Ước mơ trở lại cộng đồng của nữ học viên cai nghiện

03/10/2019 08:57

Đến Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội, mỗi học viên là mỗi hoàn cảnh khác nhau khi đến đây. Để cảm hóa họ trở về với bản chất lương thiện, người cán bộ quản lý phải thực sự cảm thông, chia sẻ với học viên cai nghiện, giúp tránh xa ma túy thì mới có cơ hội làm lại cuộc đời.

Cảm thông, chia sẻ với người nghiện để cảm hóa

Theo lãnh đạo Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội, hiện tại đơn vị đang quản lý 385 học viên. Trong đó, có 170 học viên cai nghiện bắt buộc và 215 học viên cai nghiện tự nguyện. Đối với đối tượng học viên cai nghiện bắt buộc, cơ sở nhận hồ sơ từ các quận/huyện: Bắc Từ Liêm, Ứng Hòa, Thanh Oai. Riêng các học viên là tự nguyện thì nhận hồ sơ từ tất cả 30 quận/huyện/thị xã của Hà Nội hay một số tỉnh lân cận như Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa… Thời gian đăng ký cai nghiện tự nguyện tối thiểu từ 6 tháng. Đối tượng học viên cai nghiện bắt buộc từ 24 tháng.

Trong quá trình hoạt động, cơ sở tiếp nhận các đối tượng nghiện ma túy với vô vàn những hoàn cảnh khác nhau. Có người có tiền án tiền sự, bị nhiễm HIV và một số bệnh khác, gia đình thì không quan tâm (thậm chí hắt hủi)… khiến cho người nghiện càng thêm phần mặc cảm, tự ti. Điều này đặt ra khá nhiều thách thức. Cán bộ quản lý học viên của cơ sở phải rất vất vả, đồng hành và tâm sự với học viên cai nghiện.

Thông qua các hoạt động giáo dục, tư vấn chuyên sâu hay tham gia lao động sản xuất, hoạt động văn hóa văn nghệ ở cơ sở nhằm tạo cho học viên những thói quen tốt, hiểu đọc tác hại của ma túy ra sao để tránh càng xa càng tốt. Người cán bộ quản lý phải cảm thông, chia sẻ với học viên để cảm hóa họ trở về với đúng bản chất lương thiện của con người. Các giai đoạn của quy trình cai nghiện cho học viên như tiếp nhận/phân loại, lên đội quản lý giáo dục/dạy nghề, việc làm, tái hòa nhập cộng đồng.

Các học viên của Trung tâm tham gia lao động, sản xuất

Trong số các nghề dạy cho học viên khá đa dạng như: Cắt may công nghiệp, sửa chữa xe máy, điện dân dụng, tin học, hàn, mộc… Học viên cũng được đào tạo nghề và cấp chứng chỉ. Quá trình đào tạo nghề cho học viên được thực hiện rất bài bản, sát thực tế vì cho học viên thực hành nhiều sau khi hiểu được các nguyên lý cơ bản.

Sau khi hết thời gian cai nghiện và trở về với cộng đồng, đã có không ít học viên đã tự kiếm sống và có thu nhập khá cao bằng nghề mà mình được học tại cơ sở. Một điều tối quan trọng nữa đó là sự quyết tâm của chính các học viên. Khi trở về với gia đình, học viên phải có đủ sức mạnh và quyết tâm tránh xa ma túy để lao động chân chính, nếu không sẽ xảy ra tình trạng tái nghiện.

Ước mơ làm nail của nữ học viên

Là một cô gái mới 27 tuổi quê ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, nhưng Cao Tiểu M đã sử dụng ma túy từ những năm còn học cấp 3. Hoàn cảnh gia đình khá éo le khi từ nhỏ M đã vắng đi tình yêu thương từ bố mẹ, người nuôi nấng và chăm sóc em là bà ngoại của mình. Dù đã gần 80 tuổi nhưng chính bà ngoại đã là người trực tiếp đưa M lên Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 để bắt đầu quá trình cai nghiện từ tháng 5-2019.

M tâm sự: “Hồi còn đi học em hay đua đòi cùng bạn bè vào những chuyến đi chơi ở bar, liên hoan và rồi dính vào ma túy đá. Lúc đó em cảm thấy rất hưng phấn, trong đầu lúc nào cũng vang lên tiếng nhạc âm thanh lớn. Thế rồi, em cứ nói dối bà là xin tiền để đi đóng học trên lớp mà nướng hết vào mua ma túy. Mỗi lần dùng ma túy em thường mua hết khoảng 1 triệu đồng và dùng trong một ngày.

Khi vào đây cai nghiện và điều trị cắt cơn trong tháng đầu tiên, em cảm thấy trong người bứt rứt, khó chịu. Nhưng dần dần em mới nhận ra, chính tình thương và sự động viên của các thầy cô trong này đã giúp em vượt qua những cơn thèm thuốc, vật vã đó. Ảo giác lúc dùng ma túy dần phai mờ và thay vào đó là thích đi lao động, sản xuất, tham gia văn nghệ hơn”.

Cô gái 9X cho biết, ước mơ và cũng là nghề nghiệp mà trước khi vào đây cai nghiện mình vẫn làm đó là nghề cắt tóc, sơn sửa móng tay (nail). Nếu chịu khó làm và chi tiêu hợp lý, thu nhập mỗi tháng của M có thể dao động từ 12 – 15 triệu đồng. Sau này khi cai nghiện xong, M sẽ tiếp tục làm công việc mình yêu thích để kiếm tiền một cách chân chính bằng chính sức lao động của mình.
Top