Bác sỹ ma túy và ‘trái tim trên tường’

26/02/2020 16:00

Không chỉ là chuyên gia phân tích về các chất gây nghiện và phản biện chính sách y tế, bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển (sinh nhăm 1962), Trưởng khoa T3 Bệnh viện Tâm thần TPHCM còn là người sáng lập Chi hội từ thiện Trái tim trên tường (thuộc Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM), tổ chức đêm nhạc Blouse Trắng quyên góp quỹ từ thiện.

 

Bác sỹ Huỳnh Thanh Hiển tại đêm nhạc Blouse Trắng. Ảnh Nhân vật cung cấp

Với công tác phòng chống ma túy, bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển là người có thâm niên trên 20 năm. Tốt nghiệp bác sỹ đa khoa, ông được phân về Bệnh viện Tâm thần TPHCM.  Năm 1993, ông được cử đi học một khóa về ma túy tại TPHCM, rồi tiếp tục tu nghiệp tại Thái Lan và Ý về ma túy và điều trị nghiện.

Giai đoạn năm 2008-2009, ngành y tế tham gia vào việc điều trị nghiện, bác sỹ Hiển được phân công giảng dạy cho bác sỹ các bệnh viện phía Nam và sinh viên y của TPHCM về vấn đề này. Ông cũng tham gia điều trị trực tiếp nhiều trường hợp nghiện ma túy dẫn đến loạn thần (nay thường gọi là ngáo đá).

Đặc biệt trong chiến dịch đầu tiên làm sạch địa bàn TPHCM vào năm 2014, ông là trưởng nhóm bác sỹ được phân công đến Trung tâm cai nghiện Nhị Xuân để giám định tình trạng nghiện. Hiện ông cũng vẫn thực hiện nhiệm vụ này tại Trung tâm.

Bác sỹ Hiển cho biết, ông là một trong những người đầu tiên tiếp cận với ma túy ‘tem giấy’, ‘nấm thần’ tại Việt Nam. Đến bây giờ, ông hiểu rõ từng chất gây nghiện, triệu chứng trên người sử dụng, tiếng lóng của dân chơi ma túy, giá cả của từng loại ma túy. Thậm chí cả những loại ma túy mới xuất hiện trên thế giới, chưa xuất hiện ở Việt Nam cũng đều được ông quan tâm tìm hiểu. Không chỉ trả lời báo chí về ma túy mà ông còn là báo cáo viên cho các bệnh viện, trường học về tác hại của ma túy và cách nhận biết, hỗ trợ các bác sĩ cấp cứu về trường hợp bệnh nhân là sử dụng ma túy nhập viện.

Được tín nhiệm nên khi có ca nào mới, đặc biệt, ‘lạ lạ’, các đồng nghiệp lại ‘gửi’ đến cho ông. Một số bệnh viên tại TPHCM khi gặp những trường hợp khó có liên quan đến ma túy đều mời ông đến hội chẩn.

Theo bác sỹ Hiển,  hiện nay tình hình sử dụng ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp rất phức tạp, 20 năm trước 1 viên thuốc lắc trị giá 1 chỉ vàng thì nay 1 viên chỉ có 120 nghìn đồng. Ma túy càng rẻ càng nguy hiểm, càng nhiều người có thể dễ dàng tiếp cận.

Bác sỹ Hiển cho biết, khoa T3 tại bệnh viện Tâm thần TPHCM có sức chứa 30 giường bệnh, mỗi tuần thường tiếp nhận 10-15 trường hợp loạn thần do sử dụng ma túy. Tuy nhiên, bác sỹ rất ngạc nhiên có khi những gia đình con sử dụng ma túy mấy năm mà không hề biết. Có gia đình 3, 4 năm thậm chí 7 năm mới phát hiện con sử dụng ma túy, khi đến bệnh viện đã bị loạn thần nặng. Điều này một phần vì thiếu quan tâm một phần thiếu kinh nghiệm nhận biết. Bác sỹ Hiển nhắn nhủ, các gia đình cần quan sát nếu con có 2 điều bất minh là: tài chính bất minh, thời gian bất minh cộng thêm nhịp sinh học thay đổi thì nên đưa con đến khám vì càng phát hiện sớm thì điều trị càng dễ.

Trái tim trên tường

Năm 2016, bác sỹ Huỳnh Thanh Hiển cùng các đồng nghiệp thành lập câu lạc bộ từ thiện ‘Đêm nhạc Blouse trắng’ để quyên góp kinh phí giúp cho những bệnh nhân nghèo. Câu lạc bộ này có 4 gói hỗ trợ căn bản với tên gọi: Bữa ăn trên tường, Bảo hiểm trên tường, Viện phí trên tường và Những hỗ trợ trên tường đặc biệt khác. Đến nay, sau hơn 3 năm hoạt động,  câu lạc bộ giờ là Chi hội từ thiện Trái tim trên tường thuộc Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM, quyên góp được hàng tỷ đồng để giúp bệnh nhân nghèo và sinh viên trường y có hoàn cảnh khó khăn.

‘Trái tim trên tường’ với hoạt động chính là gom tiền ủng hộ của các nhà hảo tâm từ các đêm nhạc Blouse trắng được tổ chức mỗi thứ bảy hàng tuần ở một quán café. Người biểu diễn thường là người của ngành y như bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, điều dưỡng…

Mới đây nhất, dịp Tết Nguyên đán 2020, Trái tim trên tường đã quên góp được 100 suất quà trị giá 1 triệu đồng/suất tặng các bệnh nhân nghèo tại TPHCM.

Việc thành lập ‘Trái tim trên tường’ xuất phát từ câu chuyện ly cà phê trên tường tại một quán cà phê ở Venice (Ý). Những vị khách đến đây đã gọi cho mình 1 ly cà phê và không quên gọi thêm một ly ‘trên tường’. Người phục vụ sẽ dán lên tường một tờ giấy như là ly cà phê ảo. Người khách uống phần của mình và trả tiền cho ly càphê tượng trưng. Sau đó, những người nghèo có thể vào quán và lấy một tờ giấy trên tường, yêu cầu quán phục vụ cà phê cho mình mà không phải trả tiền.

“Tôi thích ly cà phê trên tường và biến nó thành Bữa an Trên Tường và bây giờ là Trái Tim Trên Tường’, bác sỹ Hiển chia sẻ.

 

Top