Bắc Ninh: Tăng cường công tác tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện

14/02/2020 17:29

Công tác tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện đã được triển khai rộng khắp tại 145 cơ sở y tế cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, hệ thống giám sát được củng cố và duy trì.

 Tư vấn phòng chống HIV/AIDS tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: TTKSBT Bắc Ninh

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh lũy tích số người nhiễm HIV là trên 2.500 người, trong đó số người nhiễm HIV/AIDS còn sống là gần 1.500 người; 820 người nhiễm HIV/AIDS được quản lý.

Trong những năm qua, công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS được triển khai đồng bộ, chủ động hướng đến các địa bàn cơ sở, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, phức tạp; lồng ghép giữa tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội với vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nêu cao ý thức cảnh giác, tự quản, tự phòng, chủ động phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng chống HIV/AIDS.

Qua đó, huy động được sự tham gia của các ngành, các cấp, sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân. Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được gắn kết chặt chẽ với hoạt động phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư”, các huyện/thành phố đã gắn hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã tổ chức được 6.180 buổi truyền thông cho hơn 1 triệu lượt người. Tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng và treo băng rôn, khẩu hiệu tại các tuyến đường trên toàn tỉnh. Nhờ hoạt động truyền thông rộng rãi đã góp phần nâng cao nhận thức nhằm thay đổi hành vi, hướng đến giảm nguy cơ lây nhiễm, giảm tỉ lệ nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

Công tác can thiệp giảm hại, cấp phát bơm kiêm tiêm và bao cao su được triển khai đồng bộ hiệu quả. Thông qua các nhóm tiếp cận cộng đồng đã phát miễn phí 319.372 bao cao su, hơn 140.000 bơm kim tiêm cho đối tượng nguy cơ cao nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm. Đồng thời, thu gom hơn 200.000 bơm kim tiêm đã qua sử dụng.

Đặc biệt, từ năm 2014 phát huy hiệu quả chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone đã được các cấp chính quyền nhìn nhận, ủng hộ. Hiện tại, toàn tỉnh có 02 cơ sở điều trị Methadone tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Trung tâm Y tế thị xã Từ sơn cùng 01 cơ sở cấp phát thuốc tại Cơ sở cai nghiện ma túy trực thuộc Sở Lao động- Thương binh và xã hội tỉnh Bắc Ninh. 

Chương trình được phần lớn bệnh nhân, gia đình và cộng đồng ghi nhận về các mặt tích cực như: Giảm hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, giảm tình trạng sử dụng ma túy bất hợp pháp, tăng thể trạng sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, tiết kiệm chi phí cho gia đình và xã hội, …

Công tác tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện được triển khai rộng khắp tại 145 cơ sở y tế cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm. Hệ thống giám sát được củng cố và duy trì. Đến 30/9/2019, đã triển khai tư vấn cho 45.497 người; 65 mẫu xét nghiệm HIV dương tính trong đó 31 trường hợp phát hiện mới nhiễm HIV dương tính tại tỉnh.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đang triển khai 04 cơ sở điều trị ARV gồm: Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh, Bệnh viện Sản Nhi, Trung tâm Y tế huyện Quế Võ, Trung tâm Y tế huyện Gia Bình. Tính đến hết tháng 9/2019, đang điều trị cho 572 bệnh nhân, trong đó có 552 người lớn, 20 trẻ em. Bệnh nhân của tỉnh là 527 và 45 bệnh nhân ngoại tỉnh.

Ngoài ra, theo ước tính có khoảng gần 200 bệnh nhân đang điều trị ARV tại các cơ sở điều trị ARV tại tỉnh khác. Tiếp tục thực hiện thanh toán BHYT đối với dịch vụ chăm sóc điều trị HIV/AIDS. Tính đến tháng 9/2019 có 549 bệnh nhân đang điều trị ARV có BHYT.Ngoài ra, công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, điều trị dự phòng Lao- HIV được phối hợp triển khai tại các cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh cũng còn không ít khó khăn khi mà HIV/AIDS hiện là vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Bệnh nhân HIV cần được chăm sóc điều trị thường xuyên và liên tục. Do nguồn lực hạn chế nên mức độ bao phủ các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn hạn chế, kể cả dự phòng, can thiệp giảm hại, xét nghiệm và điều trị, chưa đạt được mức có thể khống chế được đại dịch. Bệnh nhân điều trị Methadone bỏ trị có xu hướng gia tăng do phạm tội trong quá trình uống thuốc.Cơ sở điều trị Methadone tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật đã xuống cấp, khó cải tạo.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phòng chống HIV/AIDS, thời gian tới ngành y tế sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lí, chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động chuyên môn kĩ thuật phòng, chống HIV/AIDS với một số giải pháp cụ thể về hoạt động truyền thông, xã hội hóa một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, dạy nghề, tạo điều kiện cho bệnh nhân điều trị Methadone…
Top