Kinh nghiệm tuyên truyền trong tấn công tội phạm ma túy tuyến Việt-Lào

12/08/2019 11:33

Tuyến biên giới giữa hai nước Việt Nam - Lào trong những năm qua luôn được xác định là một trong những tuyến nóng bỏng, phức tạp về tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy, nhất là tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động và liều lĩnh.

Lực lượng Công an phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng phát tờ rơi tuyên truyền về  PCMT đến nhân dân địa bàn xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh

Thực hiện Kế hoạch Bộ Công an về mở Đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm về ma túy (TPVMT) tuyến biên giới Việt Nam-Lào (gọi tắt Đợt cao điểm) trọng tâm là địa bàn 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh từ ngày 15/4-15/7/2019. Trong quá trình triển khai thực hiện Đợt cao điểm, các lực lượng chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy (PCMT) và điều tra bóc gỡ nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ một lượng lớn ma túy.

Việt Nam và Lào là hai quốc gia láng giềng, ở gần khu vực “Tam giác vàng” và “Trăng lưỡi liềm vàng” - là các trung tâm sản xuất, mua bán trái phép chất ma túy lớn trên thế giới, chính vì vậy, hai nước chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoạt động tội phạm ma túy ở các khu vực này. Trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, hoạt động phạm tội về ma túy ở các khu vực khác trên thế giới cũng có ảnh hưởng nhất định đến cả Việt Nam và Lào, làm cho tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở cả hai nước những năm qua diễn biến hết sức phức tạp.

Tuyến biên giới giữa hai nước Việt Nam-Lào trong những năm qua luôn được xác định là một trong những tuyến nóng bỏng, phức tạp về tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy, nhất là tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động và liều lĩnh. Trên tuyến biên giới giữa hai nước xuất hiện ngày càng nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy lớn, hoạt động có tổ chức xuyên quốc gia và quốc tế.

Các đối tượng phạm tội về ma túy tập trung tại khu vực giáp biên giữa hai nước Việt Nam-Lào hình thành các cơ sở tập kết sát biên giới để sẵn sàng vận chuyển ma túy đến nơi tiêu thụ, đa số là người dân tộc thiểu số với vai trò là người môi giới, cảnh giới, người vận chuyển… được thuê với số tiền nhất định; số ít đứng ra làm đầu mối, đại lý nhằm cung cấp ma túy đi các nơi và cho người nghiện tại địa bàn. Các đối tượng triệt để sử dụng các phương tiện liên lạc hiện đại như bộ đàm, điện thoại di động, internet để tiến hành giao dịch mua bán ma túy. Đặc biệt là tình trạng đối tượng phạm tội núp bóng doanh nghiệp để mua bán, vận chuyển ma túy thông qua các hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam và Việt Nam đi nước khác có chiều hướng gia tăng.

Thực hiện Kế hoạch Đợt cao điểm Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Bộ Công an đã chỉ đạo hệ lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCMT và vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh chống TPVMT hưởng ứng Tháng hành động PCMT. Chủ động xây dựng phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, tập huấn PCMT trên các địa bàn: xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa; xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, tổ chức 19 buổi tuyên truyền với 6.000 lượt người tham gia.

Công an các địa phương chủ động triển khai tổ chức tuyên truyền một cách sâu rộng với 1.278 buổi tuyên truyền, vận động 242.549 lượt người tham gia; 32 lớp tập huấn, với 3.120 lượt người tham gia. Phối hợp với các báo, đài Trung ương và địa phương đăng tải và phát sóng 1.225 tin bài, phóng sự về PCMT trên tuyến biên giới, cảnh báo hậu quả, tác hại của ma túy, những vụ án liên quan đến ma túy. Phối hợp với Truyền hình - Đài truyền thanh huyện, xã tổ chức tuyên truyền luật PCMT; về hiểm họa, tác hại của ma túy trên hệ thống loa truyền thanh của huyện, xã, thị trấn đến các thôn, bản, khối phố vào các giờ cao điểm trong ngày.

Thông qua nội dung tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của ma túy, tích cực tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh chống TPVMT trên địa bàn, tạo động lực và tiền đề cho công tác phòng ngừa, đấu tranh chống loại tội phạm này của lực lượng chức năng đạt hiệu quả cao, tiến tới loại bỏ dần ma túy ra khỏi đời sống người dân.

Trong công tác đấu tranh lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 1.530 vụ, 2.029 đối tượng (trong đó có 08 đối tượng truy nã về ma túy). Thu giữ 117,82 kg heroin; 8,46 kg cần sa, thuốc phiện; 1.490.15 kg 304.085 viên ma túy tổng hợp cùng một số đồ vật và tài sản có liên quan.

Trong đó Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy chủ trì phối hợp bắt giữ 15 vụ, 34 đối tượng. Thu giữ 38,85 kg heroin; 18,62 kg 50.500 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều đồ vật, tài sản có liên quan. Ở 3 tỉnh trọng điểm của Đợt cao điềm là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh lực lượng Công an đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ 849 vụ, 1144 đối tượng. Thu giữ 57,51 kg heroin; 1.457,81 kg 47.128 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều đồ vật, tài sản có liên quan.

Điển hình như ngày 15/4, Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Bộ Công an, Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh, Công an tỉnh Nghệ An và một số đơn vị có liên quan phá thành công vụ án “vận chuyển trái phép chất ma túy” xảy ra tại địa bàn xã Sơn Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Thu giữ 100 bánh heroin, 640 kg ma túy tổng hợp, 09 sổ tiết kiệm trị giá trên 7,5 tỷ đồng, 14 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có giá trị lớn, 03 giấy cho vay nợ trị giá 14 tỷ đồng và một số tài liệu khác có liên quan.   

Theo Trung tướng, TS. Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Bộ Công an, mặc dù kết quả đạt được trong tổ chức thực hiện Đợt cao điểm rất đáng đáng khích lệ tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số hạn chế như công tác nắm tình hình phục vụ công tác đấu tranh triệt phá các đường dây, ổ nhóm TPVMT, các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy ở khu vực biên giới còn hạn chế. Số đối tượng truy nã về ma túy số lượng bắt giữ chưa cao. Công tác phối hợp giữa các lực lượng tham gia ở một số địa phương có lúc, có nơi chưa đạt hiệu quả. Công tác quản lý, kiểm tra các doanh nghiệp, xuất, nhập khẩu hàng hóa và vận tải xuyên quốc gia còn nhiều lỗ hổng, bất cập, là nguyên nhân, điều kiện để TPVMT lợi dụng hoạt động…

Mặc dù trong Đợt cao điểm, các đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh triển khai các chương trình, kế hoạch, biện pháp nhằm tuyên truyền, tấn công trấn áp TPVMT; kết quả phát hiện, bắt giữ loại tội phạm này trên tuyến biên giới Việt Nam-Lào tăng, song vẫn chưa tương xứng với thực tiễn tình hình TPVMT trên tuyến biên giới này.

Qua phân tích, đánh giá tình hình cũng như kết quả thực hiện Đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công trấn áp TPVMT trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm. Đó là, Đợt cao điểm thực hiện đạt hiệu quả cao cần có sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên và kịp thời của các cấp lãnh đạo; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các nội dung công tác trọng tâm; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế cũng như có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc.

Các đơn vị nghiệp vụ, Bộ Công an cũng như các đơn vị, địa phương liên quan cần có sự chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết, xây dựng kế hoạch thực hiện sát với thực tiễn diễn biến của TPVMT tại địa phương mình cũng như cần xác định các vấn đề trọng tâm, trọng điểm tập trung thực hiện; đề ra các chỉ tiêu cụ thể nhằm phấn đấu đạt được trong Đợt cao điểm.

Lực lượng Công an nói chung và lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy nói riêng phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chuyên trách phòng, chống TPVMT của Bộ đội Biên phòng, Hải quan tập trung tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đặc biệt là công tác nắm tình hình trên các tuyến và địa bàn trọng điểm để kịp thời phát hiện, bắt giữ TPVMT và triệt phá thành công các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy tuyến biên giới Việt Nam-Lào.

Cần thiết lập và duy trì chế độ trao đổi thông tin nhanh chóng và kịp thời giữa các đơn vị, địa phương phía Việt Nam cũng như đường dây “nóng”, sỹ quan liên lạc giữa cơ quan chức năng hai nước Việt Nam và Lào. Đặc biệt là qua kênh Văn phòng liên lạc qua biên giới (Văn phòng BLO) giữa hai nước. Đối với các thông tin do hai bên cung cấp cần nhanh chóng tổ chức xác minh làm rõ và có kế hoạch đấu tranh triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới.

Trên cơ sở thực tiễn tình hình TPVMT trên tuyến biên giới Việt Nam-Lào, lực lượng Công an các đơn vị, địa phương, nhất là lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy phải phát huy vai trò chủ công, nòng cốt; làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo các cấp, các ngành, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia công tác PCMT. Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm vận động nhân dân tích cực vào công tác PCMT, đặc biệt là nhân dân tại các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số; kịp thời biểu dương, khen thưởng gương tốt, việc tốt trong công tác PCMT.

Top