Những câu hỏi thường gặp khi xét nghiệm lao phổi

19/03/2020 15:16

Mọi người bất kể giàu nghèo, địa vị xã hội đều có thể mắc bệnh. Tuy nhiên nhóm người có rủi ro mắc bệnh cao là những người di cư, nhóm người có hệ miễn dịch kém, người già, tù nhân, người vô gia cư...

Ảnh Internet

Lao phổi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể lây lan giữa người với người qua đường hô hấp. Xét nghiệm lao phổi là cách nhanh nhất để phát hiện bệnh lao ở người. Sau đây là một số câu hỏi khi đi xét nghiệm lao phổi.

1. Lao phổi là gì?

Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis gây ra. Bệnh lao có thể xảy ra ở nhiều vị trí: lao hạch bạch huyết, lao phổi, lao màng não, lao xương khớp, lao tim,… trong đó 85% là lao phổi.

Bệnh lây qua đường hô hấp, từ người bệnh sang người khoẻ mà không có ổ dịch thiên nhiên hay vật chủ trung gian truyền bệnh. Khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện, khạc nhổ vô tình làm vi khuẩn lao theo dịch tiết và đi ra ngoài. Vi khuẩn lao dính vào các hạt bụi, các giọt nước nhỏ trong không khí. Người khỏe mạnh hít phải không khí nhiễm vi khuẩn sẽ mang mầm bệnh trong người.

Không phải ai nhiễm vi khuẩn lao đều phát triển thành bệnh. Vi khuẩn lao tồn tại trong cơ thể và trải qua thời kỳ ủ bệnh, phụ thuộc vào sức đề kháng của mỗi người mà có thể phát bệnh hoặc không, phát bệnh sớm hoặc muộn. Thông thường cứ 10 người nhiễm vi khuẩn thì chỉ có 1 người phát bệnh. Bệnh lao sau khi phát ra sẽ gây nên triệu chứng ở nhiều hệ cơ quan khác nhau.

2. Những triệu chứng của bệnh lao phổi?

Người mắc lao phổi có triệu chứng rất phức tạp và khó nhận biết. Nhiều trường hợp chỉ có biểu hiện khi đã bước sang giai đoạn nặng. Tuy nhiên, vẫn có một số gợi ý điển hình của người mắc bệnh lao phổi sau:

Ho kéo dài: Ho là biểu hiện của các bệnh viêm phế quản, viêm phổi. Tuy nhiên nếu ho kéo dài trên 3 tuần và không có dấu hiệu thuyên giảm khi đã sử dụng thuốc kháng sinh thì hãy nghĩ ngay đến trường hợp có thể bạn đang mắc lao phổi.

Ho có đờm, ho ra máu: Ho có đờm kéo dài và ho ra máu là triệu chứng của phần lớn bệnh nhân mắc lao phổi. Vì thế nếu bị ho ra máu thì không loại trừ rằng bạn đang mắc lao phổi.

Khó thở, đau tức ngực: Ho nhiều kèm theo hình thành các ổ lao tại phổi sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy khó thở và đau đớn.

Sốt nhẹ, ra nhiều mồ hôi trộm, thường xuyên ớn lạnh đặc biệt buổi chiều và tối. Mệt mỏi, sút cân, chán ăn.

Triệu chứng bệnh lao rất khó phát hiện, bạn cần đặc biệt lưu ý để phát hiện những triệu chứng bất thường và sớm gặp bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời.

3. Xét nghiệm lao phổi gồm những loại nào?

Xét nghiệm lao phổi là tập hợp các kỹ thuật hỗ trợ chẩn đoán bệnh lao phổi ở người. Xét nghiệm lao phổi có nhiều loại, bao gồm:

Nhuộm soi tiêu bản bằng phương pháp Ziehl - Neelsen:

· Mẫu bệnh phẩm là đờm của người bệnh.

· Phương pháp thực hiện trên nguyên lý phát hiện ra các vi khuẩn có tính kháng axit, bao gồm vi khuẩn lao.

· Phương pháp này dễ thực hiện, ngay cả trong điều kiện hạn chế về máy móc, thiết bị.

· Tuy nhiên, phương pháp này có thể cho kết quả dương tính giả khi mẫu bệnh phẩm chứa các vi khuẩn khác cũng có tính kháng axit, đồng thời phương pháp cần được lặp lại nhiều lần do độ nhạy thấp.

Phương pháp nuôi cấy:

· Vi khuẩn lao có thể nuôi cấy trên thạch đặc hoặc trong môi trường lỏng. Nếu sau khoảng thời gian cho phép mà vi khuẩn không mọc thì kết luận âm tính.

· Phương pháp này có thể kết hợp với làm kháng sinh đồ, định danh và phân lập được vi khuẩn lao.

· Nhược điểm của phương pháp là cần có thời gian dài trong khi bệnh nhân lại cần điều trị càng sớm càng tốt.

Chụp X - quang:

· Chụp X - quang có thể phát hiện được những ổ lao trong phổi: lao hang, lao hạt, lao kê, lao nốt…

· Phương pháp này có kết quả khá chính xác và thường được chỉ định trong khi chờ kết quả của các phương pháp khác.

Phản ứng Tuberculin:

· Đây là loại phản ứng miễn dịch, đánh giá tình trạng mẫn cảm của tế bào lympho với trực khuẩn lao.

· Thực hiện bằng cách tiêm tuberculin vào trong da, phản ứng dương tính nếu sau 48 - 72 giờ thấy da tăng mẫn cảm.

Các xét nghiệm lao phổi khác:

· Xét nghiệm sinh học phân tử chẩn đoán Lao: PCR Lao, MTBC/NTM Realtime PCR (xét nghiệm Lao điển hình và không điển hình), MTB TRC ready,.... phát hiện gene của vi khuẩn Lao/ không lao trong mẫu bệnh phẩm.

· Xét nghiệm QuantiFERON - TB định lượng interferon-g do tế bào lympho tiết ra.

· Xét nghiệm Xpert - MTB.

· Phản ứng ELISA.

· Xét nghiệm máu kiểm tra các chỉ số sinh lý, sinh hoá.

4. Những ai nên thực hiện xét nghiệm lao?

Ngoài những người có các triệu chứng của bệnh lao phổi thì những đối tượng sau cũng cần thực hiện xét nghiệm để chẩn đoán sớm bệnh lao: Người bị nhiễm HIV hay các bệnh gây suy giảm miễn dịch như bệnh gan, lách, tủy xương…; gười làm việc trong ngành y tế hoặc người nhà, thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân; người đi du lịch ở nhiều nơi, đặc biệt những nơi thường có nhiều dịch bệnh.

5. Có được hút thuốc trước khi đi xét nghiệm lao phổi không?

Trước khi xét nghiệm lao, bệnh nhân được khuyên là không nên hút thuốc vài ngày. Hút thuốc có thể làm thay đổi tính chất dịch đờm, khó khăn trong lấy mẫu bệnh phẩm.

Đồng thời, những người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh lao được khuyên nên bỏ thuốc lá vì hút thuốc lá sẽ làm cho bệnh nghiêm trọng hơn, đặc biệt là có thể dẫn đến ung thư phổi.

Ngoài ra, khi đi xét nghiệm lao thì bạn cần báo cho bác sĩ biết về tình trạng sử dụng thuốc hay dị ứng thuốc của bản thân để bác sĩ có thể kê đơn phù hợp sau khi có kết quả.

6. Có biểu hiện của bệnh lao là có thể lây truyền bệnh sang mọi người xung quanh?

Không phải ai bị bệnh lao cũng có thể lây truyền cho người khác, điều này phụ thuộc vào số lượng vi trùng ở người bệnh. Những bệnh nhân lao phổi mới có khả năng lây lan cho cộng đồng, lao ngoài phổi không có khả năng lây.

7. Có thể phòng bệnh lao không?

Chắc chắn chúng ta có thể “cấm cửa” vi khuẩn lao khi chúng “gõ cửa” cơ thể chúng ta. Hiện nay nước ta có chương trình tiêm chủng lao mở rộng với trẻ em dưới 5 tuổi. Đây là phương thức phòng bệnh lao hiệu quả nhất. Bên cạnh đó nhiệm vụ phòng tránh lao cũng là trách nhiệm của người bệnh , người chăm sóc bệnh nhân và toàn xã hội với những quy tắc ý tế nghiêm ngặt.

Để phòng chống bệnh lao, chúng ta nên thực hiện lối sống vệ sinh, bổ sung dinh dưỡng để có cơ thể khỏe mạnh, tạo sức đề kháng tốt không cho khuẩn lao có cơ hội phát triển.

8. Lao và HIV có mối liên quan không?

Thông thường lao và HIV là một cặp đồng hành. Tuy vậy, lưu ý về quá trình của nó, những người mắc lao sẽ không thể phát triển thành HIV/ AIDS, nhưng 50% bệnh nhân bị HIV/AIDS thì HIV bị mắc lao. Virus HIV tấn công phá huỷ lympho TCD4 dẫn đến cơ thể suy giảm hệ thống miễn dịch, tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn lao làm cho bệnh lao tăng tốc phát triển, rút ngắn thời gian chuyển từ nhiễm lao sang bệnh.

Người nhiễm HIV có nguy cơ bị bệnh lao gấp từ 10 đến 30 lần người không nhiễm và từ nhiễm lao chuyển thành bệnh lao là 10% cho 1 năm. HIV/ AIDS và lao là một quá trình tương tác qua lại khiến thời gian sống của những người mang virus HIV ngắn lại.

9. Lao có thể chữa khỏi hoàn toàn không? Có thể mắc lại bệnh lao sau khi chữa khỏi không?

Hiện nay, bệnh lao không còn được coi là một trong “tứ chứng nan y” nữa mà bệnh hoàn toàn có thể chữa trị được; điều này đã được chứng minh rõ bằng kết quả điều trị. Hàng năm, Việt Nam đã điều trị, chữa khỏi cho khoảng 90.000 bệnh nhân lao.

Tuy nhiên, bệnh lao khi đã được chữa khỏi thì vẫn có thể mắc trở lại. Người chữa khỏi bệnh lao có thể tái mắc bệnh thông qua việc lây nhiễm bệnh lại từ người khác vì không có miễn dịch chống lao vĩnh viễn hoặc vi khuẩn lao còn xót lại trong người bệnh. Chính vì vậy, bệnh lao sẽ quay trở lại bất cứ lúc nào trong cuộc sống, vòng đời mỗi con người.

10. Điều trị bệnh lao ở đâu và có được hưởng ưu tiên gì không?

Điều trị lao được thực hiện ở tất cả các bệnh viện đa khoa, bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện khu vực và bệnh viện tuyến trung ương. Người mắc bệnh lao hiện được chữa bệnh bằng những hỗ trợ của nhà nước như thuốc chữa lao miễn phí, xét nghiệm theo dõi miễn phí và được bảo hiểm y tế chi trả những khoản phí chữa bệnh. Bên cạnh đó, họ cần nhận thức được trách nhiệm của họ là phải chữa khỏi bệnh để không làm lây bệnh sang những người thân trong gia đình và cộng đồng.

Top