Tạo sức “đề kháng” trước tệ nạn xã hội

15/11/2019 08:34

TPHCM có hơn 2,9 triệu thanh niên. Con số này vẫn tiếp tục gia tăng cơ học mạnh trong thời gian tới. Bên cạnh những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của thành phố thì nhiều vấn đề xã hội nảy sinh và có biểu hiện gia tăng trong lứa tuổi này đang đặt ra bài toán nan giải để hướng thanh niên đến lối sống, suy nghĩ tích cực hơn.

Thanh niên tìm hiểu tác hại của ma túy tại triển lãm ở Nhà văn hóa Thanh niên thành phố

Báo động tội phạm nhỏ tuổi

Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố nhận định, tình trạng thanh, thiếu niên phạm pháp vẫn gia tăng và ngày càng trẻ hóa, một bộ phận thanh niên thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, muốn chứng tỏ bản thân, dễ bị tác động cho nên không làm chủ được mình, bị lôi kéo vướng vào tệ nạn xã hội, đi vào con đường phạm tội. Thống kê của Công an thành phố cho thấy, tỷ lệ tội phạm đang ngày càng trẻ về độ tuổi, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp. Nhất là các trường hợp phạm tội sau khi sử dụng ma túy, bị ảo giác do sử dụng các loại ma túy tổng hợp; trường hợp phạm tội để có tiền mua ma túy cũng xảy ra khiến người dân rất lo lắng. Những loại tội phạm trực tiếp gây bất an cho đời sống người dân là trộm cắp, cướp, cướp giật (các tội về xâm phạm tài sản) tuy giảm nhưng vẫn chiếm tới 75% tổng số vụ phạm pháp hình sự.

Mới đây, Công an quận 3 đã tạm giữ hình sự hai thanh niên trong độ tuổi 17 và 20 với hành vi cướp giật tài sản (xảy ra tại quận 1) khi không có tiền mua ma túy. Trước đó, các vụ án mạng thương tâm cũng xảy ra trên địa bàn thành phố khi các đối tượng gây án đã sử dụng ma túy tổng hợp. Hiện nay, 12.306 người đang trong thời gian cai nghiện được quản lý, trong đó 77,65% có độ tuổi 18 đến 35. Số người nghiện ma túy có chiều hướng gia tăng, trung bình tăng từ 6 đến 8%/năm. Đáng báo động hơn, cứ 10 người nghiện ma túy thì có chín người tái nghiện. Theo thống kê, hơn 70% số người nghiện ma túy dưới 35 tuổi, 0,8% là trẻ vị thành niên, học sinh.

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác quản lý người cai nghiện, Phó Chi cục trưởng Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Nguyễn Văn Ngoan cho biết: Công tác quản lý hiện vẫn tồn tại những khó khăn như: Việc khai báo của người nghiện tại cộng đồng chưa bảo đảm về số lượng, trong khi đội ngũ cán bộ chuyên trách về vấn đề tư vấn, quản lý người nghiện tại địa bàn dân cư phải kiêm nhiệm, thay đổi công việc liên tục dẫn đến hiệu quả công tác chưa đạt như mục tiêu đề ra. Đồng quan điểm, Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố cho rằng: Công tác tuyên truyền, định hướng lối sống, hỗ trợ thanh niên trong mưu sinh lập nghiệp; việc cảm hóa, giúp đỡ thanh niên hoàn lương có cuộc sống ổn định để tránh tái phạm vẫn còn gặp nhiều khó khăn trở ngại như: Công tác phối hợp với địa phương để tiếp nhận, tiếp cận thanh niên ngay khi trở về địa phương đôi khi chưa kịp thời. Công tác tập huấn cán bộ hội ở địa phương trong công tác tiếp cận, hỗ trợ thanh niên “hoàn lương”, thanh niên sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, thanh niên có nguy cơ vi phạm pháp luật chưa được thực hiện thường xuyên, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Trong khi các thanh niên “hoàn lương”, thanh niên sau cai, tái hòa nhập cộng đồng còn tâm lý e ngại khi tiếp xúc với người chung quanh, đồng thời bị một bộ phận người dân kỳ thị; dễ dẫn đến tái phạm pháp hoặc tái sử dụng ma túy;…

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Thiết thực hướng lực lượng thanh niên đến với lối sống tích cực để cống hiến sức trẻ vào sự phát triển chung của thành phố, thời gian qua, Hội Liên hiệp Thanh niên TP Hồ Chí Minh xác định nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy là một trong những nội dung quan trọng trong công tác hội và phong trào thanh niên. Đồng hành cùng các công tác này là việc triển khai các chương trình vay vốn, giới thiệu việc làm cho thanh niên.

Hội Liên hiệp Thanh niên tại 24 quận, huyện phối hợp Trung tâm Tư vấn pháp luật - Trường đại học Luật TPHCM, Công an thành phố tổ chức các chương trình tư vấn pháp luật về hộ tịch, nhân khẩu, quy trình xóa án tích, các quyền và lợi ích công dân sau khi chấp hành bản án và trở về địa phương cho hàng nghìn phạm nhân nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho phạm nhân đang cải tạo, giam giữ; mời gọi 5.629 lượt thanh niên có nguy cơ vi phạm pháp luật trên địa bàn đến dự tuyên truyền về tác hại của ma túy và các chất kích thích,…

Đối với công tác cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thanh niên lầm lỡ, Hội Liên hiệp thanh niên thành phố và Công an các cấp phối hợp khảo sát, lập danh sách thanh thiếu niên lầm lỡ, thanh niên sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng để phối hợp quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ thông qua các nội dung hoạt động thiết thực. Thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ thanh thiếu niên tại cấp phường, xã, thị trấn. Phó Giám đốc Công an thành phố, Đại tá Nguyễn Sĩ Quang cho rằng: Để kiềm chế tội phạm một cách căn cơ, việc phòng ngừa từ xã hội là rất quan trọng. Khởi đầu là bồi đắp, nâng cao nền tảng đạo đức, xây dựng quy tắc ứng xử chuẩn mực để tạo ra một môi trường, nền tảng kiến thức đủ tốt để các thanh niên đủ sức “đề kháng” trước những cám dỗ của cuộc sống. Hệ thống Hội Liên hiệp Thanh niên các cấp cần tăng cường tiếp cận và hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp, đối tượng thanh niên để từ đó đưa ra các giải pháp tuyên truyền phù hợp, đúng trọng tâm.

Top