Vĩnh Phúc: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan HIV/AIDS trong cộng đồng

02/08/2019 16:50

Mặc dù công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm đã dần được kiểm soát, song do tệ nạn mại dâm vẫn diễn ra ở nhiều địa bàn, cộng thêm số người nghiện ma túy đang gia tăng nên công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

 Tư vấn xét nghiệm sớm HIV cho người nguy cơ cao tại Vĩnh Phúc. Ảnh: TT KSBT tỉnh

Song song với hoạt động cấp phát các dụng cụ dự phòng lây nhiễm như bơm kim tiêm sạch, bao cao su, thời gian qua, các cơ quan chuyên môn, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông trong cộng đồng; chủ động tư vấn, hỗ trợ trực tiếp cho những người nhiễm HIV/AIDS và những người nằm trong nhóm nguy cơ lây nhiễm cao.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, cùng với duy trì can thiệp của 4 nhóm đồng đẳng cho đối tượng nghiện ma túy, mại dâm và quan hệ tình dục đồng giới, toàn tỉnh đã cấp phát 273.600 bơm kim tiêm sạch và thu gom 190.556 bơm kim tiêm bẩn; cấp phát 143.689 bao cao su. Đồng thời, chăm sóc, điều trị ARV cho 895 bệnh nhân, trong đó có 23 trẻ em; điều trị phơi nhiễm HIV cho 6 trường hợp; điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cho 8 trường hợp và điều trị dự phòng lao cho 100% bệnh nhân đang điều trị ARV tại các phòng khám ngoại trú.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, lũy kế đến tháng 7/2019, toàn tỉnh có 4.345 người nhiễm HIV, trong đó, có 3.356 người còn sống; số có địa chỉ tại tỉnh là 1.314 người. Trong 6 tháng đầu năm 2019, thông qua công tác tư vấn, xét nghiệm tự nguyện, toàn tỉnh đã phát hiện mới 99 trường hợp dương tính HIV.

Đến nay, Vĩnh Phúc đã đạt tỷ lệ 85% người nhiễm HIV biết tình trạng của mình, 84,4% người nhiễm HIV được điều trị ARV, so với toàn quốc, có những chỉ tiêu đã vượt mục tiêu 90 - 90 - 90. Kết quả này đã và đang tích cực góp phần cùng cộng đồng ngăn chặn HIV lan rộng và giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, sự kỳ thị và phân biệt đối xử của xã hội chính là rào cản lớn khiến người nhiễm HIV/AIDS khó tiếp cận với các dịch vụ dự phòng và điều trị, cố giấu tình trạng bệnh tật, mặc cảm, không dám tiếp xúc với cộng đồng, không hợp tác với chương trình phòng chống HIV/AIDS… Khi không nhận được sự cảm thông, giúp đỡ của cộng đồng, rất có thể người nhiễm HIV trở nên bi quan, chán nản, thậm chí có những hành vi tiêu cực, trở thành nguồn lây nhiễm nguy cơ cao cho gia đình, cộng đồng.

Trước những khó khăn kể trên, để đạt và vượt mục tiêu 90 - 90 - 90 vào năm 2020, tỉnh Vĩnh Phúc đang chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể triển khai đồng bộ các giải pháp về phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông trực tiếp, vận động người dân thực hiện các quy định của pháp luật và tích cực tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

Đồng thời, tăng cường chất lượng kết nối giữa các gói dịch vụ; mở các lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế, bảo đảm bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được điều trị, chăm sóc tốt nhất.
Top