Đà Nẵng: Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống HIV trong thanh thiếu niên

01/08/2019 11:08

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng, nhóm đối tượng nhiễm HIV được phát hiện mới, lứa tuổi 15-24 chiếm tỷ lệ 16,7%. HIV/AIDS tại Đà Nẵng chưa có xu hướng giảm theo tỷ lệ chung của toàn quốc. Do đó, Đà Nẵng đang đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nhất là trong giới trẻ.

 Tư vấn điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS. Ảnh: TT KSBT Đà Nẵng

Hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS được thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng; lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS với các nội dung tuyên truyền khác.

Ở một số địa phương, phong trào phòng, chống HIV/AIDS được thực hiện bằng  các hình thức phong phú, đa dạng. Đơn cử như quận Hải Châu đã triển khai hình thức sân khấu hóa “Rung chuông vàng”, hài kịch, hái hoa dân chủ, tặng quà cho người nhiễm HIV vào dịp lễ, Tết. Quận Sơn Trà thì lồng ghép nhiều nội dung phòng, chống tệ nạn ma túy, phòng chống HIV/AIDS với các mô hình như: “Tổ dân phố không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” thu hút đông đảo người dân tham gia.

Hiện nay, việc lây nhiễm căn bệnh này vẫn chủ yếu qua đường tình dục (99%), nam giới chiếm 83%, nhóm tuổi từ 25-49 vẫn chiếm đa số trong các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện trong năm 2018 (chiếm 63,6%)…

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, chỉ tính trong 5 năm qua, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn thành phố đã tăng cường phối hợp với các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, tội phạm trong giai đoạn mới.

Bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phát tài liệu về cách phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và HIV/AIDS trong đông đảo đoàn viên, thanh niên, Thành Đoàn đã mở các lớp tập huấn, trang bị kiến thức, tổ chức các hoạt động phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS tại các tổ chức đoàn cơ sở và các chiến dịch tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS như: Tuyên truyền trong Tháng Thanh niên; Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS; Chiến dịch hè thanh niên tình nguyện hằng năm... nhằm nâng cao kiến thức, chống phân biệt kỳ thị với người nhiễm HIV.

Trong 5 năm qua, các cấp bộ Đoàn trong toàn thành phố đã tổ chức lồng ghép được hơn 750 đợt truyền thông về phòng, chống tệ nạn mại dâm và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS cho trên 43.000 lượt đoàn viên thanh niên; tổ chức gần 400 đợt tư vấn truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS; phát bao cao su và tờ rơi về phòng chống mại dâm và HIV/AIDS tại các buổi tuyên truyền, các ngày hội của Đoàn; thành lập được 56 đội thanh niên tình nguyện xã hội và phòng chống tội phạm.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cũng đã phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc ở các khu chế xuất, khu công nghiệp; phối hợp với Mặt trận các cấp tổ chức truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư, duy trì hoạt động của hơn 1.200 nhóm nòng cốt, tổ chức truyền thông phòng chống HIV/AIDS cho hơn 6.400 người.

Thời gian tới, Đà Nẵng tập trung thực hiện một số mục tiêu như giảm tỷ lệ người mắc HIV/AIDS so với năm 2018; phấn đấu 85% người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng biết được mình nhiễm bệnh; 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV và tổ chức điều trị nghiện thay thế bằng thuốc Methadone cho trên 300 người nghiện ma túy.

Nâng cao năng lực hoạt động của mạng lưới đồng đẳng viên các nhóm, nhằm nâng cao hiệu quả việc tiếp cận, tuyên truyền vận động các nhóm đối tượng nguy cơ cao thực hiện các hành vi an toàn phòng lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, cũng như tham gia tư vấn xét nghiệm HIV; mở rộng đối tượng triển khai hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng dân cư... nhằm giúp người dân sớm phát hiện tình trạng nhiễm HIV, góp phần thực hiện mục tiêu 90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình vào năm 2020.
Top