến nội quy, các chế độ sinh hoạt trong ngày, các chế độ họ được hưởng, họ được miễn, giảm hoặc đóng góp… đồng thời, động viên họ để tạo động lực giúp họ vượt qua những khó khăn trong môi trường mới yên tâm tiếp tục cai nghiện.

Bên cạnh đó, các hoạt động giáo dục, gồm 36 môn cung cấp trau dồi, củng cố kiến thức về pháp luật, chăm sóc sức khỏe, giá trị sống, hòa nhập cộng đồng phòng chống tái nghiện. Các hoạt động giáo dục hành vi thông qua các buổi sinh hoạt đội, giao ban DAYTOP, sinh hoạt buồng tầng, tư vấn cá nhân, nhóm và hoạt động lao động trị liệu nhẹ nhàng 4 giờ/ngày, 5 ngày/tuần, các ngày thứ 7, chủ nhật, ngày lễ tết được tham gia luyện tập thể chất và thi đấu thể thao nâng cao sức khỏe. Ngoài ra, học viên được trực tiếp tham gia các buổi truyền thông, phổ biến kiến thức dưới hình thức thi tiểu phẩm, hái hoa dân chủ, trắc nghiệm kiến thức và tọa đàm….. Đặc biệt, trước khi hết hạn tái hòa nhập cộng đồng, tất cả các học viên được củng cố lại các kiến thức, kỹ năng phòng, chống tái nghiện; giới thiệu tham gia các Câu lạc bộ B93 tại địa phương; tiếp cận chính sách hỗ trợ vay vốn tạo việc làm đối với người sau cai nghiện.

Trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình điều trị cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 6, cán bộ làm công tác xã hội luôn chủ động giúp đỡ học viên, kịp thời động viên, tạo động lực để học viên đi đúng hướng và có thêm nghị lực, lòng quyết tâm thực hiện đầy đủ các hoạt động điều trị phục hồi.

Để làm được điều đó, ngoài những kiến thức, kỹ năng về công tác xã hội, cán bộ làm công tác xã hội cần trang bị, nâng cao kiến thức đa lĩnh vực về công tác cai nghiện; kết nối các nguồn lực của người nghiện, gia đình người nghiện, chính quyền địa phương, cộng đồng xã hội; huy động các tổ chức, đoàn thể cùng phối hợp giúp đỡ, tạo điều kiện để người nghiện có thêm “bước đệm” vươn lên tự từ bỏ ma túy, hòa nhập cộng đồng bền vững.
Top