Chú trọng can thiệp sức khỏe tâm thần sớm cho người sử dụng ma túy

27/01/2020 11:06

Lá thiên đường (lá khát), thuốc lắc "meo meo", tem giấy (bùa lưỡi), bánh lười, muối tắm, nước "vui", nấm ma thuật... là những chất gây nghiện mới ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý, tâm thần của người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ. Điều đáng quan tâm là hiện đang thiếu những chương trình can thiệp sức khỏe tâm thần cho người sử dụng ma túy.

 Khám cho bệnh nhân điều trị cai nghiện ma túy. Ảnh internet

Nhiều loại ma túy mới tấn công giới trẻ

Vào năm 2015, danh sách các chất và tiền chất ma túy là 292. Nhưng đến nay, chỉ sau ba năm, con số này đã lên tới 559. Danh sách các loại ma túy mới cũng nối dài hơn với nhiều loại ma túy mới nguy hiểm, tinh vi, khó phát hiện hơn, nồng độ ảo giác cao hơn.

Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Xuân Lập cho biết, hiện nay tệ nạn ma túy cũng như vấn đề người sử dụng trái phép chất ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Số người nghiện tăng dần hàng năm, số vụ việc liên quan tới người sử dụng ma túy trái phép như trộm cắp, cướp giật, không kiểm soát hành vi, tự sát, giết người đang gia tăng về cả số vụ và tính chất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, cuộc sống của người dân ở các khu vực dân cư và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, tính đến ngày 15/11/2018, cả nước có 225.099 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (chiếm 0,24% dân số). Trong số người nghiện, thì nhóm người sử dụng ma túy tổng hợp (ATS) chiếm hơn 50%, thậm chí ở một số địa phương, tỷ lệ này còn cao hơn (Đồng Nai: 87%; Đà Nẵng: 85%; An Giang: 76%...).

Kết quả nghiên cứu “Tỷ lệ rối loạn tâm thần ở thanh thiếu niên sử dụng ma túy tại Hà Nội” do Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) phối hợp với Bộ môn Tâm thần, Đại học Y Hà Nội, thực hiện trên 319 người sử dụng ma túy trong độ tuổi từ 16 - 24 đang sinh sống trên địa bàn Hà Nội cho thấy, có tới 58% thanh niên sử dụng ma túy có các biểu hiện trầm cảm và 42% không có biểu hiện này; trong số 58%, các đối tượng có nhiều biểu hiện, triệu chứng lâm sàng như 83,8% buồn chán, 84,9% giảm thích thú, 85,4% mệt mỏi... Đặc biệt, có tới 26,3% đối tượng có ý tưởng tự sát, 12,2% có kế hoạch tự sát và 6,3% định tự sát.

Các loại chất kích thích được các bạn trẻ sử dụng phổ biến gồm rượu, bóng cười, cần sa, đá, thuốc lắc. Phần lớn người sử dụng đều lý giải do thích cảm giác, giảm căng thẳng, áp lực bạn bè, thoát khỏi nỗi buồn, tủi thân, khẳng định bản thân… Báo cáo mới nhất của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng cho thấy có đến 12% trẻ em, thanh niên độ tuổi từ 14 đến 18 tại Việt Nam mắc các rối loạn tâm thần, phổ biến là trầm cảm, rối loạn lo âu, cô đơn và tăng động giảm chú ý.

Điều đáng quan tâm là phần lớn thanh thiếu niên nghiện các loại ma túy tổng hợp đều không có thông tin tác hại của nó. Trưởng nhóm hỗ trợ người đồng tính nam và chuyển giới tại Hà Nội, Dương Tú Anh chia sẻ, những thanh thiếu niên nghiện chất chủ yếu là không có thông tin về tác hại của ma túy. Ban đầu chỉ là bị bạn bè rủ rê, thấy thích thì dùng, dùng để không bị “coi thường”, không bị coi là “yếu thế”. Đa số các bạn ở lứa tuổi 17 - 18, khi có một việc gì cảm thấy buồn chán, bị bạn bè đưa dùng bóng cười để vượt qua trạng thái tâm lý, nhưng dần dần bóng cười không giúp được, thì các bạn bắt đầu sử dụng ma túy tổng hợp.

Th.S.BS Nguyễn Song Chí Trung – Trung tâm Chuyển giao công nghệ điều trị nghiện và HIV (VHATTC) Đại học Y Dược TPHCM cho rằng, hiện nay còn có rất nhiều khoảng trống về vấn đề sức khỏe tâm thần. Lấy ví dụ điển hình về keo con chó, một "sản phẩm" gây nghiện được trẻ em sử dụng khá phổ biến hiện nay.

BS Trung đặt vấn đề, đây không phải là ma túy và pháp luật không có quy định. Tuy nhiên khi trẻ em hít vào đều có tác hại gây nghiện. Bởi vậy, BS Trung cho rằng cần hiểu rộng hơn về quan niệm ma túy, bao hàm tất cả các chất làm có thể biến đổi tâm thần (ý thức, tri giác, khí sắc, tư duy, hành vi). Theo WHO tất cả các chất làm biến đổi như trên đều được coi là "ma túy".

Kì thị và phân biệt đối xử là rảo cản lớn

Thực tế, những thanh thiếu niên mắc rối loạn tâm thần có nhiều khả năng trở nên phụ thuộc vào chất ma túy hơn là những người không có rối loạn tâm thần. Ngược lại, những thanh thiếu niên lạm dụng chất ma tuý có khả năng mắc rối loạn tâm thần hơn so với người không lạm dụng chất. Do vậy khi rối loạn tâm thần và lạm dụng chất cùng xảy ra sẽ khiến vấn đề phức tạp hơn. Điều này, ảnh hưởng đến kết quả điều trị cũng như công tác quản lý.

Theo đánh giá của các chuyên gia, kỳ thị và phân biệt đối xử của cộng đồng có tác động một cách tiêu cực đến quá trình điều trị và phục hồi của người sử dụng ma túy, đặc biệt thanh thiếu niên. Có đến 60% tự kỳ thị và căm ghét bản thân dựa trên phản ứng của mọi người xung quanh, 40% thường cảm thấy cô đơn, có ý định tự tử.

Kỳ thị và phân biệt đối xử là một rào cản nghiêm trọng hạn chế việc chia sẻ, tìm kiếm sự trợ giúp và tiếp cận hỗ trợ của các thanh thiếu niên sử dụng ma túy. Gần 66% lo sợ phản ứng của mọi người nếu biết mình bị nghiện và gần 54% giấu tình trạng sử dụng ma túy. Cô lập và trừng phạt không là giải pháp. Vì vậy, BS Chí Trung cho rằng cộng đồng cần giang rộng vòng tay, cho người nghiện có cơ hội "sống chung" để có thể hòa nhập.

Giám đốc Trung tâm Phát triển cộng đồng (SCDI) Khuất Thị Hải Oanh cho biết, nhóm thanh thiếu niên phải chịu sức ép rất lớn từ việc bị kỳ thị, khiến các em càng khép kín và bế tắc hơn. Càng bị cô lập thì việc chẩn đoán các rối loạn sẽ càng muộn, điều trị sẽ bị trì hoãn, khiến cho những tổn thương do nghiện ma túy và rối loạn tâm thần gây ra cho não bộ sẽ khó hồi phục và mất nhiều thời gian hơn.

Trưởng nhóm hỗ trợ người đồng tính nam và chuyển giới tại Hà Nội Dương Tú Anh nêu thực tế, nhiều bạn đồng tính, chuyển giới tự thu hẹp mình, sợ bị kỳ thị, không làm được điều mình mong muốn nên có tâm lý căng thẳng, buồn chán. Khá đông thanh niên sử dụng nhiều dạng ma túy một lúc.

Cần kết hợp nhiều giải pháp hỗ trợ

Rối loạn nghiện chất là rối loạn mãn tính, luôn kéo dài, điều trị thuyên giảm sau đó có thể tái phát. BS Phạm Thành Luân, Bộ môn Tâm thần, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, ở nhiều nước Khoa Nghiện chất đã được thành lập riêng và tách riêng với Khoa Tâm thần, trong đó có nhiều bác sĩ chuyên về nghiện chất và tất cả những vấn đề liên quan đến nghiện chất, cai nghiện, sau cai nghiện; cũng như các can thiệp về sức khỏe tâm thần. Ở Việt Nam, sự phối hợp này vẫn còn lỏng lẻo, chưa có một hệ thống quy trình nào cho việc điều trị nghiện chất và y tế. Để làm được điều này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế cần xây dựng chính sách chung; trước mắt là thiết lập mối quan hệ, trao đổi giữa các bệnh viện tâm thần (Bộ Y tế) và các trung tâm điều trị nghiện chất (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).

Chia sẻ về quan điểm, TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho rằng: “Để có thể giải quyết được vấn đề sức khỏe tâm thần cho người sử dụng ma túy, cần mở rộng can thiệp sớm cho những nhóm ở mức độ '‘sử dụng'’, so với quy mô các dịch vụ điều trị hiện nay mới 'chạm' được đến nhóm đã lệ thuộc và nghiện ma túy. Chúng ta đã có những mô hình can thiệp có hiệu quả, có các bệnh viện chuyên môn về tâm thần, hoàn toàn có thể chuyển giao kỹ thuật, nhưng cần thiết phải tổ chức thành một hệ thống dịch vụ bài bản, có quy định bằng các văn bản pháp quy để bảo đảm tính bền vững”.

Theo một cuộc khảo sát gần đây, trung bình mỗi người từ 8-18 tuổi dành tới 6,5 giờ mỗi ngày (tương đương 44,5 giờ mỗi tuần) để tiếp cận thông tin qua các phương tiện truyền thông. Vì vậy, dưới sự tác động mạnh mẽ của báo chí, mạng xã hội, việc truyền thông về tác hại của ma túy đã có thể tiếp cận giới trẻ dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, có nhiều loại hình truyền thông, quảng cáo, phim ảnh lại đang gây những tác động ngược, tác động xấu đến người tiếp cận thông tin, đặc biệt là giới trẻ. Trong đó, phải kể đến vấn đề nhận thức tác hại của các chất gây nghiện. Đây rõ ràng là một minh chứng về "tác dụng ngược". Bởi, thay vì đưa ra cảnh báo tránh xa ma túy, các loại hình truyền thông này lại kích thích trí tò mò của người xem. Điển hình một số trang báo đã đăng tải các bài viết có nội dung kiểu như "Ma túy đá và 'khát khao' dục vọng"; "Sau đập đá, sex với 5-6 người...".

Vì thế, bên cạnh việc cải thiện công tác tuyên truyền, tránh dàn trải, phô trương, cần thiết đẩy mạnh việc xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực trong cộng đồng chung tay tập trung tuyên truyền nhằm hướng tới những hiệu quả thiết thực cả về chất và lượng. Bên cạnh đó, đối với mỗi chiến dịch truyền thông phòng chống ma túy, cần cụ thể hóa các loại hình đối tượng và loại chất hướng thần tương ứng. Những thông điệp tuyên truyền cũng vì vậy mà phải tập trung đúng vào các yếu tố cần thay đổi: thái độ, tiêu chuẩn xã hội cũng như khả năng kiểm soát hành vi.
Top