Lào phá bỏ nhiều diện tích cây thuốc phiện

28/02/2020 15:19

Mới đây, cơ quan chức năng tỉnh Luang Namtha vừa tiêu hủy 1,2 ha cây thuốc phiện đang phát triển tại địa bàn bản Suanya, huyện Luang Namtha.

Thiếu tá Oudomphone Xayachack, Phó Chánh Văn phòng Công an Luang Namtha cho biết, cảnh sát đã phá huỷ 1,2 ha cây thuốc phiện đang phát triển, cao khoảng 50-60 cm và đang ra hoa.

Người dân cũng được lực lượng chức năng tuyên truyền về sự nguy hiểm của ma túy và được khuyến khích trồng các loại cây thay thế hợp pháp khác.

Tỉnh LuangNamtha là địa phương nóng về hoạt động trồng cây thuốc phiện và chưa bao giờ lực lượng chức năng tuyên bố “làm sạch” tất cả diện tích thuốc phiện trên địa bàn do mật độ trồng rải rác và nằm tại các địa hình vùng núi phức tạp.

"Cơ quan an ninh đang phối hợp với chính quyền địa phương và người dân để tiếp tục kiểm tra", Thiếu tá Oudomphone cho biết.

Năm 2019, lực lượng chức năng tỉnh Luang Namtha đã phá hủy 17 ha cây thuốc phiện đang phát triển tại 8 bản thuộc địa bàn huyện Long đồng thời tổ chức giáo dục nhận thức cho 126 hộ gia đình về tác hại ma túy và vận động chuyển đổi sang mô hình canh tác khác.

Cũng trong năm ngoái, tỉnh Xiengkhoang cũng đã phá hủy diện tích 5ha cây anh túc tại huyện Kham và số cây này cũng đang phát triển ở giai đoạn ra hoa. Cơ quan chức năng cũng cho biết có ít nhất 7 huyện tại Xiengkhoang ghi nhận việc trồng cây anh túc, trong đó chủ yếu nằm tại huyện Kham, Phoukoud và huyện Khoun.

Theo báo cáo của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), năm 1998, gần 27.000 ha cây thuốc phiện được canh tác ở Lào. Con số này đã giảm xuống còn 1.500 ha vào năm 2006 nhưng lại tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo.

Phần lớn lượng thuốc phiện sản xuất tại Lào được tiêu thụ nội địa và khu vực trồng nhiều loại cây này nằm ở vùng biên giới hiểm trở phía Bắc giáp Trung Quốc, Myanmar và Việt Nam. Các tỉnh Phongsaly, LuangNamtha, Huaphanh và Luangprabang là những nơi mà cây anh túc được trồng nhiều nhất.

Lợi nhuận từ việc trồng và bán sản phẩm từ thuốc phiện là động lực chính của cộng đồng người dân Lào nghèo khó tại các tỉnh miền núi. Thất nghiệp, không có nguồn thu nhập ổn định và địa hình đất đai không thích hợp cho canh tác nông nghiệp càng làm cây thuốc phiện trở nên hấp dẫn hơn.

Top