Long An: HIV vẫn là ‘tảng băng chìm’ cần tiếp tục can thiệp tích cực

18/10/2019 17:59

Số ca HIV phát hiện gia tăng trở lại từ năm 2018 tại Long An, xu hướng lây nhiễm qua đường tình dục khá rõ (tăng gấp 2-3 lần), đặc biệt là bạn tình người nhiễm HIV và trên nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới). Do đó, HIV vẫn là “tảng băng chìm” cần tiếp tục can thiệp tích cực để đạt mục tiêu 90-90-90, tiến tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS.

 Tư vấn phòng tránh cho người nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Ảnh: TT KSBT Long An

Ngày 18/10, đoàn PEPFAR và Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa kỳ (CDC) tại Việt Nam đến trao đổi, tăng cường hợp tác, đánh giá việc triển khai các hoạt động đạt mục tiêu 90-90-90 tiến tới kết thúc đại dịch HIV vào năm 2030 do tổ chức PEPFAR hỗ trợ tại Long An.

Đánh giá việc triển khai các hoạt động thuộc dự án hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (VAAC-US.CDC), nhằm hướng tới mục tiêu 90-90-90, tiến tới kết thúc đại dịch HIV vào năm 2030 tại Long An, kết quả cho thấy các chỉ tiêu 2018-2019 của Long An đạt nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, số ca HIV phát hiện chuyển tiếp điều trị ARV thành công 9 tháng của năm 2019 đạt 97,8%. Việc thực hiện chỉ tiêu tìm ca HIV năm 2019 (tính đến 30/9) của Đức Hòa đạt 140%, TP. Tân An đạt 108% và Bến Lức đạt 104%.

Trong điều trị ARV, năm 2018, số bệnh nhân điều trị mới là 100,8%, tổng số bệnh nhân đang điều trị là 95%; 9 tháng của năm 2019, số bệnh nhân điều trị mới là 76%, tổng số bệnh nhân đang điều trị là 98%. Ngoài ra, kết quả xét nghiệm tải lượng HIV năm 2018 là 91,9%; 9 tháng của năm 2019 là 93,3%;…

Đạt được những kết quả trên là do ngành y tế tỉnh đã giao chỉ tiêu tìm ca nhiễm mới cho từng đơn vị và đưa vào tiêu chí xét thi đua hệ y tế dự phòng; áp dụng mô hình quản lý theo mục tiêu, kết quả; dự án chi trả thù lao theo hiệu suất hoạt động.

Đáng biểu dương là Long An đã triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, nhất là về số ca HIV phát hiện kết nối điều trị; tỷ lệ bệnh nhân đạt tải lượng HIV <200cp/ml, số bệnh nhân điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP);…

Ngoài ra, chương trình đào tạo của Ban Quản lý dự án Trung ương đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của cán bộ tham gia dự án; công tác giám sát hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ Ban Quản lý dự án Trung ương liên tục tác động rất rõ trong việc tăng chỉ tiêu và cải thiện sai sót về chuyên môn. Đồng thời, có sự quan tâm của lãnh đạo UBND tỉnh và sự chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo Sở Y tế tỉnh kết hợp khen thưởng, động viên.

Thời gian tới, Long An tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để đạt mục tiêu 90-90-90 với kết quả cao nhất; triển khai chiến dịch K=K trên toàn địa bàn; tăng độ bao phủ dịch vụ tư vấn, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; tiếp tục giám sát hỗ trợ nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ.

Ban Quản lý Tiểu dự án hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS Long An đề xuất tăng số huyện trọng điểm trong kế hoạch 2020 giúp tỉnh sớm đạt mục tiêu 90-90-90 bên cạnh (cụ thể là bổ sung huyện Cần Giuộc, Cần Đước); hỗ trợ mở rộng dịch vụ tư vấn, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; kết nối vùng trong tìm ca HIV và chuyển gửi điều trị ARV; hỗ trợ tách phần mềm và đồng chi trả ARV; học tập kinh nghiệm các mô hình can thiệp mới.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh Long An là 5.322 người, số bệnh nhân đã tử vong là 1.422 (31,5%) và số bệnh nhân còn sống đang quản lý tại cộng đồng là 1.970 người.
Top