Vĩnh Long: Điều trị thành công trên 94% bệnh nhân lao

25/03/2020 16:30

Khám phát hiện những người có triệu chứng nghi lao và kịp thời quản lý điều trị bệnh nhân lao đúng phác đồ là nhiệm vụ trọng tâm được chương trình phòng chống lao của tỉnh Vĩnh Long quan tâm thực hiện.

Điều trị cho bệnh nhân mắc lao trên địa bàn. Ảnh: TTKSBT Vĩnh Long

Với nhiều trang thiết bị hiện đại và kỹ thuật cao được triển khai tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, chỉ trong 2 giờ đồng hồ có thể phát hiện vi khuẩn lao, số lượng và lao kháng thuốc.

Theo số liệu thống kê, trong năm 2019, địa phương phát hiện số bệnh lao mới và tái phát là hơn 1.400 người, điều trị thành công trên 94%. Riêng Bệnh viện Lao và Bệnh phổi khám điều trị trên 31.000 lượt bệnh nhân, công suất giường bệnh đạt 92%.

Trước diễn biến rất phức tạp của đại dịch COVID-19 đang lan nhanh 195 quốc gia và vùng lãnh thổ, tính đến 24/3, Việt Nam ghi nhận 134 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong khi đó, ước tính Việt Nam có 174.000 người mắc lao mới, số người chết do lao ước tính là 11.000 người và có thêm 2.000 người chết vì lao/HIV.

Những người tử vong do lao chủ yếu do chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh lao có thể được ngăn ngừa bằng vaccine trong khi bệnh do COVID-19 vẫn chưa tìm được vaccine phòng ngừa. Chính vì vậy, năm nay Việt Nam lựa chọn chủ đề “Biến hiểm họa COVID-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030”. Qua đó, mọi người hãy tích cực thực hành các biện pháp phòng, chống bệnh lao như biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để chung tay chiến thắng bệnh lao vào năm 2030.

BS. Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Vĩnh Long cho biết: “COVID-19 thì phát hiện và cách ly là giải quyết được, còn lao thì phát hiện và điều trị là giải quyết được. Như vậy, bệnh lao và COVID-19 có cùng điểm chung là nếu giải quyết tốt được nguồn lây thì sẽ kiểm soát, chấm dứt được bệnh tật”.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Truyền, cơ chế lây bệnh lao nguy hiểm hơn COVID-19 vì “vi khuẩn lao có thể lây truyền theo đường không khí với các hạt mịn có kích thước dưới 5 micromet, lại có khả năng đối phó, thích nghi với các điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài. Những người bình thường chỉ cần hít phải một vài giọt bệnh phẩm nhỏ li ti trong không khí cũng có thể bị nhiễm bệnh. Trong khi đó, COVID-19 chỉ lây khi tiếp xúc với giọt bắn trực tiếp từ người bệnh hoặc bề mặt các đồ vật qua tay tiếp xúc trực tiếp rồi đưa lên miệng, mắt, mũi”.

Nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh lập chốt đón tiếp, sàng lọc ban đầu đối với người bệnh, người nhà bệnh nhân và tất cả khách đến làm việc tại Bệnh viện nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ (nếu có) để có các phương án ứng phó phù hợp.

Tại đây, người bệnh, người nhà và tất cả khách được nhân viên đón tiếp, xịt sát khuẩn tay và đo thân nhiệt. Sau đó, mọi người được dán sticker nhận diện “Đã kiểm tra sàng lọc và an toàn tại thời điểm kiểm tra”.

Mỗi ngày BV tiếp nhận trên 200 lượt bệnh đến khám ngoại trú, theo đó sẽ có 200 người nhà đi cùng; 100 bệnh nhân điều trị nội trú cùng người nhà nuôi bệnh; gần 100 nhân viên y tế. Như vậy, mỗi ngày có gần 600 lượt người tại Bệnh viện. Nếu không chốt chặn kiểm tra kịp thời, lỡ xuất hiện ca mắc COVID-19 thì Bệnh viện sẽ bị cách ly, khó trong việc điều trị cho người bệnh.

Thách thức trong phòng chống dịch COVID-19 đã trở thành cơ hội nâng cao nhận thức, rèn luyện thói quen bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng từ những hành động nhỏ như: đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên với xà bông, giữ gìn vệ sinh không gian sống, thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt tích cực, nâng cao ý thức phòng bệnh cho cộng đồng của mỗi cá nhân…

Khi ý thức của người bệnh và cộng đồng được nâng cao, các biện pháp phòng tránh lây nhiễm được thực hiện nghiêm túc, đó sẽ là tiền đề để phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hiệu quả bệnh lao.

Tuy lao là bệnh lây nhiễm nhưng bệnh lao hiện có thể chữa khỏi hoàn toàn. Để phát hiện các ca bệnh và điều trị kịp thời, phòng tránh lây lan ra cộng đồng, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cả cộng đồng để người bệnh không bị kỳ thị, mặc cảm, mà chủ động phát hiện bệnh, điều trị ngay khi có triệu chứng.

Trà My

Top