Hiệp sĩ "cứu" sốc ma túy: Hơn một lần đi qua bóng đêm

03/09/2019 10:26

Rong ruổi từ Bắc vào Nam, nhiều lần trốn chạy cái “chết trắng", vượt qua định kiến xã hội cùng sự mê hoặc chết người của ma túy, người đàn ông mạnh mẽ làm lại cuộc đời.

"Trụ sở" của CLB Thành Công - Phú Lương

Ngôi nhà cấp 4 cạnh cây xăng Dốc Võng, Km 8 Sơn Cẩm, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên với tấm biển “Cứu sốc 24/24” là nơi sinh hoạt của các anh em Câu lạc bộ (CLB) Thành Công - Phú Lương.

Được thành lập vào năm 2015, CLB Thành Công - Phú Lương là một trong những đơn vị đóng góp tích cực cho các hoạt động hỗ trợ cộng đồng người sử dụng ma túy tại địa phương. Ít ai biết rằng sự ra đời của CLB lại là cú lội ngược dòng đầy gian truân từ vòng xoáy ma túy của chính anh Lê Trung Tấn - trưởng nhóm.

Gió đổi chiều...

Sinh ra trong một gia đình nghèo với 7 anh chị em, anh Tấn sớm vào đời theo bạn bè đi làm ăn. Năm 1991, khai thác được vàng, chàng thanh niên 25 tuổi về xuôi mua xe Dream, rồi xe Win. Anh kể lúc bấy giờ như thế là “hoành tráng” lắm, nào có nghĩ đến chuyện tậu nhà, tậu trâu, ổn định nhà cửa.

Rồi gió đổi chiều, ròng rã 2-3 năm, nuôi hơn 80 quân trên bãi mà không được vàng, anh Tấn phải bán hết xe cộ, bỗng chốc cuộc đời lại quay về hai bàn tay trắng. Vì muốn cậu con út tu chí, bố mẹ xin cho anh vào làm lái xe tại một công ty ở Hà Nội nhưng ngựa quen đường cũ, anh bị cơ quan phát hiện sử dụng ma túy và bị đình chỉ công tác. Không dám ở nhà, anh Tấn tìm về cuộc sống trên bờ bãi và tiếp tục những tháng ngày chìm đắm trong làn khói trắng.

Nhiều lần vào, rồi lại ra trung tâm cai nghiện mà vẫn không dứt bỏ được ma túy, chàng thanh niên Tấn rong ruổi chạy xe Nam Bắc rồi chuyển vào Tây Nguyên làm ăn, cũng để tạm xa "bão trắng" ngoài Bắc. Vào trong Đắk Lắk, anh thuê một quán nhỏ ở Buôn Ma Thuột, lúc thì cắt tóc, lúc đi lái máy cày thuê, sửa xe máy, xe đạp, và nhận công trình xây. Thế rồi giữa núi rừng Tây Nguyên nắng gió ấy, nhân duyên đưa anh đến với tình yêu của đời mình.

Kể chúng tôi nghe về buổi đầu ngồi một góc nhìn trộm chị, anh Tấn tủm tỉm cười, đôi mắt anh ánh lên niềm vui xen chút ngại ngùng. Ngày ấy khó khăn, anh chịu khó làm đủ nghề, đi buôn cả phân bò, mong sao kiếm được tiền để rủ người yêu đi chơi.

"Lúc ấy cách xa nhau lắm, cả trăm cây số. Hôm đi làm rẫy ở nhà bác xuống, anh lén xem số giày của chị. Nghĩ thầm người yêu hơi thấp thấp, mình chọn đôi giày cao cao một tí. Lúc đấy cũng khó khăn lắm, cả tuần sau mới có tiền. Nhớ số giày, mình lên Buôn Ma, tìm bằng được đôi giày cảm thấy ưng ý, mua về tặng Lê".

Chị Đinh Thị Lê, vợ anh Tấn cũng không giấu nổi hạnh phúc khi nhớ về kỷ niệm xưa: “Ngày xưa đi làm, mình toàn đi chân đất thôi, bây giờ nhìn chân là đã biết rồi, chân rất là xấu…”.

Một buổi sinh hoạt của CLB Thành Công - Phú Lương

Món quà giản dị và tấm chân tình ấy đã làm rung động trái tim của cô gái hiền hậu được xóm giềng yêu quý. Bước vào tình yêu với anh Tấn, chị không khỏi nghĩ ngợi khi những người xung quanh hỏi chị có xác định gắn bó cuộc đời mình với một người nghiện ma túy không, không sau này khổ thì phải chịu. Sinh ra trong một gia đình đông anh em, bố mẹ chia ly, không có điều kiện học hành, chị Lê đi làm công nhân từ sớm. Hoàn cảnh khó khăn từ tấm bé khiến chị thấu hiểu thiện lương cùng tình cảm chân thành mà người đàn ông từng trải này dành cho mình, chị quyết định về chung một nhà với anh.

Những tưởng mái ấm gia đình sẽ khiến mình anh đoạn tuyệt với ma túy nhưng lại một lần nữa, lầm đường lạc lối, anh Tấn tìm đến ma túy. Anh phải vào trung tâm cai nghiện 18 tháng khi vợ mang bụng bầu 7 tháng.

Kể về quãng thời gian đơn độc ấy, chị Lê ngẹn ngào nhớ lại ngày bụng mang dạ chửa, lặn lộn vào Nam sinh con rồi một mình nuôi con. Khi ấy, bà nội mới mất, ông nội già yếu, ngoài Bắc không người thân, không công ăn việc làm ổn định.

“Chị nhớ hồi đó rửa xe, mùa đông, cứ để con đứng ở bộ cửa. Có lúc khách rửa xe đến 2-3 khách liên tục, con khóc, cứ giơ tay, lúc ấy chưa biết nói mà, nước mắt, rồi bong bóng mũi cứ phập phồng, mẹ lại không bế được, rồi tự nín. Có hôm lại rải cho cái chiếu, con vừa ngồi vừa ngủ...”.

Nhiều đêm trong trung tâm cai nghiện, anh Tấn vắt tay lên trán nghĩ cảnh trốn về với vợ con. Thương vợ con bao nhiêu, anh càng cảm thấy bất lực nhưng rồi lại tự mình đấu tranh để ở lại cai nghiện, mong mỏi từng ngày để được đoàn tụ với vợ con. Khi con một tuổi, anh Tấn được về nhà.

Tất cả mong chờ của người cha hóa hụt hẫng và tủi buồn khi cậu con chưa một lần gặp mặt, nhất quyết không theo vì nghĩ bố là người lạ. Những ngày ấy, quầy quán vắng leo lét, gạo ăn có bữa còn thiếu, anh xót xa khi bác sĩ kết luận con trai bị suy dinh dưỡng độ 3. Chưa bao giờ cuộc đời lại khó nhọc với vợ chồng anh đến thế.

Hành trình ngược dòng

Chị Lê vẫn còn nhớ như in năm 2013, ngày anh Tấn nhận được cuộc gọi từ xã, báo tin anh được bắt đầu uống methadone. “Nhớ hôm đấy, đang rửa xe ngoài kia, anh Tấn nghe được cuộc điện, anh ấy sướng quá, vừa nhảy vừa reo lên bảo chuẩn bị được đi uống methadone rồi.”

Từ khi uống methadone, sức khỏe dần ổn định, anh Tấn dần tu chí làm ăn. Ngày ngày, anh đi khắp các quán nước mía, xin ngọn mía về trồng trên mảnh đất đi mượn của hội cựu chiến binh xóm. Thời gian đó, anh cũng hỗ trợ Trung tâm y tế huyện trong các hoạt động cộng đồng. Sau đó, anh thành lập CLB tự lực hỗ trợ người sử dụng ma tuý, cùng các anh em đi gắp bơm kim tiêm ở các điểm nóng tại địa phương và tiếp cận, tư vấn về lợi ích của methadone.

 Anh Tấn và chị Lê hiện rất hạnh phúc với cuộc sống hiện tại

Năm 2015, được sự hỗ trợ của Dự án Quỹ toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS, anh Tấn là một trong sáu người của huyện đi học đào tạo xét nghiệm sàng lọc HIV tại cộng đồng. Lúc đó, anh kêu gọi thêm những anh em có tâm huyết với cộng đồng, thành lập nhóm Thành Công - Phú Lương với 18 thành viên nòng cốt.

Các công việc chính của nhóm, bao gồm: tiếp cận những người sử dụng ma túy, truyền thông giảm hại, xét nghiệm sàng lọc HIV, chuyển gửi đến các cơ sở điều trị ARV; tư vấn, hỗ trợ những người sử dụng ma túy điều trị methadone, hỗ trợ Phòng khám ngoại trú methadone Phú Lương truyền thông về việc tuân thủ điều trị ARV và lợi ích của methadone.

Khi được hỏi về động lực để anh theo đuổi các hoạt động cộng đồng, anh chia sẻ “Cái động lực, thực sự là vì…anh từng khổ quá! Mình nghĩ là trước đây, mình khổ như nào, mình chỉ vì nghiện mà khổ cực, rồi để cho vợ con phải khổ như vậy. Mình thật tâm muốn dìu dắt những người sử dụng ma túy để tham gia vào công việc có ích trong xã hội.”.

Hiện tại, phần lớn các thành viên trong CLB đều là những người từng sử dụng ma túy, những người cũng giống như anh Tấn, từng qua bao đắng cay, ngược dòng tìm về một cuộc đời lương thiện. Thương người, trách nhiệm và nhiệt tình, là những từ mà anh em CLB Phú Lương - Thành Công vẫn thường nói về người trưởng nhóm này.

Bài 2: Những "hiệp sĩ" thầm lặng: Cứu sốc 24/24

Top