Cần bổ sung cơ chế, chính sách xã hội hóa công tác cai nghiện

26/08/2019 16:28

Nhằm tăng cường công tác cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc, cơ quan Nhà nước cần có quy định cụ thể về chế độ, chính sách trong công tác cai nghiện. Đặc biệt là chính sách khuyến khích các tổ chức cai nghiện dân lập và cần một cơ chế quản lý chặt chẽ các cơ sở cai nghiện này cho phù hợp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người nghiện.

Thăm khám bệnh cho học viên cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma tuý số 1 tỉnh Thanh Hoá

Trong chuyển đổi, quản lý các cơ sở cai nghiện, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích cai nghiện tự nguyện; hỗ trợ người sau cai nghiện; thu hút các nguồn lực xã hội tham gia công tác cai nghiện; đổi mới cách thức quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm việc tại các cơ sở cai nghiện.

Tuy nhiên, công tác quản lý người nghiện chậm đổi mới; một số cơ sở cai nghiện xuống cấp; điều kiện ăn ở, sinh hoạt còn hạn chế; chất lượng dịch vụ tư vấn, trị liệu chưa cao…

Giảm chi ngân sách tương đương trên 11%

Theo số liệu của Bộ Công an, tính đến ngày 30/6/2019, cả nước có 230.767 người nghiện (tăng 5.668 người so với năm 2018). Tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp (ATS) chiếm khoảng 70-75% trong tổng số người nghiện ma túy (ở các tỉnh khu vực phía Nam và Tây Nam bộ tỷ lệ này lên đến 90-95%).

Về công tác cai nghiện, theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, đến nay cả nước có 79 cơ sở cai nghiện công lập có chức năng tổng hợp, trong đó có cai nghiện tự nguyện và điều trị Methadone; 18 cơ sở cai nghiện chỉ làm cai nghiện tự nguyện và điều trị Methadone, hàng năm các cơ sở cai nghiện ma túy công lập đã tiếp nhận và cai nghiện tự nguyện cho trên 5.000 lượt người.

Hiện nay, phần lớn các cơ sở cai nghiện đã chuyển đổi theo Đề án 2596 nên chất lượng dịch vụ có phần được cải thiện, nhưng vẫn còn hạn chế vì chất lượng nguồn nhân lực chưa được cải thiện, tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp tăng rất nhanh trong khi đa số cán bộ chưa có kinh nghiêm, chưa được đào tạo chuyên sâu về quản lý, điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp, chất hướng thần.

Bên cạnh đó, hệ thống dịch vụ cai nghiện ngoài công lập cũng được hình thành. Tính đến hết năm 2018 có 23 cơ sơ cai nghiện ma túy tự nguyện được cấp phép, nhưng 7 cơ sơ đã ngừng hoạt động. Có 2 cơ sơ quy mô tiếp nhận dưới 60 lượt người/năm và 13 cơ sơ trên 100 lượt người/năm. Tính bình quân hàng năm các Cơ sơ này đã tiếp nhận khoảng hơn 4.000 lượt người.

Ngoài lực lượng y bác sỹ được đào tạo chuyên môn sâu, còn lại chưa được đào tạo bài bản, nên các hoạt động tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho người nghiện còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, do quy mô nhỏ, lực lượng cán bộ hạn chế nên việc quản lý, chăm sóc những đối tượng có hành vi gây rối rất khó khăn. Mặt khác, hiện nay người sử dụng ma túy tổng hợp tăng rất nhanh, trong khi các cơ sở chưa đủ điều kiện tiếp nhận, điều trị cho những trường hợp có biểu hiện loạn thần.

Với hơn 4.000 lượt người được tiếp nhận cai nghiện hàng năm, tương đương hơn 11% tổng số người được tiếp nhận cai nghiện trong toàn bộ hệ thống cơ sở cai nghiện cả trong và ngoài công lập, tạo cơ hội cho những người muốn đi cai nghiện không phải lo lắng thủ tục hành chính phiền phức. Đồng thời, cũng làm giảm chi ngân sách tương đương trên 11% tổng chi cho công tác cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy, và góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ chế kiểm soát hợp lý nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ của các đơn vị cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện, trong khi tính tự phát của thị trường và của người dân lại phát sinh khá phổ biến nên chất lượng dịch vụ cai nghiện chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa có được niềm tin của người sử dụng dịch vụ. Ngoài ra, một số cơ sơ cai nghiện tự nguyện đặt ở những khu dân cư tập trung gây lo ngại về trật tự, an toàn xã hội cho chính quyền và người dân địa phương.

Khuyến khích các cơ sở cai nghiện dân lập

Thực tế, không ít các cơ sở cai nghiện xã hội hóa đã chứng minh được hiệu quả, nhưng để nhân rộng vẫn đang gặp không ít khó khăn.

Đánh giá nguyên nhân khiến việc xã hội hóa công tác cai nghiện ma túy còn hạn chế, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) Lê Đức Hiền cho rằng, dù Luật Phòng, chống ma túy đã đề cập đến chính sách xã hội hóa, nhưng chưa cụ thể và những văn bản quy định chi tiết đã không thể hiện được tinh thần tiến bộ này. Cùng với đó, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ chưa được hướng dẫn cụ thể để thực thi. Do đó, hiệu quả của chính sách xã hội hóa chưa cao.

Hiện nay, Nhà nước và xã hội chưa quen với vấn đề xã hội hóa dịch vụ công, trong khi thói quen bao cấp chưa xóa bỏ hết thì tính tự phát của thị trường, của người dân lại phát sinh khá phổ biến, đó là khó khăn cho xã hội hóa dịch vụ công.

Theo ông Lê Đức Hiền, để có thể thu hút được xã hội hóa trong công tác cai nghiện cần mở rộng không gian và quyền để các cá nhân, tổ chức tham gia vào các quyết sách liên quan và cung cấp các dịch vụ can thiệp dự phòng, can thiệp giảm hại, can thiệp phục hồi và hỗ trợ hoà nhập cộng đồng bền vững. Tạo cơ chế, chính sách cụ thể, minh bạch để động viên mọi nguồn lực xã hội, nhưng Nhà nước phải chịu trách nhiệm về những phân khúc quan trọng, đòi hỏi nhiều nguồn lực nhất, cùng đó Nhà nước phải quản lý chất lượng dịch vụ. Xây dựng cơ chế cung cấp dịch vụ để mọi đối tượng đều có thể tiếp cận dịch vụ một cách thuận lợi, sẵn có, với chi phí thấp nhất.

Phân bổ đầu tư phải dựa trên bằng chứng về hiệu quả toàn diện, chú trọng đầu tư cho dự phòng, cai nghiện tự nguyện và hỗ trợ phục hồi. Thực hiện công khai, minh bạch để mọi tổ chức, cá nhân đều có cơ hội tiếp cận các nguồn lực một cách bình đẳng, để cùng Nhà nước cung cấp ngày càng tốt hơn các dịch vụ dự phòng, giảm hại, phục hồi và hỗ trợ hoà nhập cộng đồng…

Tại dự thảo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) của Bộ Công an cũng cho biết, tại các cơ sở cai nghiện tự nguyện được cấp phép, biện pháp cai nghiện hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện của bên cung cấp dịch vụ và bên mua dịch vụ. Nhà nước tạo hành lang pháp lý và thực hiện các hỗ trợ khi cần thiết.

Tuy nhiên, hiện nay người cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện do các tổ chức cá nhân thành lập không được bất cứ hỗ trợ nào từ ngân sách như ở cơ sở cai nghiện công lập. Đến nay chưa có cơ sở cai nghiện ngoài công lập nào được hỗ trợ, trong khi đây là lĩnh vực đầu tư mang tính xã hội, lợi nhuận không hấp dẫn nhà đầu tư. Vì vậy, mô hình này chưa phát huy được hiệu quả cao.

Hơn nữa, quy định về xã hội hóa cai nghiện tự nguyện còn bất cập: quy định về cấp, thu hồi giấy phép hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy chưa tạo điều kiện cho sự phát triển các cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập (sau 15 năm chỉ có 22 cơ sở được cấp phép). Do đó, việc chuyển đổi các cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc thành cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện, thành lập các điểm vệ tinh của cơ sở cai nghiện ma túy còn hạn chế.

Từ thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan Nhà nước cần có quy định cụ thể về chế độ, chính sách trong công tác cai nghiện, đặc biệt là chính sách khuyến khích các tổ chức cai nghiện dân lập và cần một cơ chế quản lý chặt chẽ các cơ sở cai nghiện dân lập cho phù hợp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người nghiện.

Từ đó sẽ giúp người nghiện có nhiều lựa chọn hơn, chế độ chính sách tốt hơn trong việc cai nghiện để trở thành người có ích cho xã hội, tái hòa nhập lại cuộc sống xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tăng cường quản lý, ưu tiên bố trí nguồn lực nâng cấp, sửa chữa các cơ sở cai nghiện; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về cai nghiện ma túy; đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, trong đó có các cơ chế, chính sách xã hội hóa công tác cai nghiện trong thời gian tới.

Top