Kratom dễ gây ngộ nhận là vô hại

23/10/2019 16:45

Kratom có thể được chào bán trên thị trường với hình dạng 1 viên thuốc và được quảng cáo là thực phẩm chức năng được làm từ thảo dược thiên nhiên nên dễ gây ngộ nhận là vô hại.

Đó là chia sẻ của bác sỹ Huỳnh Thanh Hiển, Trưởng khoa T3, Bệnh viên Tâm thần TPHCM về một số chất gây nghiện mới xuất hiện thời gian gần đây.

Bán như thực phẩm chức năng

Thời gian gần đây, tìm kiếm trên các trang bán hàng hoặc mạng xã hội, có thể dễ dàng thấy được những quảng cáo bán kratom như một thực phẩm chức năng để tăng cường thể lực cho tập luyện thể thao, tập trung tinh thần làm việc, giảm và trị đau mãn tính, giảm căng thẳng...

Trà thảo dược Kratom được quảng cáo là nhập khẩu từ Mỹ có giá bán tại Việt Nam là 199.000 đồng 10 viên

Theo một quảng cáo trên một trang mạng xã hội bán Kratom với hơn 1,5 nghìn người theo dõi thì:  “Kể từ đầu thế kỷ 21, Kratom đã được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới. Người sử dụng thường xuyên xem nó như là một sự trợ giúp vô giá cho sức khỏe tinh thần và thể chất, trong khi một số người khác tận hưởng hiệu năng giải trí kép của nó như là một chất kích thích hoặc thuốc an thần (tùy thuộc vào liều dùng). Hiện nay, thị trường Mỹ được xem là nơi có nhu cầu cao đối với loại thảo dược này. Và nơi đây, nhập khẩu Kratom chủ yếu từ Indonesia. Theo Hiệp hội Kratom Mỹ, một tổ chức vận động cho các sản phẩm kratom, đã có khoảng 10.000 nhà cung cấp kratom ở Mỹ vào năm 2016, với doanh thu hàng năm trên 1 tỷ đô la”.

Trang mạng xã hội này cũng dẫn phản hồi của một người đã dùng Kratom khi người này cho biết, sau 10 năm trầm cảm mà chỉ cần dùng mấy gam kratom mà đã thấy 'nhẹ người', 'dễ thở".

Liệu có vô hại?

Theo bác sỹ Huỳnh Thanh Hiển, Kratom có tên khác là ketum, là 1 loài thực vật tên khoa học là Mitragyna speciosa, thuộc họ cây cà phê. Có xuất xứ từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Myanmar, và Papua New Guinea và được sử dụng trong y học cổ truyền tại các quốc gia này từ nhiều thế kỷ trước.

Bác sỹ Huỳnh Thanh Hiển. Ảnh Nhật Thy

Kratom có thể được chào bán trên thị trường với hình dạng 1 viên thuốc và được quảng cáo là thực phẩm chức năng được làm từ thảo dược thiên nhiên nên dễ gây ngộ nhận là vô hại.

Hoạt chất có trong cây kratom là Mitragynine và 7-hydroxymitragynine. Dân bản địa thường nhai lá kratom để tăng sự tỉnh táo, tăng khả năng vận động thể chất, cởi mở, thích nói chuyện-giao tiếp và gia tăng các hành vi.

Các báo cáo cũng cho thấy: Với liều thấp sẽ có tác động kích thích, liều trung bình sẽ có tác động giảm đau và liều cao sẽ gây hiệu ứng khoái cảm tương tự như thuốc phiện.

Xác nhận từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA): hoạt chất có trong kratom có tác động trên cả 3 thụ thể của nhóm thuốc phiện là κ, δ, μ và khi ngưng sử dụng cũng có hội chứng cai giống hội chứng cai của nhóm thuốc phiện.

FDA đã từ chối cấp phép lưu hành các thực phẩm chức năng hay thuốc đông dược có thành phần từ lá kratom và với trách nhiệm của mình FDA đã yêu cầu các cơ quan chức năng tịch thu các lô hàng nhập khẩu có chứa kratom.

Triệu chứng lâm sàng và hội chứng cai giống như nhóm thuốc phiện nên Kratom bị xem là 1 chất giống thuốc phiện (morphine like) 

Cho đến tháng 1/2018, cây kratom và các hoạt chất của nó vẫn không có tên trong Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các chất ma túy, chất gây nghiện và các tiền chất và hiện cũng chưa có trong danh mục cấm tại VN.

Hiện chưa có nghiên cứu nghiêm túc nào, với cở mẫu đủ lớn được tiến hành trên con người và cũng không có công ty dược phẩm nào có ý định nghiên cứu hay phát triển dược phẩm mới từ các hoạt chất có trong lá kratom.

Tuy nhiên, đã có 44 báo cáo về tử vong do Kratom, một số trường hợp được ghi nhận có sử dụng kết hợp với các loại thuốc giảm đau gốc thuốc phiện.

Theo TS Scott Gottlieb (FDA), từ năm 2010 đến 2015, đã có 660 cuộc gọi đến Trung tâm kiểm soát độc chất Hoa Kỳ về các vụ ngộ độc có liên quan đến kratom (tăng lên gấp 10 lần). Có đến 36 trường hợp tử vong liên quan đến sản phẩm chứa kratom tại Mỹ được ghi nhận. Sử dụng Kratom có thể gây co giật, suy gan và các triệu chứng cai khi ngưng sử dụng. Hiện tai, Kratom bị cấm tại ít nhất 16 quốc gia.

DEA (cơ quan bài trừ ma túy Hoa Kỳ) đã xếp kratom vào bảng 1 (nghiêm cấm sản xuất, mua bán dưới mọi hình thức) từ tháng 10/2016.

Cảnh báo của FDA về kratom:

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đang cảnh báo người tiêu dùng không sử dụng Mitragyna speciosa, thường được gọi là kratom, một loại cây mọc tự nhiên ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Papua New Guinea. FDA lo ngại rằng kratom, ảnh hưởng đến các thụ thể não tương tự như morphin, có các đặc tính khiến người dùng gặp phải các nguy cơ nghiện, lạm dụng và lệ thuộc.

 FDA không chấp thuận sản phầm chứa kratom nào và cơ quan này đã nhận được các báo cáo liên quan đến sự an toàn của kratom. FDA đang tích cực đánh giá tất cả các thông tin khoa học có sẵn về vấn đề này và tiếp tục cảnh báo người tiêu dùng không sử dụng bất kỳ sản phẩm nào có nhãn kratom hoặc các hợp chất của nó là mitragynine và 7-hydroxymitragynine. FDA khuyến khích nghiên cứu nhiều hơn để hiểu rõ hơn về hồ sơ an toàn của kratom, bao gồm cả việc sử dụng kratom kết hợp với các loại thuốc khác.

Top