Đức: Cuộc sống 'cách địa ngục một bước' của đàn ông tị nạn phải bán dâm trong công viên

24/02/2020 10:32

Nhiếp ảnh gia người Ai Cập Heba Khamis đã mất nhiều thời gian và công sức để tiếp cận nhóm đàn ông tị nạn trẻ tuổi hành nghề mại dâm ở công viên Tiergarten, Berlin - Đức.

Anh Roman mỗi tháng nhận viện trợ xã hội khoảng 260 USD. Sau khi trang trải chi phí, Roman chỉ còn vỏn vẹn hơn 40 USD và đó là lúc anh phải "bán thân" để kiếm thêm tiền

Công viên Tiergarten nằm ở thủ đô Berlin (Đức) vốn nổi tiếng với khung cảnh rừng rậm rạp, hồ chèo thuyền thơ mộng và là nơi lý tưởng để các gia đình dã ngoại cuối tuần. Song, ẩn sâu trong rừng là trại tị nạn của những người đàn ông đến từ Afghanistan và Iran. Để duy trì cuộc sống bất hợp pháp nơi đất khách quê người, họ buộc phải hành nghề bán dâm. Hầu hết những thanh niên tị nạn đều thuộc nhóm dân tộc thiểu số Hazaras ở Afghanistan, nhỏ nhất 15 tuổi và lớn nhất 32 tuổi.

“Một khi bạn ở trong công viên, bạn chỉ cách địa ngục một bước. Nhưng tôi vẫn phải kiếm tiền”, Ahmed, một thanh niên đã bán dâm suốt 3 năm tại đây, nói. Phần lớn các chàng trai đều không có lựa chọn nào khác và họ cảm thấy ô nhục, xấu hổ với chính mình. Nhiều người bị trầm cảm đến mức tự làm tổn thương cơ thể.

Đức hợp pháp hóa mại dâm vào năm 2002. Đến năm 2017, nước này thông qua luật yêu cầu người hành nghề mại dâm phải đăng ký với chính quyền địa phương để ngăn chặn nạn buôn người và bóc lột lao động. Thế những, nhóm thanh niên tị nạn Afghanistan và Iran mà Khamis tìm hiểu không thuộc dạng được hỗ trợ vì không có giấy tờ tùy thân. Họ bị cấm làm công việc hợp pháp cũng như học hành.

“Những vết bỏng thuốc lá trên lưng đều do chính họ tự gây ra. Ai cũng muốn ra khỏi công viên”, nhiếp ảnh gia Khamis cho hay. Ngoài ra, ma túy cũng hủy hoại cuộc đời nhiều chàng trai. Khamis gọi những chàng trai bị buộc phải đi bán dâm là “chim đen”. “Họ sống cả cuộc đời không có giấy tờ, không tìm được nơi nào chấp nhận”, nữ nhiếp ảnh gia nói.

Trong khi một số thanh niên may mắn được chấp thuận đơn tị nạn và rời khỏi công viên, nhiều người vẫn mắc kẹt ở Tiergarten. Chính sách của Đức ưu tiên người tị nạn từ các quốc gia có xung đột khiến những người xin giấy tờ từ những nước không xung đột như Iran càng thêm phần trắc trở, xa vời. Người nộp đơn cũng đối mặt với nguy cơ bị trục xuất về quê nhà.

Top