Vì sao cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chưa phát huy hiệu quả?

24/01/2020 14:38

Hiện nay, công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chưa thực sự phát huy hiệu quả. Từ năm 2014, số người cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng giảm mạnh.

Chỉ còn 6/63 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng

Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, giai đoạn từ 2011 - 2016, cả nước tổ chức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho 51.962 lượt người (chiếm 27,38% tổng số người được cai nghiện theo các hình thức); dạy nghề cho 2.677 lượt người; hỗ trợ tạo việc làm cho 1.762 lượt người. Đến tháng 12/2018, có 2.719 xã, phường, thị trấn thuộc 20 tỉnh, thành phố thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy. Các hình thức cai nghiện được triển khai phù hợp với điều kiện của địa phương. Một số tỉnh, thành phố có cách làm sáng tạo, đầu tư mạnh các nguồn lực làm cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

Tuy nhiên, từ năm 2014, số người cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng giảm mạnh, chỉ còn 5.687 lượt người, tương đương 58% năm 2013; năm 2017 còn 3.566 lượt người và năm 2018 còn 6/63 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện cho 4.320 lượt người.

Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng quy định tại Điều 27 Luật Phòng chống ma túy (PCMT), quy định chi tiết tại Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 9/9/2010 của Chính phủ về tổ chức cai nghiện tại gia đình và cai nghiện tại cộng đồng. Biện pháp này gồm cai nghiện tự nguyện tại gia đình, tại cộng đồng và cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng, nhằm gắn quá trình cai nghiện với cuộc sống và công việc thường ngày, tranh thủ sự chia sẻ của gia đình, cộng đồng giúp họ “phục hồi sức khỏe, khả năng học tập, lao động để nâng cao năng lực hòa nhập cộng đồng”. Liên quan tới công tác cai nghiện tại cộng đồng còn có biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có thể được áp dụng đồng thời đối với người nghiện ma túy.

Khó triển khai

Cai nghiện tự nguyện tại gia đình do người nghiện và gia đình người nghiện tự nguyện thực hiện tại nơi họ cư trú, có sự hỗ trợ của chính quyền, các đoàn thể - nơi tốt nhất mà người nghiện nhận được sự quan tâm, chăm sóc và chia sẻ. Hình thức này phù hợp Hiến pháp và các cam kết quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, hình thức này chỉ hiệu quả đối với người thật sự quyết tâm, gia đình phải được hướng dẫn đầy đủ, chính quyền phải hỗ trợ kịp thời, thực chất và đặc biệt cán bộ y tế, xã hội hỗ trợ cai nghiện phải chuyên nghiệp, vì người nghiện không được cách ly với môi trường có ma túy.

Nhóm tư vấn cai nghiện tại cộng đồng ở Đồng Nai. Ảnh internet

Cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng do chính quyền cấp xã thực hiện, có sự phối hợp của gia đình người nghiện. Tuy nhiên, việc dùng quyết định hành chính của Chủ tịch UBND cấp xã để giới hạn một số quyền con người, quyền công dân, do đó không còn phù hợp với Hiến pháp 2013. Biện pháp này chỉ khác biện pháp cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng ở tính cưỡng chế, nhưng phần lớn những trường hợp phải cưỡng chế lại là những người ý thức tuân thủ không tốt và quyết tâm cai nghiện không cao. Do đó, sau khi tập trung cắt cơn ít ngày, họ dễ tái sử dụng ma túy.

Giáo dục tại xã, phường, thị trấn là biện pháp xử lý trách nhiệm hành chính, mang tính răn đe; sử dụng công cụ quản lý, giáo dục buộc người nghiện từ bỏ ma túy mà không phải cách ly cộng đồng. Nhưng nghiện ma túy là một tình trạng đặc biệt, phải can thiệp dưới nhiều góc độ, từ hành vi, tâm lý, nhận thức đến sinh kế. Không thể chỉ sử dụng biện pháp quản lý và giáo dục để thay thế các hoạt động điều trị hỗ trợ về y tế, tâm lý, giáo dục phục hồi, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế. Do đó, nếu chỉ áp dụng riêng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn sẽ không hiệu quả. Trong khi đó, việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường thì thủ tục đơn giản, thời gian ngắn, nhưng cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng thì thời gian dài và khó thực hiện. Cho nên, trên thực tế phần lớn các địa phương khi phát hiện người nghiện thì áp dụng ngay biện pháp giáo dục tại xã, phường để đủ hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà không tổ chức cai nghiện ma túy cho họ.

Cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng do chính quyền cấp xã thực hiện, có sự phối hợp của gia đình người nghiện. Hình thức này phù hợp Hiến pháp 2013 và các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền con người, nhưng tính khả thi không cao. Điều 26 Nghị định số 94/2010/NĐ-CP giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND cấp xã phối hợp tổ chức truyền nghề, dạy nghề và tạo việc làm cho người cai nghiện là không phù hợp với khả năng của phần lớn chính quyền cấp xã hiện nay; giao các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận để tổ chức truyền nghề, dạy nghề và tạo việc làm cho người cai nghiện nhưng không quy định cơ chế phối hợp, quyền và nghĩa vụ cụ thể, nên những quy định đó chỉ mang tính khẩu hiệu, tính quy phạm.

Việc giao cho một “tổ công tác cai nghiện”, tuy có số đông và đủ các thành phần nhưng phần lớn là cán bộ kiêm nhiệm, thiếu cả chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm, trong khi công tác cai nghiện phục hồi đòi hỏi những kiến thức và kỹ năng về xã hội và y tế chuyên biệt và phải nhiệt huyết, trong khi trách nhiệm nặng nề mà không lương, phụ cấp ít, nên thiếu động lực làm việc.

Điều 29 Nghị định số 94/2010/NĐ-CP quy định người cai nghiện tự nguyện tại gia đình, tại cộng đồng nếu không phải là các đối tượng chính sách thì phải trả kinh phí là không hợp lý, vì khả năng đóng góp của người nghiện ma túy là rất thấp, trong khi đó thủ tục tham gia phức tạp, dễ lộ danh tính người cai nghiện , nên không khuyến khích được người nghiện tham gia cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.

“Cơ sở vật chất hiện có” chủ yếu chỉ có trạm y tế cấp xã, nhưng phần lớn người nghiện không muốn cai nghiện tại đây vì sợ lộ danh tính, bị kỳ thị. Thiết kế phòng ốc, trang bị và nguồn nhân lực của phần lớn (chỉ một số ít cấp xã ở những nơi kinh tế phát triển có thể thực hiện được nhiệm vụ này) các trạm y tế cấp xã hiện nay không phù hợp để cắt cơn và hỗ trợ y tế thực hiện quy trình cai nghiện, trong khi nhiệm vụ chính của trạm y tế cấp xã là chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, và hiện nay ở nhiều nơi cũng đang quá tải.

Việc đầu tư cơ sở điều trị cắt cơn trên địa bàn xã hoặc liên xã khó khăn về vốn và năng lực vận hành; việc kết hợp với các cơ sở cai nghiện và các cơ sở khác được phép điều trị cắt cơn, rất khó thực hiện do cơ chế phối hợp chưa rõ ràng và nhiều cơ sở cai nghiện ở xa khu dân cư tập trung.

Trước tình hình này, thời gian tới, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma tuý, Luật Xử lý vi phạm hành chính về các chính sách liên quan đến lĩnh vực cai nghiện ma tuý; đồng thời, nghiên cứu đề xuất chính sách về dự phòng nghiện và cai nghiện ma tuý theo chuẩn quốc tế có hiệu quả, đảm bảo quyền con người, an sinh xã hội và trật tự, an toàn xã hội vì cuộc sống hạnh phúc của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước bền vững.

Top