Thanh Hóa: Hơn 2.600 bệnh nhân được điều trị Methadone

04/09/2019 16:28

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, tính đến tháng 6/2019, có 2.607 bệnh nhân đang tham gia điều trị Methadone tại 25 cơ sở điều trị, trong đó Cơ sở điều trị Methadone tại Trung tâm đang điều trị cho 243 bệnh nhân; 366 bệnh nhân tham gia điều trị Methadone nhiễm HIV.

 Điều trị Methadone giúp giảm thiểu lây nhiễm HIV và hành vi phạm pháp. Ảnh: Thùy Chi

Trong 5 tháng đầu năm, số bệnh nhân vào điều trị 331 bệnh nhân (bệnh nhân mới 279, chuyển đến 29, điều trị lại 23), có 363 bệnh nhân ra khỏi chương trình (chuyển đi 42, tử vong 3, ngừng điều trị 318). Có trên 80% số điều trị trên 2 tháng đã từ bỏ không sử dụng ma tuý. 100% bệnh nhân tăng cân từ 1-15kg; 72% bệnh nhân tự đánh giá chất lượng sống tốt theo tiêu chuẩn của WHO so với tỷ lệ trước khi điều trị. Tỷ lệ bệnh nhân hòa nhập với gia đình và cộng đồng cải thiện đáng kể. Bệnh nhân có việc làm tăng từ 26% lên 52%. Vi phạm pháp luật giảm từ 35% xuống < 2,6%. An ninh trật tự khu vực có bệnh nhân tham gia điều trị có nhiều cải thiện.

Riêng tại cơ sở ở Trung tâm Y tế Thành phố Thanh Hóa đang quản lý điều trị 610 bệnh nhân (cơ sở điều trị chính 380 bệnh nhân; cơ sở cấp phát thuốc phường Phú Sơn 140 bệnh nhân; cơ sở cấp phát thuốc phường Quảng Hưng 90 bệnh nhân). Ðể công tác điều trị đạt hiệu quả tích cực, trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với cán bộ y tế xã, phường lồng ghép tuyên truyền tác hại của ma túy, các chất gây nghiện trong các cuộc họp, vận động người nghiện đến cơ sở điều trị bằng thuốc Methadone. Ðặc biệt, khi người nghiện đến khám được cán bộ y tế tư vấn, khám sàng lọc, căn cứ số lần sử dụng ma túy của từng người để sử dụng thuốc Methadone phù hợp. Kết quả theo dõi quá trình tuân thủ điều trị của bệnh nhân có 55,3%; tỷ lệ bệnh nhân bỏ uống thuốc trong ngày có sự dao động từ 0,2 - 0,4% (lý do chính của nhóm bệnh nhân này là do điều kiện công việc không về kịp giờ uống thuốc).

Trong quá trình triển khai chương trình Methadone tại cơ sở điều trị và 2 cơ sở cấp phát thuốc chưa thấy có hiện tượng quá liều xảy ra. Không có bệnh nhân nào tử vong do quá liều hoặc do tác dụng không mong muốn của thuốc gây ra. Đa số bệnh nhân có cải thiện về sức khỏe, chuyển biến tích cực về thái độ cũng như cuộc sống sau thời gian điều trị; cân nặng tăng từ 3-10 kg/bệnh nhân. Nhờ uống thuốc Methadone nên các bệnh nhân bị nhiễm HIV, viêm gan B, viêm gan C sẽ giảm nguy cơ lây truyền bệnh cho người khác và bản thân các bệnh nhân chưa bị nhiễm sẽ không còn nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tiêm chích ma túy.

Kết quả theo dõi về xã hội, việc làm và vi phạm pháp luật, tỷ lệ bệnh nhân có việc làm (lao động phổ thông) tăng từ 37,6% lên 76,2% tổng số bệnh nhân tham gia điều trị; kinh tế gia đình không bị ảnh hưởng bởi ma túy, bản thân bệnh nhân có trách nhiệm hơn với gia đình và cộng đồng, có thể tự lao động tăng thu nhập cho bản thân.

Sau 8 năm triển khai, đến nay việc điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại Thanh Hóa bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần làm giảm tình trạng sử dụng ma túy, vi phạm pháp luật, lây nhiễm HIV trong cộng đồng; cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người tham gia điều trị.

Để công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone trên toàn tỉnh đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đề nghị, địa phương quan tâm làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về lợi ích của điều trị Methadone đối với người nghiện các chất dạng thuốc phiện; nâng cao chất lượng điều trị; tăng cường hỗ trợ kỹ thuật và kiểm tra giám sát định kỳ tại các co sở điều trị Methadone; tăng cường công tác phối hợp bảo đảm an ninh trật tự tại các điểm uống.

Hoàn thành triển khai phầm mềm liên thông quản lý bệnh nhân điều trị theo chỉ đạo của Bộ Y tế (tạo tài khoản cho các điểm uống để khẩn trương nhập liệu, chuyển đầu đọc thẻ cho các điểm, in mã vạch cho bệnh nhân…); góp phần nâng cao hiệu suất lao động, tạo môi trường làm việc hiện đại cho các cơ sở điều trị, giảm thiểu các thủ tục hành chính, hồ sơ bệnh án, thống kê báo cáo; góp phần nâng cao chất lượng điều trị và quản lý người bệnh, tạo điều kiện thuận lợi để người bệnh tuân thủ điều trị.
Top