Tăng cường năng lực cho cơ quan chuyên trách chống ma túy

23/07/2019 13:47

Ngăn chặn nguồn cung ma tuý từ bên ngoài, áp dụng các biện pháp giảm nhu cầu tiêu thụ từ trong nước, nhất là nâng cao tỉ lệ cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tại cộng đồng, gia đình… là những giải pháp vừa cấp bách, vừa lâu dài. Cùng với đó là việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực thi pháp luật đối với lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma tuý.

Đại diện các tập thể nhận bằng khen tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện kế hoạch phối hợp phòng chống ma tuý biên giới Việt - Lào

Ma túy là vấn nạn phức tạp toàn cầu. Việt Nam và khu vực ASEAN đang phải nỗ lực hợp tác, đấu tranh ngăn chặn hiểm họa “vòi bạch tuộc”. Ngăn chặn nguồn cung ma tuý từ bên ngoài, áp dụng các biện pháp giảm nhu cầu tiêu thụ từ trong nước, nhất là nâng cao tỉ lệ cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tại cộng đồng, gia đình… là những giải pháp vừa cấp bách, vừa lâu dài. Cùng với đó là việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực thi pháp luật đối với lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma tuý, áp dụng khoa học, kỹ thuật và phương án phối hợp tác chiến…

Không để Việt Nam thành địa bàn trung chuyển ma túy

Đảng, Nhà nước ta xác định rõ, công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cấp ủy, chính quyền các cấp và của toàn dân. Trong đó, tập trung chỉ đạo, thực hiện công tác phòng ngừa là giải pháp chiến lược lâu dài, đồng thời ngăn chặn sự lây lan của tệ nạn ma túy và kiềm chế gia tăng người nghiện mới; hướng mạnh về cộng đồng, dựa vào cộng đồng và tập trung vào nhóm nguy cơ cao; xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy.

Về cơ chế luật pháp cũng đã từng bước được hoàn thiện, trong đó có Luật Phòng, chống ma tuý với các quy định rất cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành và người dân trong phòng, chống ma tuý. Bộ luật Hình sự quy định chế tài hết sức nghiêm khắc trong nhóm tội danh về ma tuý, có tới 9/13 tội danh về ma túy có khung hình phạt cao nhất là chung thân và tử hình.

Chính phủ cũng đã có kế hoạch triển khai phòng, chống ma túy và các lực lượng phòng, chống ma túy của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có sự phối hợp và vào cuộc chặt chẽ trong công tác đấu tranh, xử lý những vấn đề liên quan đến tội phạm ma túy.

Các ngành đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch công tác và quy chế phối hợp trong giải quyết vấn đề ma túy, đặc biệt là công tác hợp tác quốc tế với các nước trong phòng, chống ma túy cũng đạt được những vấn đề rất trọng tâm.

Nghị quyết số 98 ngày 26/12/2014 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma tuý trong tình hình mới xác định rõ: Tập trung các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh trên các tuyến và địa bàn trọng điểm; xóa bỏ các điểm nóng, phức tạp về ma túy, không để phát sinh và tồn tại địa bàn phức tạp về ma túy; triệt phá các đường dây, tổ chức mua bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng ma túy; tăng cường hợp tác quốc tế, kiểm soát chặt chẽ tình trạng thẩm lậu ma túy từ bên ngoài vào Việt Nam, đặc biệt trên các tuyến biên giới, hàng không và đường biển…

Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khoá XIV, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, Bộ đã dự báo về những diễn biến phức tạp của tội phạm ma tuý, các phương thức, thủ đoạn mới.

Trên cơ sở đó đã triển khai các kế hoạch, chương trình hành động và kết quả công tác đấu tranh phòng, chống ma túy vừa qua cũng là con số nói lên điều này. Tình hình ma túy trên thế giới hiện nay có những diễn biến phức tạp, nhiều nước hợp pháp hóa về ma túy.

Việt Nam có quan điểm, lập trường là không chấp nhập hợp pháp hóa ma túy và các nước ASEAN đoàn kết đấu tranh chống tội phạm này.

“Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, chúng tôi hoàn toàn ngăn chặn được tội phạm ma túy và không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy ra thế giới” - Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Hiện nay, nhiều thách thức đang đặt ra trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý.

Một là, chúng ta ở rất gần trong vòng xoáy trung tâm lớn thứ hai về ma túy của thế giới - “Tam giác vàng” nên chịu tác động nhiều mặt. Hai là, số người nghiện ma túy tiếp tục gia tăng.

Có những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật đặt ra như việc đưa người vào các cơ sở cai nghiện, vấn đề giám định hàm lượng chất ma túy, hướng dẫn áp dụng một số vấn đề trong Luật Phòng, chống ma túy và Bộ luật Hình sự. Hiện, người sử dụng ma túy không bị xử lý hình sự cũng gây những phức tạp, đòi hỏi cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Thứ ba, tội phạm có liên quan đến ma tuý ngày càng diễn biến phức tạp, từ việc nghiện ma tuý đến trộm cắp, cướp, cướp giật, thậm chí giết người.

Thứ tư, tính chất cuộc chiến đấu tranh chống tội phạm ma tuý rất cam go, khốc liệt, các đối tượng buôn bán ma tuý số lượng lớn, manh động chống trả. Trong cuộc đấu tranh khốc liệt này, không ít trường hợp cán bộ, chiến sĩ Công an, Biên phòng đã hy sinh hoặc bị thương.

Nâng cao sức mạnh cơ quan đấu tranh chống tội phạm về ma túy

Đây là yêu cầu khách quan, trong đó có việc nâng cao năng lực, sức mạnh cho lực lượng CSĐT tội phạm về ma tuý. Chương trình hành động phòng, chống ma tuý của Chính phủ, giai đoạn 2017-2020 cũng đã xác định rõ nội dung này. Thời gian qua, nhiều trang thiết bị, kỹ thuật đã được đầu tư, mua sắm, cùng với đó là tập huấn, nâng cao năng lực nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách.

Do đó, thời gian tới cần tiếp tục tăng cường lực lượng, bố trí phù hợp, kết hợp bồi dưỡng nâng cao năng lực phòng, chống ma túy cho các lực lượng chuyên trách, trong đó có CSĐT tội phạm về ma tuý, đảm bảo đáp ứng những yêu cầu cấp thiết đề ra, phù hợp tình hình thực tiễn và các chính sách pháp luật hiện hành.

Bổ sung, sửa chữa, nâng cấp, trang cấp những trang thiết bị cần thiết, hiện đại cho các lực lượng chuyên trách, đặc biệt là những trang thiết bị phục vụ cho cơ động chiến đấu, thông tin liên lạc, đảm bảo hiệu lực và an toàn cho cán bộ chiến sỹ trực tiếp đấu tranh.

Tăng cường phối, kết hợp giữa các lực lượng chuyên trách ở Trung ương và giữa các cơ quan chuyên trách Trung ương với các địa phương, nhất là những địa phương trọng điểm phức tạp về ma túy. Kịp thời rút kinh nghiệm việc thực hiện các kế hoạch phối hợp nhằm bổ sung các biện pháp phù hợp để triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch này.

Triển khai các hoạt động nghiệp vụ nhằm phát hiện, đấu tranh, xử lý triệt để tội phạm về ma túy, nhất là các vụ phạm tội nghiêm trọng và tại các địa bàn trọng điểm phức tạp, như: Điều tra cơ bản, xây dựng kế hoạch đấu tranh sát với tình hình; ngăn chặn ma túy xâm nhập ở khu vực biên giới; triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy; phối hợp các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; phòng ngừa, kiểm soát nhằm phát hiện sớm và tổ chức triệt xóa cây có chất ma túy; truy bắt tội phạm, thu hồi triệt để tài sản do phạm tội mà có…

Xây dựng, tổ chức thực hiện những kế hoạch phối hợp trong quản lý, kiểm tra, giám sát để ngăn chặn hiệu quả việc thất thoát, thẩm lậu các tiền chất, hóa chất, dược liệu vào việc sản xuất ma túy tổng hợp trong nước; chủ động tổ chức các biện pháp ngăn chặn việc trồng trái phép cây có chứa chất ma túy.

Thời gian qua, nhiều dự án thành phần của chương trình nâng cao năng lực cơ quan phòng, chống ma tuý đã được triển khai, điển hình như dự án trang bị phương tiện chiến đấu và giám định ma túy của lực lượng CAND.

Dự án nhằm nâng cao năng lực cho lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy thông qua việc trang bị các phương tiện kỹ thuật phù hợp và hiện đại; nâng cao tỷ lệ phát hiện, bắt giữ tội phạm ma túy ở các tỉnh biên giới. Nâng cao năng lực giám định phát hiện các chất ma túy, tập trung là ma túy tổng hợp và chất ma túy mới tại 3 phòng thí nghiệm giám định của Viện Khoa học hình sự và 10 tỉnh trọng điểm về ma túy.

Cộng hưởng các giải pháp trước mắt và lâu dài

Thời gian tới, lực lượng CAND tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm ma túy, trong đó trọng tâm là thực hiện Kết luận số 95-KL/TW ngày 2/4/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị (Khóa X) về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới.

Tăng cường phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy tại địa bàn dân cư; đẩy mạnh thực hiện đề án xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy.

Tiếp tục triển khai các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là tuyến biên giới, cửa khẩu; tăng cường phối hợp với các lực lượng tập trung phát hiện, triệt phá các tổ chức, đường dây ma túy lớn, hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia. Phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp cai nghiện đối với người nghiện.

Cùng với đó là việc đẩy mạnh công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy trong khuôn khổ tổ chức INTERPOL, ASEANAPOL, các nước tiểu vùng sông Mê Kông và các thiết chế song phương, đa phương khác.

Đặc biệt là tập trung rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy hiện nay.

Top