Phối hợp y tế công, tư trong quản lý bệnh lao kháng thuốc

10/07/2019 11:01

Ngày 9/7, Bệnh viện (BV) Phổi Trung ương phối hợp Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ tổ chức hội thảo tăng cường phối hợp y tế công, tư trong quản lý bệnh lao kháng thuốc.

 Việt Nam vẫn nằm trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới

Hội thảo nhằm vận động các bệnh viện công, tư trên địa bàn tỉnh Cần Thơ, An Giang, Cà Mau và Bình Dương tham gia hoạt động quản lý, điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc, giảm nguồn lây cho cộng đồng.

Thạc sĩ Trần Văn Thiều, cán bộ đơn vị kháng thuốc, Chương trình chống lao quốc gia, cho biết: Điều tra độc lập của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2014, ước tính mới phát hiện 56% bệnh nhân lao kháng thuốc, 44% còn lại chưa được phát hiện hoặc phát hiện ngoài chương trình nhưng chưa được báo cáo. Trong khi đó, trên 12% người nghi lao đến khám lần đầu tại y tế tư.

Điều tra tại 2 bệnh viện, bệnh nhân lao kháng thuốc điều trị ngoài chương trình (tự trả chi phí) có tỷ lệ khỏi chỉ 45,7% và bỏ trị lên đến 22,4%. Trong khi chương trình, bệnh nhân được miễn phí thì tỷ lệ thành công từ 69%-75% (tùy năm). Do vậy, rất cần sự tham gia của các bệnh viện công và tư trong quản lý, điều trị lao.

Theo thạc sĩ Trần Văn Thiều, tùy vào khả năng của các bệnh viện, có thể triển khai 1 trong 3 mô hình: Mô hình 1, tầm soát người nghi lao kháng thuốc, chuyển chương trình chống lao; mô hình 2, tầm soát và xét nghệm, khi kết quả dương tính, chuyển người bệnh đến chương trình chống lao; mô hình 3, điều trị theo hướng dẫn của chương trình chống lao. Dự án quỹ toàn cầu hỗ trợ chi phí chuyển bệnh nhân, vận chuyển mẫu bệnh phẩm và báo cáo hàng tháng.

Theo thống kê của Chương trình chống lao quốc gia, trong năm 2018, Chương trình đã khám cho hơn 18.000 trẻ tiếp xúc nguồn lây đăng ký sàng lọc bệnh lao. Trong đó, số trẻ tiếp xúc được thu nhận vào điều trị là gần 4.000 trường hợp. Số trường hợp mắc lao trẻ em phát hiện trong năm qua là 1.656 ca các thể, trong đó số trường hợp mắc lao trẻ em trong nhóm tuổi từ 0-4 (dưới 5 tuổi) là 549 trường hợp (chiếm 39%).

PGS Nguyễn Viết Nhung, Chủ nhiệm Chương trình phòng chống lao Quốc gia cho hay, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi chấm dứt căn bệnh này. Trong 10 năm qua, dựa trên các nghiên cứu điều tra toàn quốc lần 1 năm 2007, lần 2 năm 2017 và các nghiên cứu phụ trợ, bệnh lao ở Việt Nam đã giảm được 31%, trung bình 3,8% một năm. Những năm gần đây tốc độ giảm nhanh hơn, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Để Việt Nam sớm hoàn thành sứ mệnh phòng, chống lao, mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý bổ sung công tác phòng chống lao vào Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm.
Top