Nhóm tiếp cận cộng đồng: Cầu nối của người nhiễm HIV/AIDS tới các cơ sở khám chữa bệnh

28/01/2020 12:36

Việt Nam đặt mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Góp phần không nhỏ vào mục tiêu đó là công lao của các nhóm tiếp cận cộng đồng, các tuyên truyền viên đồng đẳng.

 Nhóm Family (Thái Nguyên) tư vấn cho người có nguy cơ cao trong nhóm MSM. Ảnh: Thùy Chi

Là một trong những tỉnh trọng điểm trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, nên vai trò của các nhóm tiếp cận cộng đồng tại Thái Nguyên rất quan trọng. Hoạt động tại Thái Nguyên từ năm 2015 đến nay, nhóm Family (hoạt động về quyền của cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Thái Nguyên) đã tổ chức nhiều sự kiện cộng đồng nhằm phổ biến kiến thức về giới tính, quan hệ tình dục an toàn, triển khai các chương trình xét nghiệm tại chỗ cho những người có nguy cơ cao trong nhóm nam quan hệ đồng giới (MSM).

Vô tình thử chích hai lần nên bị nhiễm HIV, anh T.V.T sống tại Thái Nguyên từng chán nản, chỉ nghĩ tới cái chết. “Khi biết mình bị nhiễm HIV, tôi đã nhịn ăn, sụt cân trầm trọng và không thiết sống nữa. Nhưng được sự động viên, hỗ trợ, tư vấn nhiệt tình của nhóm cộng đồng, tôi đã biết đến và sử dụng thuốc ARV. Đến nay, sức khỏe ổn định và tham gia xây dựng, phát triển kinh tế cùng gia đình. Tôi rất biết ơn nhóm tiếp cận cộng đồng đã giúp đỡ và "kéo" tôi về với cuộc sống này”.

Bà Lê Ái Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao vai trò của các nhóm cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

“Với những đặc thù đặc biệt của người nhiễm HIV, vai trò tiếp cận và tư vấn của những thành viên nhóm hỗ trợ cộng đồng vô cùng quan trọng. Họ là những đồng đẳng viên nên có thể thấu hiểu được tâm tư và rào cản khó nói của những người nhiễm HIV, từ đó có những tuyên truyền phù hợp. Chính vì vậy, họ trở thành cầu nối giữa người nhiễm HIV/AIDS với các cơ sở khám chữa bệnh”, bà Lê Ái Kim Anh chia sẻ.

Các nhóm cộng đồng hiện nay có các thành viên nòng cốt, được các cơ quan chuyên môn hỗ trợ về mặt chuyên môn kỹ thuật, đào tạo, tập huấn, thống kê, ghi chép, được tham gia các cuộc hội thảo, giao ban với chương trình chung của cơ quan chuyên môn, được cập nhật các thông tin và đóng góp của họ đối với hệ thống phòng, chống HIV/AIDS rất cụ thể, hữu ích.

Mặc dù đã có những đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương nhưng các nhóm cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn. Bạn Đàm Huy Hoàng, Trưởng nhóm Family chia sẻ: “Những người thuộc nhóm nguy cơ cao thường là các đối tượng khó tiếp cận, phân bố trên địa bàn rộng, di biến động nhiều. Đặc biệt, nhiều người nhiễm HIV còn tự kỳ thị mình, sự kỳ thị, phân biệt trong xã hội còn nhiều”.

Bên cạnh đó, kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ quốc tế đang cắt giảm nhanh, trong khi các nguồn tài chính trong nước chưa kịp bù đắp thiếu hụt tài chính nên hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở nhiều địa phương còn nhiều khó khăn.

Theo PGS, TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế): Tại Việt Nam, cộng đồng MSM có hơn 200.000 người. Đây là nhóm nhạy cảm và khó tiếp cận, tỷ lệ dương tính của cộng đồng này tăng nhanh trong thời gian qua (tỷ lệ hơn 10%). Tỷ lệ nhiễm mới trong thời gian một năm cao (30%) chủ yếu là người trẻ tuổi (tuổi trung bình của những người nhiễm HIV nhóm MSM tại Hà Nội là 22 tuổi). Vì vậy, nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm này sẽ có nguy cơ tăng cao trong thời gian tới.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên, tính đến 30/9/2019, số người nhiễm HIV còn sống là 6.800. Số người nhiễm HIV được quản lý là 5.334. Hiện có 3.893 trường hợp được điều trị ARV. Tỷ lệ người nhiễm HIV trong độ tuổi 25-49 là 83%. Tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường máu hiện là 63%, nhưng đã có xu hướng giảm dần, tỷ lệ lây truyền qua đường tình dục có xu hướng tăng. Thái Nguyên hiện vẫn là tỉnh đứng thứ 4 toàn quốc về số người nhiễm HIV sau Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng.
Top