Đổi thay trên vùng 'đất chết' Tả Lèng

05/09/2019 11:22

Vùng đất Tả Lèng (Tam Đường, Lai Châu) từng được coi là vùng "đất chết" khi nhà nhà, người người phải gánh chịu hệ lụy từ việc trồng cây thuốc phiện. Từ khi Đảng và Nhà nước đưa ra chủ trương cấm trồng cây thuốc phiện; đồng thời, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở vùng dân tộc thì vùng đất này đã thực sự hồi sinh.

Trên diện tích đất trồng cây thuốc phiện ngày ấy, hôm nay là những vạt rừng xanh tốt, những cánh đồng lúa, ngô... mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.

Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với vườn đồi rừng là hướng đi để bà con dần thoát khỏi đói nghèo

Con đường đất dựng đứng nối trung tâm xã Tả Lèng với bản Tả Lèng II ngày nào còn trơn trượt, mùa mưa đi lại rất khó khăn, giờ đây đã được thay bằng con đường bê tông sạch đẹp. Với địa hình cao khoảng 1.200 mét so với mực nước biển, khí hậu thuận lợi, xưa kia Tả Lèng là vựa thuốc phiện của vùng Tây Bắc. Diện tích đất của xã chỉ có một ít trồng các loại cây lương thực như lúa, ngô, còn đa phần là được bà con dùng để trồng cây thuốc phiện.  

Ông Hảng A Dê, người từng trồng cây thuốc phiện ở đây kể lại: Hồi Nhà nước chưa cấm, bà con trồng cây thuốc phiện khắp bản, khắp nương ruộng; bà con hút thuốc phiện như một phong trào.

"Khi nhà nước chưa cấm cây thuốc phiện thì nhà nào trong bản cũng trồng, có những hộ thu được vài ba cân nhựa. Nhựa thuốc phiện bà con mang về để sử dụng, làm thuốc cho gia súc, bán cho những người nghiện không tự trồng được, nên bà con thiếu đói nhiều lắm. Sau khi nhà nước cấm trồng rồi thì bà con mới có cái ăn, cái mặc, con cái mới được đi học đầy đủ", ông Hảng A Dê nói.

Ông Hảng A Dê, nhân chứng từng trồng cây thuốc phiện cho rằng nhờ chủ trương của Đảng, nhà nước, cuộc sống của bà con bản mình mới được no ấm

Ông Hảng A Lử, Trưởng Công an xã Tả Lèng cho biết "Hút thuốc phiện kéo theo cái đói nghèo lạc hậu, an ninh trật tự phức tạp. Đến năm 2010, trên địa bàn vẫn còn hơn 50 người nghiện; cấp ủy, chính quyền xã phải quyết liệt đưa đi cai; hiện nay, số người nghiện ở địa phương vẫn còn 6 người".

"Từ những năm 1990 là bắt đầu phá nhỏ hết rồi, chỉ còn một số hộ gia đình người ta cố tình trồng thôi. Lúc đầu vận động bà con phá nhổ thì dân cũng phản đối quyết liệt lắm. Nhưng mà về sau đưa ra tác hại của cây thuốc phiện, nhiều người phải đi tù tội, vợ chồng chết sớm, đẻ con ra thì mồ côi, không nơi nương tựa, nhà cửa thì không làm được. Cho nên người dân thấy được các hệ lụy liên quan đến thế hệ sau thì dân người ta cũng ủng hộ", ông Hảng A Lử nói.

Xã Tả Lèng có 12 bản, với trên 90% là đồng bào dân tộc Mông. Sau gần 30 năm nhà nước vận động từ bỏ cây thuốc phiện, nhờ chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đường giao thông về xã hôm nay đã được rải nhựa; khắp các trục đường bản xanh, sạch, đẹp nhờ bê tông hóa.

Cánh đồng cây thuốc phiện trước đây, nay là thung lũng ruộng bậc thang, một năm hai vụ lúa, ngô, cung cấp nguồn lương thực chính cho người dân. Ngoài ra, hơn 3.000 ha rừng khoanh nuôi, bảo vệ cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể hàng năm.

Cánh đồng trước kia từng trồng cây thuốc phiện nay được người dân trồng hai vụ lúa và ngô

Ông Phạm Văn Kiện, Chủ tịch UBND xã Tả Lèng cho biết: "Xã Tả Lèng có 12 bản, với trên 90% là đồng bào dân tộc Mông. Sau gần 30 năm nhà nước vận động từ bỏ cây thuốc phiện, nhờ chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đường giao thông về xã hôm nay đã được rải nhựa; khắp các trục đường bản xanh, sạch, đẹp nhờ bê tông hóa. Cánh đồng cây thuốc phiện trước đây, nay là thung lũng ruộng bậc thang, một năm hai vụ lúa, ngô, cung cấp nguồn lương thực chính cho người dân. Ngoài ra, hơn 3.000 ha rừng khoanh nuôi, bảo vệ cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể hàng năm".

"Trong những năm qua, bà con trên địa bàn đã triển khai những mô hình cây con giống, ví dụ như cây dược liệu, cây sa nhân trên địa bàn; trồng cây sơn tra để phát triển kinh tế, phủ xanh đất trống. Chăn nuôi thì phát triển đàn gia súc phù hợp với địa bàn, như là đàn trâu, đàn ngựa, dê. Đến thời điểm này thì tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã đã giảm và đời sống của bà con đã được nâng lên rất nhiều", ông Phạm Văn Kiện, Chủ tịch UBND xã Tả Lèng cho biết.

Dù cuộc sống còn không ít khó khăn, song Tả Lèng hôm nay không còn hộ nào thiếu đói, không còn những ngôi nhà tranh xiêu vẹo tạm bợ. Thay vào đó là những ngôi nhà trệt truyền thống dân tộc Mông, dân tộc Dao kiên cố. Cùng với đó là các công trình hạ tầng nhà nước đầu tư như điện, đường, trường, trạm khang trang. Diện mạo vùng "đất chết" Tả Lèng  từng là vựa thuốc phiện vùng Tây Bắc ngày nào, nay đã thực sự hồi sinh.

Top