Người thầy với nguyện ước trở thành bác sĩ để cứu người

27/02/2020 10:00

Từ bỏ con đường lập nghiệp đang rộng mở, từ bỏ rất nhiều cơ hội làm giàu để rẽ ngang làm khoa học, nhiều người đã từng nghĩ ông đã rẽ sai đường. Nhưng vượt lên tất cả, ông đã khẳng định mình ở một lĩnh vực chông gai mà không phải ai cũng dám dấn thân vào.

 TS.BS Nguyễn Phú Kiều, Viện trưởng Viện Nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo. Ảnh: Thùy Chi

Đã từng là giáo viên đứng trên bục giảng, nhưng với niềm đam mê và nguyện ước trở thành bác sĩ để cứu người, TS.BS Nguyễn Phú Kiều, Viện trưởng Viện Nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo đã xin nghỉ dạy để thi vào Trường Đại học Y Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học y năm 1985, ông được phân công về làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Tới năm 1991 ông được Bộ Y tế cho đi nghiên cứu sinh về kinh tế trong y tế. Từ đó ông đã gắn bó chặt chẽ với ngành y dược cho đến tận bây giờ.

“Ông ba trong một”

Là người sáng lập mô hình khoa học công nghệ khép kín, vừa làm công tác nghiên cứu, ứng dụng cũng đồng thời là nhà quản lý, TS.BS Nguyễn Phú Kiều đã từng bắt buộc mình phải sắp xếp thời gian làm việc rất khoa học, hợp lý. Bằng niềm đam mê với nghề, ông đã miệt mài nghiên cứu với quyết tâm sẽ đưa được nghiên cứu áp dụng vào đời sống. Bởi lẽ, ông quan niệm rằng, nếu nghiên cứu ra mà không được ứng dụng vào thực tế thì đó là điều rất lãng phí. “Làm khoa học, như thế mới chỉ là nửa đường... Mô hình khép kín đi từ Viện nghiên cứu đến sản xuất (Công ty) và đến ứng dụng kết quả nghiên cứu (bệnh viện) có thể chưa phải là tối ưu nhưng đã khắc phục được rất nhiều nhược điểm của các mô hình rời rạc hiện tại. Nhất là vấn đề đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, phục vụ cộng đồng”, ông Kiều nói.

Mọi người gọi TS.BS Nguyễn Phú Kiều là “ông ba trong một” vì trước đây, ngoài thời gian nghiên cứu ở viện ông vẫn thường xuyên xuống trực tiếp mổ u não bằng Gamma cho bệnh nhân, đồng thời vẫn làm công tác quản lý Công ty TNHH dược phẩm Quế Lâm, một doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (trực thuộc viện).

Chia sẻ về lý do đã đưa ra sự lựa chọn của mình trên con đường trở thành bác sĩ, nghiên cứu khoa học, TS.BS Nguyễn Phú Kiều cho biết, thời kỳ mở cửa, nhiều nguời rẽ ngang khỏi cơ quan nhà nuớc để lập công ty kinh doanh thu lãi lớn, còn ông mang hết vốn liếng để thành lập một cơ quan nghiên cứu khoa học phi chính phủ.

“Vì thế nhiều người nói ra nói vào, nào là điên khùng, là hâm, là ngang bướng… Nhưng đã đam mê là không dừng lại được. Thực ra, từ những lần đi khảo sát và nghiên cứu về các loại thảo dược ở Việt Nam, phục vụ cho luận án tiến sỹ, mình thấy nguồn dược liệu của nuớc ta đa dạng, phong phú như thế mà chưa được nghiên cứu, khai thác hợp lý, đúng mức. Ý tưởng sẽ thành lập một cơ quan nghiên cứu khoa học phi chính phủ để thực hiện những công trình khoa học về dược liệu quý hiếm của nước nhà cũng bắt đầu từ đó. Ý tưởng đó là điều ít ai dám nghĩ đến và dám làm lúc bấy giờ. Vì thế, anh em lúc đó, nhiều người cũng khuyên ngăn rằng làm “khoa học nhà nước” còn chưa đâu vào đâu huống chi làm “khoa học phi chính phủ”. Nhưng mình nghĩ nếu ai cũng chọn con đường dễ thì không ai có thể đóng góp cho đời những công trình khoa học đáng giá. Vậy là mình vẫn quyết lao vào làm”, ông Kiều cho hay.

Khi bắt đầu thành lập Viện Nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo TS. BS. Nguyễn Phú Kiều đã gặp rất nhiều khó khăn. Buổi đầu thành lập, nhân lực còn mỏng, Viện lúc đầu có tên Trung tâm Nghiên cứu và phát triển dược liệu lúc đó chỉ vỏn vẹn có 7 GS, PGS, TS; 3 BS và 15 nhân viên. Trụ sở cũng chưa có, phải đi thuê, di chuyển nhiều lần, với nhiều địa điểm tạm bợ khác nhau, khi thì trong một căn hộ tập thể thuê ở khu Giáp Bát, khi thì trong khuôn viên của Trường Công nghiệp kỹ thuật Hà Nội, rồi lại thuê một căn hộ tại Khu tập thể Nghĩa Tân, sau đó chuyển sang một nhà thuê ở phố Phan Kế Bính.

Năm 2001, Trung tâm được đổi tên thành Viện Nghiên cứu và ứng dụng dược liệu điều trị các bệnh hiểm nghèo (được Bộ KH&CN cấp phép hoạt động). Lần thứ 5, Viện phải di chuyển trụ sở tới Trung tâm Khí tượng thuỷ văn (phố Pháo đài Láng). Chưa có phòng thí nghiệm, Viện đã phải phối kết hợp với Bộ môn Dược lý của Trường Đại học Dược Hà Nội để thực hiện các nghiên cứu dược lý. Mãi đến năm 2006, mới đổi tên là Viện Nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo như bây giờ. Với bộn bề khó khăn, phải hy sinh nhiều lợi ích vật chất của bản thân nhưng tập thể cán bộ, nhân viên của Viện bằng cái tâm trong sáng và ý chí, quyết tâm, đã có nhiều cống hiến cho mục đích khoa học.

Đặt cộng đồng làm mục đích trung tâm

Cai nghiện ma túy là vấn đề nan giải của nhiều quốc gia, chính vì vậy, ngay từ đầu, TS. BS Nguyễn Phú Kiều đã xác định phải làm được nhiều hơn mục tiêu nghiên cứu và khai thác, phát triển nguồn dược liệu ở trong nước. Do đó, ông đã tập trung vào các hướng nghiên cứu, bào chế thuốc từ nguồn dược liệu phong phú, đa dạng và quý hiếm để điều trị các bệnh hiểm nghèo, mà chủ yếu là: Nghiện ma tuý, HIV/AIDS, ung thư. Đây cũng chính là những vấn đề nan giải mà các nhà khoa học trên thế giới đang tập trung nghiên cứu. Vì thế, Viện đã tập hợp được đội ngũ đông đảo các thầy thuốc, nhà dược học đầu ngành trong cả nước: GS - Nhà giáo nhân dân Vũ Văn Chuyên, GS - Thầy thuốc nhân dân Lê Đức Hinh, PGS Phạm Kim Mãn, PGS Nguyễn Quang Bài, PGS Nguyễn Kim Cẩn, GS Trần Văn Chất. Chỉ trong một thời gian không dài, được sự giúp đỡ có hiệu quả của Bộ Khoa học và công nghệ, Viện đã cho ra đời một số sản phẩm gây được tiếng vang lớn.

Điển hình, Viện đã chủ trì 2 đề tài độc lập cấp nhà nước (đề tài Nghiên cứu sản xuất thuốc Cedemex và đề tài Nghiên cứu, sản xuất thuốc hỗ trợ điều trị HIV/AIDS - Vegakiss từ thảo dược), 1 đề tài hợp tác quốc tế theo Nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc (Nghiên cứu cơ chế và bào chế tinh thuốc Cedemex), 1 dự án sản xuất thử nghiệm cấp nhà nước về sản xuất thuốc Cedemex để cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước. Ngoài ra, Viện còn nghiên cứu, hoàn thiện và sản xuất một số thuốc điều trị các khối u lành và ác tính (Kacimex), điều trị viêm và xơ gan, tiểu đường... từ thảo dược Việt Nam.

Mặc dù đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình nghiên cứu, nhưng với sự tâm huyết của mình ông đã vượt qua được những khó khăn đó. Điều quan trọng là ông đã đặt cộng đồng làm trung tâm, là đích mà ông hướng tới, để giúp cộng đồng sống khỏe mạnh. “Làm khoa học, trước tiên là hướng tới cộng đồng, phục vụ cộng đồng. Làm thuốc phải xuất phát từ cái tâm, y đức không có chỗ cho lợi nhuận. Nếu tính toán quá, sẽ chẳng ai nghiên cứu được gì”, ông Kiều cho hay.

Thành tựu mà TS. BS Nguyễn Phú Kiều đã gặt hái được sau 20 năm công sức nghiên cứu, đó là cuối tháng 12/2015, Bộ Y tế đã có quyết định cho phép sử dụng thuốc Cedemex trong hỗ trợ điều trị ma túy nhóm Opiates tại cộng đồng. Đây là đề tài cấp Nhà nước và hợp tác quốc tế, là loại thuốc đầu tiên từ thảo dược ở Việt Nam điều trị nghiện được nghiên cứu theo y học hiện đại chứng minh cơ chế tác dụng ở mức độ cơ quan, tế bào, phân tử, gen và được đánh giá trên lâm sàng tại cộng đồng.

Công trình nghiên cứu và thử nghiệm thuốc Cedemex được bắt đầu thực hiện từ năm 1995. Năm 2003, đã được Hội đồng Khoa học Nhà nước nghiệm thu kết luận, thuốc Cedemex sử dụng an toàn, không độc, không gây nghiện có hiệu quả làm bình ổn các triệu chứng của hội chứng cai nghiện là thèm đói ma túy và dị cảm (dòi bò). Sau đó, thuốc Cedemex được Bộ Y tế cho phép đưa vào ứng dụng rộng tại các trung tâm cải tạo lao động xã hội ở một số tỉnh, thành nhằm điều trị hội chứng cai nghiện.

TS. BS Nguyễn Phú Kiều cho biết, thuốc hỗ trợ điều trị nghiện ma túy Cedemex giúp cắt cơn êm dịu, tâm trạng thoải mái, tác dụng bình ổn tối đa các triệu chứng của hội chứng cai, đặc biệt là dị cảm và thèm đói ma túy. Sau đó, người bệnh sẽ được điều trị duy trì kéo dài cùng với điều trị phục hồi các triệu chứng rối loạn chức năng khác và loại bỏ nguyên nhân nghiện tâm lý.

Bằng phác đồ này sẽ đưa người bệnh trở về cộng đồng hoàn toàn bình thường về tâm sinh bệnh lý. Đây là điểm khác biệt so với loại thuốc khác đang lưu hành tại Việt Nam và trên thế giới, vì Cedemex ngoài cắt cơn êm dịu, tính an toàn cao, không gây nghiện. Cedemex còn giải quyết được sự lệ thuộc sinh học và tâm lý vào chất ma túy cho những bệnh nhân nghiện ma túy.

Triển khai rộng rãi mô hình “Nghiên cứu triển khai, đánh giá hiệu quả của thuốc Cedemex trong hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng”. Thuốc được nhiều chuyên gia đánh giá là “khắc tinh” của căn bệnh nghiện ma tuý, đồng thời làm thay đổi quan điểm, nghiện ma túy không phải là căn bệnh vô phương cứu chữa. Người bệnh khi được điều trị bằng thuốc Cedemex không còn cảm giác thèm ma túy khi nhìn thấy bạn cũ sử dụng, tự chủ không bị lôi kéo, không còn nhớ cảm giác thèm ma túy trước đây. Đặc biệt, Cedemex còn có tác dụng với cả bệnh nhân có sử dụng ma túy tổng hợp. Người bệnh đã trở về làm chủ cuộc sống, tích cực lao động phát triển kinh tế.

Theo đó, “hữu xạ tự nhiên hương”, mô hình cai nghiện bằng thuốc Cedemex tại cộng đồng dần gây tiếng vang và được nhiều tỉnh, thành như Hưng Yên, Kiên Giang, Thái Nguyên, Lai Châu, Bạc Liêu, Đồng Nai… học hỏi xây dựng mô hình. Đặc biệt, tại tỉnh Thái Nguyên đạt tỷ lệ 29,5% bệnh nhân không tái nghiện sau 30 tháng, còn tại Lai Châu là 37,8%... Từ những thành công ban đầu nói trên, Cedemex đã có tác dụng làm thay đổi nhận thức trong cộng đồng là nghiện ma túy có thể chữa được. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong khi thế giới chưa tìm ra được thuốc để điều trị căn bệnh này, chỉ dùng điều trị cái nghiện bằng thuốc thay thế Methadone.

Đánh giá về đề tài nghiên cứu điều trị Cedemex của TS. BS. Nguyễn Phú Kiều, PGS.TS Trần Hữu Bình,  nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai - Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần Đại học Y Hà Nội nhận xét, khả năng chống tái nghiện của thuốc Cedemex, hiện nay chưa loại thuốc nào đạt được hoặc vượt trội. Cedemex đã giải quyết được tình trạng nghiện ma túy, nghĩa là làm mất tình trạng lệ thuộc sinh học và lệ thuộc tâm lý của người nghiện vào chất ma túy.

PGS.TS Trần Hữu Bình nhận định, từ thành công của thuốc cai nghiện Cedemex, cho thấy nghiện ma túy có thể điều trị thành công khi có sự hợp nhất giữa thuốc Cedemex và người nghiện, sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội. Ông Bình cho rằng, thuốc cai nghiện Cedemex vẽ ra bức tranh của cuộc chiến chống ma túy tại Việt Nam đầy triển vọng và sẽ thành công trong tương lai không xa và nghiện ma túy không phải là vô phương cứu chữa.

TS. BS Nguyễn Phú Kiều cho biết, thời gian qua điều trị cai nghiện bằng Cedemex đã mang lại những hiệu quả rất tích cực, với những kết quả đã đạt được, thương hiệu thuốc Cedemex đã vinh dự đoạt top 10 thương hiệu nổi tiếng hàng đầu năm 2019. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất hiện nay đó là vấn đề kinh phí, mặc dù hiện có rất nhiều tỉnh rất muốn tham gia nhưng hạn chế về kinh phí, nguồn lực khiến việc này khó thực hiện.

Trước mắt, tin vui cho những gia đình người bệnh muốn điều trị tại Quảng Ninh là Cedemex đã được phê duyệt đưa vào điều trị thí điểm trên địa bàn tỉnh từ tháng 8/2019. Xét hiệu quả của việc điều trị Cedemex trong cộng đồng, tháng 7/2019, Chính phủ đã có văn bản ý kiến về việc ứng dụng điều trị thuốc Cedemex cho người nghiện ma túy, theo đó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Y tế xây dựng, phê duyệt Đề án và tổ chức thực hiện phù hợp với khả năng ngân sách và các quy định hiện hành.

TS. BS. Nguyễn Phú Kiều cho biết, Viện đang gấp rút thực hiện công việc này với hy vọng được phê duyệt để có thể triển khai mở rộng điều trị Cedemex tại một số tỉnh thành trên toàn quốc bằng ngân sách nhà nước vào năm 2020. Đề án xây dựng dự kiến sẽ điều trị cai nghiện cho 5.000 bệnh nhân trên 10 tỉnh trong giai đoạn 2020-2025. Sau đó, sẽ tổng kết để đưa ra phác đồ cụ thể với mong muốn tiếp tục được nhân rộng trên toàn quốc.

Riêng đối với Viện Nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo, Viện cố gắng phối hợp với đề án của Bộ Y tế mở ra 20 văn phòng đại diện ở 20 tỉnh để giúp đỡ những người nghiện có nhu cầu điều trị tại nhà bằng ngân sách của chính họ. TS. BS Nguyễn Phú Kiều cho biết, đây chính là bài toán giúp giảm thiểu khó khăn về nguồn ngân sách cho nhà nước. “Có rất nhiều bệnh nhân muốn điều trị nhưng vì họ ở rất xa nên gặp nhiều khó khăn trong việc điều trị, chính vì vậy nếu được mở rộng mô hình điều trị tại các vùng sâu vùng xa sẽ giúp cho những người nghiện được tiếp cận điều trị, cải thiện sức khỏe và tái hòa nhập cộng đồng”, ông Kiều nói.
Top