Nữ sinh rơi vào đường dây môi giới mại dâm: Trách ai?

15/01/2020 14:18

Theo GS.TS Phạm Tất Dong, lỗi lớn nhất trong vụ việc này chính là những kẻ suy đồi đạo đức.

Thông tin cơ quan chức năng đang điều tra đường dây môi giới mại dâm nữ sinh cấp 2 đang gây xôn xao dư luận. Theo thông tin ban đầu, các nữ sinh này đang theo học tại một trường THCS trên địa bàn xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội.

Ảnh cắt từ videoclip

Lãnh đạo xã Khánh Thượng cho biết, nạn nhân chủ yếu là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc ít được gia đình quan tâm, bị kẻ xấu lợi dụng dụ dỗ vào đường dây môi giới mại dâm.

Đau xót, phẫn nộ... là những cảm xúc của GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam khi ông nghe thông tin về vụ việc này. Việc đẩy những đứa trẻ vô tội vào đường dây môi giới mại dâm, theo ông, là tội lỗi vô cùng kinh khủng mà người lớn gây ra và cần phải bị trừng trị thích đáng.

"Lỗi lớn nhất trong vụ việc này chính là sự suy đồi đạo đức. Nếu không có những kẻ suy đồi đạo đức dụ dỗ, dẫn dắt các em vào đường dây này và cả những kẻ mua dâm thì đã không xảy ra những chuyện gây phẫn nộ thế này. Trong trường hợp này, gia đình và nhà trường cũng đều là nạn nhân của nó.

Còn các em học sinh bị lôi kéo, dụ dỗ vào đường dây môi giới mại dâm đương nhiên là những nạn nhân rất đáng thương. Những kẻ vô đạo đức, lợi dụng trẻ em và thân thể các em như một thứ hàng hóa cần phải bị trừng trị bởi hệ lụy của việc này là hết sức lâu dài đối với gia đình, xã hội và bản thân các em", GS.TS Phạm Tất Dong nói.

Một câu hỏi được dư luận đặt ra là nhà trường quản lý các em như thế nào, gia đình đã quan tâm, chia sẻ với các em như thế nào để rồi cuối cùng lại xảy ra câu chuyện đau lòng và phẫn nộ này?

Trả lời câu hỏi, Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho hay, thông thường, những học sinh rơi vào trường hợp này thường học hành sút kém, bản thân nhà trường, giáo viên sẽ phải phát hiện được chuyện này để theo dõi, quản lý.

Về phía gia đình, nếu con cái có biểu hiện bất thường thì cha mẹ cũng phải chú ý, chia sẻ. Nhưng thực tế cho thấy, trong gia đình Việt Nam, con cái thường ít khi chia sẻ với cha mẹ, cha mẹ không hiểu được các con và cũng không muốn nghe con tâm sự.  

"Việc đặt ra trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội là đương nhiên nhưng hãy khoan nói tới điều này. Chẳng hạn, bố mẹ các em nhiều khi rất cực, đi làm suốt ngày làm sao có thời gian để ý đến con, đứa con ấy lại bị dụ dỗ, lôi kéo vào đường dây này, đấy là những cháu bé rất đáng thương.

Trước hết, phải trừng trị những kẻ tổ chức, lôi kéo các em vào đường dây môi giới mại dâm, những kẻ mua dâm, sau đó giữa nhà trường, gia đình và xã hội phải quan tâm đến nhau, kết nối nhau để quản lý", GS.TS Phạm Tất Dong chỉ rõ.

Đặc biệt, ông lưu ý đến vai trò rất quan trọng của làng xóm, nhân dân. "Không có tai mắt của nhân dân thì không thể nắm được chuyện này, khi dân để ý mọi thứ thì không lọt mắt nhà này sẽ lọt mắt nhà khác, nhất là ở nông thôn. Trong làng, xã có kẻ xấu nào xuất hiện thì người dân đều biết và đề cao cảnh giác, chung sức đối phó.

Thế nhưng, điều đáng buồn là lâu nay trong quan niệm của nhiều người mỗi khi có chuyện gì xảy ra thì gia đình phải lo giữ con, nhà trường phải lo giữ học sinh mà quên mất rằng tai mắt của nhân dân chính là thiên la địa võng để đối phó lại những kẻ xấu", Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam nói.

Từ đây, một lần nữa GS Dong khẳng định, phải chấn chỉnh lại tất cả những chuyện trên: nghiêm trị kẻ làm bậy, rút kinh nghiệm giữa nhà trường và gia đình, đề cao mạng lưới tai mắt của nhân dân, nếu không một mình gia đình và nhà trường cũng sẽ không làm gì được trong việc quản lý, bảo vệ con em, học sinh của mình.

Top