Sự hy sinh thầm lặng của những chiến sỹ mặc áo blouse trắng

27/02/2020 13:11

Thiếu tá, bác sĩ Mai Quý Đa chia sẻ, công tác y tế trong trại giam không giống như môi trường bên ngoài. Ở đây, người thầy thuốc phải cùng lúc thực hiện hai chức trách, nhiệm vụ song song. Đó là chăm sóc sức khỏe cho phạm nhân, đồng thời là cán bộ của Trại nên phải giáo dục, cảm hóa bệnh nhân của mình. Họ phải là những người cứng rắn, bền bỉ, kiên cường, có tâm mới bám trụ lâu dài với nghề.

Trại giam Định Thành (Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, đóng trên địa bàn huyện Thoại Sơn, An Giang) có 7 cán bộ y tế (1 bác sĩ, 6 y sĩ). Hằng ngày các anh, chị phải đảm đương kiểm tra, thăm khám, chăm sóc sức khỏe cho trên 1.800 phạm nhân. Bên cạnh đó, họ còn thường xuyên túc trực kiểm tra sức khỏe mỗi khi phạm nhân ra vào trại, vất vả hơn khi công việc này thường diễn ra vào ban đêm.

 Thiếu tá, bác sĩ Mai Quý Đa kiểm tra sức khỏe cho phạm nhân tại Trại giam Định Thành.

Đại tá Huỳnh Trí Thương, Giám thị Trại giam Định Thành, cho biết: Tại đây có đủ các loại tội phạm. Kéo theo đó là nhiều chứng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như HIV/AIDS, lao, hen suyễn, suy kiệt… Khả năng phơi nhiễm trong quá trình khám, điều trị cho bệnh nhân đối với các cán bộ y tế là rất cao. Đặc biệt, tâm lý của phạm nhân có những diễn biến hết sức phức tạp, có trường hợp nảy sinh ý định tự tử, những lúc như thế này vai trò của cán bộ y tế hết sức quan trọng.

Anh, chị, em vừa chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, vừa nắm bắt tâm lý một cách kịp thời để có những lời khuyên hữu ích nhằm hỗ trợ phạm nhân chấp hành tốt nội quy của Trại. Vì vậy, nhiều lúc các y, bác sĩ phải làm việc vượt quá khả năng của mình để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ.

Tính đến tháng 2/2020, Thiếu tá, bác sĩ Mai Quý Đa, Đội trưởng Đội Y tế, môi trường Trại giam Định Thành có 22 năm gắn bó với công tác y tế trại giam. Theo bác sĩ Đa, nhiều phạm nhân trong Trại mắc bệnh lao. Bệnh này có thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng bệnh nhân phải thực hiện điều trị theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc. Kể cả khi bệnh đã thuyên giảm, bệnh nhân thấy người khỏe hơn, ăn uống ngon miệng hơn và tăng cân, đó là biểu hiện tốt, nhưng bệnh chưa khỏi, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục điều trị hết công thức. Nếu bệnh nhân bỏ dở điều trị thì bệnh không khỏi, nhanh tái phát trở lại và đặc biệt nguy hiểm là vi khuẩn lao trở nên kháng lại các thuốc chống lao và việc điều trị về sau này sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Trên lý thuyết là thế nhưng thực tế, các phạm nhân mắc lao thường đã điều trị ở ngoài, nhưng vì đa số họ ít quan tâm đến sức khoẻ nên khi hết triệu chứng là bỏ dở liệu trình. Chính vì vậy, sau khi phạm tội, bị bắt và phải thi hành án thì quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn. Thêm nữa do bệnh nhân tái phát bệnh nhiều lần, mạn tính rất ngại hợp tác điều trị. Trong khi quá trình điều trị kéo dài, rất vất vả phức tạp.

“Đặc biệt, nhiều phạm nhân vừa mắc lao vừa nhiễm HIV nên rất bi quan, không muốn hợp tác với cán bộ y tế. Chính vì vậy, ngoài phải điều trị bệnh cho phạm nhân, chúng tôi còn phải động viên, giải thích cho họ về tác dụng của thuốc và phương pháp điều trị mới sẽ có hiệu quả rõ rệt, khỏi hoàn toàn bệnh nếu bệnh nhân hợp tác điều trị theo đúng phác đồ”, bác sĩ Đa chia sẻ.

Cũng theo Thiếu tá, bác sĩ Mai Quý Đa, công tác y tế trong trại giam không giống như môi trường bên ngoài. Ở đây, người thầy thuốc vừa phải cùng lúc thực hiện hai chức trách, nhiệm vụ song song. Đó là chăm sóc sức khỏe cho phạm nhân, đồng thời là cán bộ của Trại nên phải giáo dục, cảm hóa bệnh nhân của mình. Phải là những người cứng rắn, bền bỉ, kiên cường, có tâm mới bám trụ lâu dài với nghề.

Phạm nhân Nguyễn Đình Hiển (SN 1983 quê ở TPHCM) bị nhiễm lao, HIV/AIDS và đang chấp hành án hơn 16 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy, xúc động nói: “Những cử chỉ, lời nói gần gũi, chân thành của cán bộ y tế đã giúp chúng tôi vơi bớt mặc cảm về bản thân, chịu khó điều trị để sức khỏe ngày càng tốt hơn”.

Hiển cho biết mình nhiễm lao, HIV/AIDS trước khi nhập trại. Hiển bị khủng hoảng tinh thần, sức khỏe yếu dần… Nhờ được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV), đặc biệt là sự chăm sóc tận tình của cán bộ y tế của Trại nên sức khỏe của Hiển dần hồi phục, tinh thần lạc quan trở lại.

Còn phạm nhân Nguyễn Văn Hiệp Em (SN 1991, quê An Giang, thụ án 7 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy), bị bệnh lao, hen suyễn. Mỗi lần Em bệnh, bất kể ngày đêm, cán bộ y tế đều ở bên cạnh chăm sóc cho đến khi bình phục. Có lần, 1h sáng Em gần như không thở được, người tím tái. Nhân viên y tế trong trại đã cấp cứu kịp thời, chăm sóc Em suốt trong thời gian chữa trị.

“Tôi giữ được sinh mạng, sức khỏe tốt như hôm nay cũng là nhờ các cán bộ y tế của Trại. Ơn này tôi ghi tạc trong lòng. Tôi luôn hứa sẽ cải tạo thật tốt, cố gắng trở lại làm người lương thiện để không phụ lòng của các cán bộ đã quan tâm, giúp đỡ thời gian qua”, phạm nhân Em tâm sự.

Công tác tại Trại giam Định Thành được 18 năm, Đại úy, y sĩ Nguyễn Thanh Tuấn cảm nhận nỗi vất vả của nghề nghiệp đặc thù này, nhất là nhiều ngày trong tuần anh cũng như đồng đội khác phải trực 24/24h. “Công việc này thường xuyên trực đêm, phải xuống tận buồng giam để thăm khám cho phạm nhân. Thời gian đầu tôi thấy mất ngủ mỗi khi xuống buồng giam vào ban đêm, nhất là khi phạm nhân không chịu hợp tác, chống đối gây khó dễ, nhưng sau đó quen dần”.

Hầu như các anh, chị y, bác sĩ trong Trại không có ngày nghỉ lễ, Tết. Số ngày nghỉ trong năm của họ đếm trên đầu ngón tay. Thời gian dành cho gia đình, chăm sóc con cái cũng thật hiếm hoi. Tất cả đều phải dồn tâm sức vào công việc tại trại.

Trung tá Dương Văn Long, Phó Giám thị Trại giam Định Thành, chia sẻ: “Số phạm nhân mắc HIV/AIDS giai đoạn cuối không phải là ít và trong số đó nhiều trường hợp bị gia đình bỏ rơi. Những trường hợp phạm nhân như thế, cán bộ y tế vừa phải chăm sóc sức khỏe, vừa an ủi, động viên tinh thần. Nhờ những “liều thuốc tinh thần” ấy đã giúp sưởi ấm biết bao mảnh đời lầm lỗi, giúp họ có thêm nghị lực vượt qua mặc cảm, bệnh tật để kéo dài sự sống”.
Top