Đà Nẵng: Điểm tựa tinh thần vững chắc cho người nhiễm HIV

30/09/2019 14:36

Một số người nhiễm HIV đã tìm đến các đồng đẳng viên (ĐĐV) thuộc Nhóm chăm sóc tại nhà và cộng đồng (Khoa Phòng chống HIV/AIDS và quản lý điều trị nghiện chất, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố) với mong muốn được hỗ trợ điều trị và hơn hết là vực lại tinh thần, lấy lại niềm tin cuộc sống.

 Ngày thứ năm của tuần cuối cùng trong tháng, nhóm chăm sóc tại nhà và cộng đồng tổ chức buổi sinh hoạt để báo cáo tình hình hoạt động, đưa ra những đề xuất, kiến nghị

Theo sự dẫn đường của chị Trần Thị Kim Hạnh, Trưởng nhóm chăm sóc tại nhà và cộng đồng (CSTN&CĐ), tôi đến gặp chị H., một thành viên của nhóm. Chị H. tiếp tôi trong căn phòng trọ chật hẹp, nơi chị và hai con thơ đang sống qua ngày với xe nước mía và gánh hột vịt lộn mỗi đêm.

Chị H. cho biết, năm 2007, trong một lần đi khám bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh, chị biết mình bị nhiễm HIV, có thể lây từ chồng. Sau khi về Đà Nẵng điều trị được 9 tháng, chị ra Hà Nội tiếp tục điều trị. Năm 2009, chị lại quay về Đà Nẵng. Trong những lần đến khám, nhận thuốc tại Phòng khám ngoại trú, Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng, được tiếp xúc với những người có hoàn cảnh giống mình, chị H. quyết định trở thành một ĐĐV từ năm 2014 đến nay.

 “Lúc đầu, tôi sống khép kín lắm nhưng khi tiếp xúc với anh em, bạn bè ĐĐV, mọi người lúc nào cũng tìm cách chia sẻ với tôi, tôi dần cởi mở. Đến khi trở thành một ĐĐV, tôi thấy công việc này cũng không khó khăn chi mà ngược lại còn giúp tôi cảm thấy vui, khỏe, lạc quan hơn. Chứ lúc trước, hay tin mình bị nhiễm HIV xong là tôi bi quan lắm. Tôi muốn chết mấy lần…”, chị H. tâm sự.

Tham gia Nhóm CSTN&CĐ từ năm 2012 đến nay, anh T. được chị Hạnh giới thiệu là một trong những ĐĐV hoạt động tích cực nhất trong nhóm. “Tôi công khai việc nhiễm HIV, quanh đây ai cũng biết nên mọi người cứ hỏi chuyện, không phải ngại chi hết”, anh T. mở đầu cuộc gặp gỡ. Anh kể, giữa năm 2011, anh quen một cô bé lao công tại nơi anh làm việc và cũng chính cô gái ấy đã lây HIV sang anh. May mắn, thay vì la mắng, xa lánh thì gia đình anh T. chọn cách đồng hành với anh. Và nhờ nhận được sự đồng cảm, anh nhanh chóng vượt qua bi quan nên anh luôn mong muốn được giúp đỡ những người cùng cảnh sớm vực lại tinh thần như mình. Năm 2012, anh T. được hai ĐĐV giới thiệu vào tham gia Nhóm CSTN&CĐ.

Anh H., một trong số 43 người nhiễm HIV đã và đang được anh T. hỗ trợ chăm sóc, tư vấn chia sẻ: “Tôi được anh T. hỗ trợ từ năm 2016 đến nay. Anh ấy tốt và nhiệt tình. Không kể sáng sớm hay đêm khuya, trời mưa hay trời nắng, lúc nào tôi gặp vấn đề gì, mẹ tôi gọi sang nhờ là anh ấy đi ngay. Từ lúc gặp anh T., tôi cũng cảm thấy lạc quan hơn. Chứ ngày trước tôi bi quan, suốt ngày tìm đến rượu giải sầu nên mới bị thêm tai biến”.

Chị Kim Hạnh cho biết, Nhóm CSTN&CĐ được thành lập từ tháng 3-2011 và hoạt động theo Quy chế hoạt động nhóm chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại nhà và cộng đồng thành phố Đà Nẵng tại Quyết định số 808/QĐ-SYT ngày 29-3-2013 của Giám đốc Sở Y tế. Từ khi mới thành lập, nhóm CSTN&CĐ có 16 thành viên bao gồm những người nhiễm HIV, nhân viên của một số dự án phòng, chống HIV/AIDS và thành viên của các tổ chức tôn giáo đóng trên địa bàn thành phố.

Mục đích ban đầu của nhóm là tiếp cận để tư vấn, giúp người bị nhiễm HIV/AIDS ổn định tâm lý, bớt mặc cảm về bản thân, sống lạc quan và hòa nhập với cộng đồng. “Trong quá trình hoạt động, một số thành viên đã xin rời khỏi nhóm do gặp khó khăn về thời gian và công việc. Tuy nhiên, với quyết tâm không để nhóm tan rã, những thành viên còn lại vẫn năng nổ hoạt động, tích cực vận động thêm thành viên mới. Hiện Nhóm CSTN&CĐ hoạt động trên 7 quận/huyện với 15 thành viên”, chị Hạnh chia sẻ.

Ngoài những lần đến nhà hay gọi điện thăm hỏi nhau, những ĐĐV còn tranh thủ mọi lúc, mọi nơi như những buổi cùng ngồi uống cà-phê, những lần gặp gỡ chốc lát ngoài đường hay các buổi đi tái khám, xét nghiệm định kỳ để nắm tình hình, lắng nghe những khó khăn gặp phải để có hướng giúp đỡ. Qua đó, nhóm CSTN&CĐ đã giúp cho nhiều người bị nhiễm HIV/AIDS dần chuyển đổi suy nghĩ tiêu cực sang chiều hướng tích cực hơn, xóa bỏ rào cản của sự tự kỳ thị bản thân, tự tin hòa nhập với mọi người; từ đó nhóm đã tạo được cầu nối gắn kết những người bị nhiễm HIV/AIDS với xã hội.

Các thành viên trong nhóm còn phân công nhau đến Phòng khám ngoại trú, Bệnh viện Da liễu để tiếp cận các ca nhiễm mới, gặp gỡ và động viên, tư vấn hỗ trợ kịp thời những bệnh nhân mới đăng ký điều trị và khám bệnh lần đầu.Hằng tháng, nhóm tham gia họp định kỳ tại Khoa Phòng chống HIV/AIDS và quản lý điều trị nghiện chất, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố để báo cáo kết quả hoạt động, trình bày những khó khăn và cùng nhau chia sẻ tìm giải pháp khắc phục. Với nỗ lực đó, thời gian qua, nhóm đã chăm sóc, hỗ trợ gần 300 người bị nhiễm HIV (kể cả người nhiễm ngoại tỉnh đang tạm trú tại Đà Nẵng).

Bên cạnh đó, Nhóm CSTN&CĐ cũng chú trọng công tác chăm lo đời sống tinh thần cho người nhiễm. Trường hợp bệnh nhân ốm đau nặng phải nhập viện, các thành viên nhóm phân công nhau đến động viên, chăm sóc từng miếng ăn, nước uống. Các thành viên còn tự trích phần kinh phí ít ỏi của mình và vận động quyên góp để hỗ trợ cho người bệnh trong lúc khó khăn.

Không chỉ chăm sóc, hỗ trợ điều trị, làm điểm tựa tinh thần, các ĐĐV còn hỗ trợ người nhiễm HIV thực hiện chế độ Bảo hiểm Y tế (BHYT). Nhóm tuyên truyền cho người nhiễm HIV hiểu được tầm quan trọng của tấm thẻ BHYT, quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHYT; đặc biệt là tuyên truyền sự quan tâm của thành phố trong việc hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT. Theo đó, đến nay, 100% bệnh nhân có hộ khẩu tại Đà Nẵng đã mua và sử dụng BHYT, trừ một số bệnh nhân ngoại tỉnh chưa hoặc không chuyển BHYT để được hưởng BHYT .

Với bệnh nhân có hộ khẩu tại địa phương, nhóm thường xuyên động viên những người đồng cảnh ngộ thực hiện tốt cuộc vận động 3 tự: “Tự tin, tự giác và tự lập”. Trong đó, tự giác là tự công khai danh tính, mạnh dạn tới địa phương đăng ký BHYT để được hưởng các chính sách hỗ trợ hiện có tại địa phương. Còn với bệnh nhân ngoại tỉnh đang cư trú trên địa bàn thành phố, nhóm tạo điều kiện cho người bệnh đăng ký hộ khẩu KT3 tạm trú tại gia đình của ĐĐV phụ trách để được mua BHYT; đồng thời nhóm thường xuyên liên lạc với cán bộ chuyên trách HIV/AIDS quận giúp họ thủ tục liên quan trong chuyển tuyến BHYT.

“Trong quá trình hoạt động, nhóm gặp một số khó khăn như việc tiếp cận với người nhiễm HIV; nguồn viện trợ từ các tổ chức quốc tế cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS lại đang bị cắt giảm. Trong đó, điều khiến tôi trăn trở nhất là chế độ phụ cấp cho các ĐĐV còn quá thấp, trong khi các anh chị em trong nhóm hầu hết không có việc làm ổn định, cuộc sống còn nhiều khó khăn”, chị Hạnh bộc bạch.

Top