Gian nan phòng, chống tội phạm ma túy ở Ðiện Biên

09/09/2019 11:27

Thời gian qua, mặc dù lực lượng chức năng đã thực hiện các giải pháp, triển khai nhiều đợt cao điểm tiến công trấn áp tội phạm ma túy (TPMT), song công tác đấu tranh, phòng, chống loại tội phạm này trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên còn nhiều khó khăn, thách thức. Hoạt động của các đối tượng TPMT trên địa bàn tỉnh ngày càng tinh vi, manh động và luôn tiềm ẩn hiểm nguy khó lường…

Cán bộ xã Na Ư (huyện Ðiện Biên) tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy


Máu vẫn đổ trong “cuộc chiến” thời bình

Ðược xác định là địa bàn trọng điểm về ma túy (là một trong bốn tuyến vận chuyển ma túy từ khu vực Tam giác vàng vào Việt Nam), tỉnh Ðiện Biên hiện còn nhiều địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, như: Na Ư, Thanh Yên, Mường Nhà (huyện Ðiện Biên); Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ); Mường Toong (huyện Mường Nhé); Keo Lôm, Xa Dung, Pú Nhi, Phì Nhừ (huyện Ðiện Biên Ðông). Những địa bàn nêu trên có nhiều đối tượng liên quan các đường dây ma túy lớn; nhiều đối tượng đã, đang thụ án tại các trại giam ở nhiều địa phương trong cả nước. Lợi dụng địa hình rộng, hiểm trở, chia cắt, các đường dây ma túy trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên chủ yếu móc nối với các đối tượng ở Lào để mua bán, vận chuyển ma túy vào Ðiện Biên qua các tuyến từ bản Pang Hốc (Lào) qua cửa khẩu quốc tế Tây Trang; từ Huổi Lái (Lào) sang bản Pá Chả, xã Mường Pồn (huyện Ðiện Biên); từ bản Na Luông (Lào) sang bản Hạ, Na Ngum, xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên); từ Na Luông đi Púng Bon, xã Pa Thơm và xã Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên).

Khi đã “ôm hàng” ở nội địa Ðiện Biên, các đối tượng luôn sẵn sàng liều chết, chẳng có gì chúng không dám làm. Bởi thế, sau không ít lần đánh án, máu của cán bộ, chiến sĩ ở các đội phòng, chống ma túy thuộc lực lượng công an, biên phòng đã đổ. Có người đã hy sinh tính mạng trong cuộc chiến trấn áp TPMT giữa thời bình như: Trung úy Lù Văn Hinh, cán bộ Phòng Phòng, chống ma túy Bộ đội Biên phòng (BÐBP) tỉnh Ðiện Biên. Hôm đó, trưa 13/10/2013, tại khu vực khe suối Huổi Sét, bản Ban, xã Mường Nhà (huyện Ðiện Biên), Trung úy Lù Văn Hinh cùng ba cán bộ, chiến sĩ khác đã tiếp cận hai đối tượng nghi vấn, thì bất ngờ một đối tượng rút dao đâm thẳng vào Trung úy Lù Văn Hinh. Dù đau đớn nhưng Trung úy Lù Văn Hinh vẫn chồm tới vật lộn với đối tượng, nước suối Huổi Sét chuyển mầu hồng cũng là lúc anh bắt đầu lịm đi. Hai đối tượng trong vụ việc này là Thào Chừ Dơ và Thào A Công (cùng trú tại bản Phì Cao, xã Phình Giàng, huyện Ðiện Biên Ðông), sau này thừa nhận, đã vô cùng sợ hãi trước tinh thần và sức mạnh của Trung úy Lù Văn Hinh.

Mới đây, tại khu vực đội 2 thuộc xã Noong Luống, huyện Ðiện Biên, hàng chục cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Ðiện Biên); BÐBP, Hải quan tỉnh Ðiện Biên lại bước vào “cuộc chiến” mới. Dù kế hoạch phá Chuyên án 919L được chuẩn bị chu đáo, song mọi người không khỏi không lo lắng, bởi đối tượng Lò Lả (sinh năm 1969, tên thường gọi là Peng Lả Lò), quốc tịch Lào, hộ khẩu thường trú tại bản Huổi Khum, huyện Mường Say, tỉnh U Ðom Xay (Lào) rất ranh mãnh, lọc lõi khi luôn đem theo vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng. Lường trước những tình huống đó, nhưng khi đối mặt với Lò Lả, cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Ðiện Biên vẫn không ngờ, Lò Lả cố lao vào với con dao nhỏ nằm gọn trong lòng bàn tay. Thu giữ 50 kg ma túy đá của Lò Lả và đồng bọn, lực lượng phá án chỉ thở phào khi trở về mà người vẫn an toàn.

Cần giải pháp đồng bộ

Các vụ án nêu trên chỉ là hai vụ điển hình trong số hàng trăm vụ án ma túy mà các lực lượng chức năng tỉnh Ðiện Biên đã bóc gỡ thời gian gần đây. Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Ðiện Biên, riêng sáu tháng năm 2019, lực lượng Phòng, chống ma túy toàn tỉnh đã điều tra, khám phá 353 vụ, bắt 410 đối tượng phạm tội về ma túy. Tang vật thu giữ gồm: 15,34 kg heroin; 18,27 kg thuốc phiện; 3,46 kg ma túy tổng hợp; 36 xe máy, 61 điện thoại di động, 10 khẩu súng và 15 viên đạn. Trong đó, riêng lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh) đã phát hiện 187 vụ, 330 đối tượng; tang vật thu giữ 10,84 kg heroin, 14,67 kg thuốc phiện và 2,3 kg ma túy tổng hợp. Nếu tính trung bình, mỗi ngày Ðiện Biên bóc gỡ 1,96 vụ án về ma túy, với ít nhất là hai đối tượng tham gia.

Ðại tá Lê Bá Long, Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm (BÐBP tỉnh Ðiện Biên) - người trực tiếp chỉ huy nhiều chuyên án lớn về ma túy trên khu vực biên giới cho biết: Các đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy thường sử dụng các loại vũ khí “nóng” để chống trả lực lượng chức năng. Ðặc biệt, chúng sử dụng người trong dòng họ, dân tộc phía nội biên cấu kết với các đối tượng ở ngoại biên để hình thành các đường dây xuyên quốc gia, do vậy công tác đấu tranh, bóc gỡ các đường dây ma túy ngày càng khó khăn, khốc liệt.

Ðề cập vấn đề này, Thiếu tá Bùi Thanh Nhật (Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Ðiện Biên) cho biết: Khó khăn nhất trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy ở địa phương hiện nay là, tại các địa bàn giáp biên, các đối tượng mua bán ma túy thường sử dụng anh em họ hàng làm “người vận chuyển” cho đường dây cho nên thông tin được bảo vệ; lực lượng phá án khó xâm nhập. Siêu lợi nhuận do ma túy mang lại cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến TPMT liều mạng mua bán, vận chuyển. Một bánh hê-rô-in mua tại Lào có giá khoảng 80 - 90 triệu đồng, vận chuyển trót lọt vào Ðiện Biên đã tăng lên 130 - 150 triệu đồng, sang đến Lào Cai có giá 200 triệu đồng, đưa về Hà Nội là 250 triệu đồng, nếu sang nước thứ ba giá tăng lên 300 triệu đồng/bánh heroin... Nếu “người vận chuyển” bị bắt, những ông trùm bên kia biên giới sẽ tổ chức chuyến hàng khác lớn hơn, với mục đích “chuyến sau bù chuyến trước”. Ðây là thực tế lý giải nguyên nhân vì sao cứ các vụ án ma túy phá được sau lại có số lượng ma túy lớn hơn vụ trước.

Ðể đấu tranh hiệu quả với TPMT, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh Ðiện Biên, thời gian qua các lực lượng phòng, chống ma túy của ba ngành: Công an, BÐBP, Hải quan tỉnh Ðiện Biên đã chủ động phối hợp chặt chẽ trong công tác nghiệp vụ, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất lượng ma túy từ bên ngoài thâm nhập vào địa bàn. Ðồng thời, tăng cường phối hợp, hợp tác quốc tế với Công an các tỉnh bắc Lào và Trung Quốc để phòng, chống tội phạm ma túy từ cửa ngõ biên giới; phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương quản lý địa bàn, tránh để xảy ra các điểm nóng, các tụ điểm bán lẻ ma túy hoạt động.

Cùng với đó, các lực lượng thường xuyên mở nhiều đợt ra quân, truy quét, đấu tranh quyết liệt với tệ nạn ma túy. Tại những địa bàn phức tạp, như: Mường Nhà, Mường Lói, Na Ư, Na Tông, Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên), Nà Bủng, Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ); Pú Nhi, Pú Hồng (Ðiện Biên Ðông)…, các cơ quan chức năng tỉnh Ðiện Biên còn tập trung nhiều hoạt động đổi mới công tác cai nghiện ma túy, triển khai nhiều mô hình thí điểm sản xuất, chăn nuôi tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, hướng người dân vào các hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế lành mạnh, từ đó nâng cao cảnh giác, tránh xa cám dỗ của các “trùm” ma túy. Ðiều trị nghiện bằng thuốc Methadone cũng được xem là chương trình trọng điểm được tỉnh Ðiện Biên ưu tiên thực hiện để hỗ trợ các đối tượng cai nghiện ma túy trên địa bàn.

Tuy nhiên, để công tác đấu tranh phòng, chống TPMT hiệu quả, giảm số người nghiện ma túy trên địa bàn, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành trong tỉnh Ðiện Biên cần tiếp tục vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống TPMT bằng nhiều hình thức; quan tâm tạo việc làm cho người lao động; không kỳ thị người nghiện hay gia đình có người nghiện ma túy.

“Không coi công tác đấu tranh, phòng, chống TPMT là nhiệm vụ riêng của Công an hay BÐBP, mà chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân cùng vào cuộc, tăng cường phối hợp đấu tranh thì công tác phòng, chống ma túy mới hiệu quả, Ðại tá Tráng A Tủa, Phó Giám đốc Công an tỉnh Ðiện Biên nhấn mạnh như thế khi đề cập giải pháp phòng, chống ma túy tại Ðiện Biên.

Top